Việt Nam tích cực đưa các mối quan hệ quốc tế phát triển chiều sâu

Chính trị - Ngày đăng : 10:27, 26/08/2016

Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ thăm cấp Nhà nước tới Brunei Darussalam từ ngày 26-28/8 và tới CH Singapore từ ngày 28-30/8. Hai chuyến thăm nhằm triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội XII của Đảng, đưa các mối quan hệ quốc tế phát triển chiều sâu.

Việt Nam tích cực đưa các mối quan hệ quốc tế phát triển chiều sâu

Chủ tịch nước Trần Đại Quang và phu nhân trong chuyến thăm một nước trong khối ASEAN

Singapore và Brunei đều là những nước thành viên sáng lập ASEAN và có vị trí quan trọng trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hai nước đều đã trở thành thành viên tích cực của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (WTO), Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn An ninh khu vực ASEAN (ARF), là thành viên sáng lập của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây cũng là chuyến thăm chào xã giao theo thông lệ của ASEAN với lãnh đạo mới của các nước thành viên.

Brunei: Củng cố quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt

Việt Nam-Brunei thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 29/2/1992. Quan hệ hai nước đang trên đà phát triển và sẽ kỷ niệm 25 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2017. Hai bên thường xuyên trao đổi chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao. Quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư có khởi sắc, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2010-2015 tăng hơn ba lần (từ 24,2 triệu USD năm 2010 lên 73,7 triệu USD năm 2015).

Tính đến tháng 6/2016, kim ngạch thương mại song phương là 17 triệu USD (Việt Nam xuất 8,4 triệu, Việt Nam nhập 8,7 triệu USD). Việt Nam xuất sang Brunei chủ yếu là hàng thủy sản và gạo, Việt Nam nhập khẩu từ Brunei chủ yếu là hóa chất. Về phía Brunei đã có 205 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt hơn 2,18 tỷ USD, đứng thứ 18/116 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Vào tháng 4/2014, hai nước đã ký kết Bản Ghi nhớ về hợp tác giáo dục. Vài năm trở lại đây, Brunei đều đặn cấp cho Việt Nam một số học bổng học tại các trường đại học của Brunei. Hợp tác văn hóa giữa hai nước chủ yếu trong khuôn khổ các dự án về hợp tác văn hóa của Ủy ban Văn hóa Thông tin ASEAN (ASEAN COCI). Việt Nam và Brunei thường xuyên có quan hệ hợp tác chặt chẽ trên tất cả các lĩnh vực thể dục thể thao như trao đổi đoàn, thi đấu, tập huấn, trao đổi chuyên gia, huấn luyện viên, vận động viên, tham gia các khóa đào tạo...

Bên cạnh đó, Chính phủ hai nước cũng đã ký Bản Ghi nhớ về hợp tác du lịch. Tuy nhiên, trao đổi khách giữa hai nước cũng chưa nhiều, chủ yếu là khách công vụ, kết hợp du lịch. Ngoài ra, hai bên đã ký kết nhiều hiệp định, thỏa thuận, biên bản ghi nhớ như Hiệp định Hàng không; Hiệp định thương mại; Thỏa thuận hợp tác giữa Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Brunei; Bản ghi nhớ về Hợp tác Dầu khí và Hiệp định tránh đánh thuế hai lần...

Tại cuộc gặp gỡ nhân dịp dự Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49 cuối tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei Lim Jock Seng. Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại Brunei khẳng định, Quốc vương và hoàng gia Brunei đặc biệt coi trọng chuyến thăm cấp nhà nước sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và cho rằng chuyến thăm sẽ tạo động lực đưa quan hệ hai nước lên tầm cao mới.

Singapore: Làm sâu sắc hơn quan hệ Đối tác chiến lược

Thông tin về chuyến thăm cấp Nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân từ ngày 28-30/8, Đại sứ Việt Nam tại Singapore Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh, đây là chuyến thăm rất quan trọng và có nhiều ý nghĩa. Thứ nhất, Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên Chủ tịch nước đến thăm sau khi tuyên thệ. Điều đó thể hiện tầm quan trọng của Singapore cũng như Việt Nam đánh giá rất cao vai trò của Singapore trong khu vực cũng như trong quan hệ song phương của hai bên. Thứ hai, phía Singapore mới tiến hành Tổng tuyển cử bầu ra nội các mới và đi vào hoạt động từ cuối năm 2015 đầu năm 2016. Phía Việt Nam cũng vừa kết thúc xong Đại hội Đảng lần thứ XII và Ban lãnh đạo mới của chúng ta cũng vừa tuyên thệ, nhậm chức. Do đó, chuyến thăm của Chủ tịch nước cũng là dịp gặp gỡ giữa Ban lãnh đạo mới của hai bên, là cơ hội hai bên trao đổi với nhau để tìm ra những biện pháp và phương thức tăng cường hợp tác hơn nữa, đưa hai nước thực hiện các mục tiêu của mình trong thời gian tới.

Về quan hệ đối tác chiến lược, Việt Nam và Singapore đã có mối quan hệ lâu dài. Từ những năm 90 của thế kỷ 20, Singapore đã tích cực hỗ trợ Việt Nam hội nhập với khu vực. Cựu Thủ tướng Singapore lúc đó là ông Lý Quang Diệu đã dẫn đầu các đoàn chuyên gia sang Việt Nam xem xét toàn bộ nền kinh tế của Việt Nam theo lời mời của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Các chuyên gia của Singapore đã tư vấn cho Việt Nam phát triển nền kinh tế thị trường khi đó còn ở giai đoạn manh nha. Cũng từ đó, Singapore luôn là một nước đầu tư lớn và có nhiều quan hệ thương mại với Việt Nam. Đến tháng 9/2013, hai bên đã ký thỏa thuận thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược. Khi có thỏa thuận này, mối quan hệ hai bên đã phát triển mạnh hơn theo chiều hướng tích cực. Trong ba năm liên tiếp vừa qua, thương mại hai bên đều tăng trưởng 12%/năm. Hiện nay, Singapore trở thành nước đầu tư lớn thứ ba vào Việt Nam, sau Nhật Bản và Hàn Quốc. Tổng giá trị đầu tư của Singapore vào Việt Nam đến nay đã lên tới 36 tỷ USD.

“Tôi cho rằng, trong thời gian tới, Chính phủ hai nước cần tìm ra những biện pháp mới, cách đi mới để quan hệ đối tác chiến lược của hai bên lên một tầm cao hơn. Đây cũng là một ý nghĩa khác đối với chuyến thăm sắp tới của Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Phu nhân tới Singapore”, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh nói.

Chia sẻ về Thỏa thuận kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Singapore, Đại sứ Nguyễn Tiến Minh nhấn mạnh: “Hiện nay chúng ta đang ra sức đẩy mạnh quan hệ đối tác chiến lược hai nước đi vào chiều sâu. Trong khuôn khổ này cũng có việc củng cố kết nối hai nền kinh tế Việt Nam-Singapore. Theo tôi, kết nối hai nền kinh tế là hướng đi rất chiến lược vì kinh tế của Việt Nam và Singapore bổ trợ cho nhau. Một bên có nhiều vốn, có kinh nghiệm trong việc phát triển kinh tế, xây dựng đất nước. Một bên có nguồn nhân lực, tài nguyên dồi dào, có đất đai rộng lớn. Khi hai bên kết hợp với nhau, chúng ta không nhằm mục tiêu thị trường Việt Nam hay Singapore mà là những thị trường rộng lớn hơn là Cộng đồng Kinh tế ASEAN, Khu vực ASEAN và 6 nước đối tác và rộng hơn nữa là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương”.

Ngọc Mai