Tin về áp thấp nhiệt đới gần bờ và trên Biển Đông
Đời sống - Ngày đăng : 06:04, 02/11/2017
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn trung ương, sáng sớm nay (02/11), áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Nam Cà Mau đã suy yếu thành một vùng áp thấp.
Hồi 01 giờ ngày 02/11, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 7,2-8,2 độ Vĩ Bắc; 105,0-106,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Nam các tỉnh Bạc Liêu-Cà Mau. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Dự báo trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và suy yếu thêm. Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp, trong ngày hôm nay ở Nam Bộ tiếp tục có mưa, riêng miền Tây Nam Bộ có mưa vừa, mưa to.
Vị trí và hướng đi của 2 áp thấp nhiệt đới. Ảnh: NCHMF
Áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông
Cũng theo Trung tâm Dự báo Khí tượng và thủy văn trung ương, hồi 01 giờ, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 11,9 độ Vĩ Bắc; 118,2 độ Kinh Đông, cách đảo Song Tử Tây khoảng 450km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (50-60km/giờ), giật cấp 9.
Dự báo trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km và có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 01 giờ ngày 03/11, vị trí tâm bão ở vào khoảng 12,2 độ Vĩ Bắc; 114,1 độ Kinh Đông, trên khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 8-9 (60-90km/giờ), giật cấp 11.
Ảnh mây vệ tinh. Ảnh: NCHMF
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão, khu vực Giữa Biển Đông có mưa rào và dông mạnh, gió mạnh cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, giật cấp 11; biển động rất mạnh. Trong 24 giờ tới, vùng nguy hiểm (gió mạnh từ cấp 6 trở lên) trong khoảng 10-14 độ Vĩ Bắc; phía Đông 112,5 độ Kinh Đông. Cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 3.
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20km và tiếp tục có khả năng mạnh thêm.
Bão có khả năng đổ bộ thời điểm diễn ra APEC 2017
Ngay trong chiều qua (1/11), Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương báo cáo và đề nghị Ban Thư ký Quốc gia APEC 2017 sớm chỉ đạo, rà soát các phương án ứng phó với bão, mưa lũ, ngập lụt trong thời gian tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2017.
Theo nhận định của cơ quan khí tượng, hiện một áp thấp nhiệt đới hoạt động trên khu vực biển miền Trung Philippines và sẽ đi vào Biển Đông. Áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và di chuyển nhanh theo hướng Tây. Nguy cơ bão kết hợp không khí lạnh ảnh hưởng đến các tỉnh Trung Bộ.
Do ảnh hưởng kết hợp của hai loại hình thời tiết rất nguy hiểm này nên từ khoảng 3/11 ở các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa có nguy cơ xảy ra một đợt mưa đặc biệt lớn và kéo dài trong nhiều ngày. Nguy cơ lũ, lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi và ngập lụt diện rộng ở vùng trũng, đô thị thuộc các tỉnh nói trên rất cao.
Phía Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương sẽ thường xuyên báo cáo về diễn biến thời tiết nguy hiểm nêu trên.
Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương APEC sẽ diễn ra từ 5-11/11 tại Đà Nẵng. Đây là một trong những sự kiện lớn nhất của Việt Nam trong năm 2017. Tuần lễ APEC 2017 tại Đà Nẵng sẽ có sự tham dự của Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cùng lãnh đạo cấp cao của 20 nước thành viên. Trong thời gian diễn ra, Tuần lễ APEC 2017 sẽ có 20 Hội nghị cấp Bộ trưởng và có khoảng 10.000 người tham dự, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 3.000 phóng viên báo chí, 5.000 nhà doanh nghiệp và các đại biểu không chính thức. |