Thấy những cỏ xanh trong chiều tà
Nhà xuất bản Văn học và Nhà sách Liên Việt vừa cho ra mắt cuốn sách “Chiều tà chỉ thấy cỏ xanh” của nhà báo Nguyễn Phan Khiêm. Nhà văn Đỗ Bích Thúy có bài viết giới thiệu tác phẩm mới này với nhiều đánh giá sắc sảo, tinh tế.
Phải đọc đến bài “Đống Thây còn một chút này” thì tôi mới hiểu tại sao một cuốn sách mang tính chất khảo cứu, ghi chép, du ký lại có cái tên gợi đến như vậy? Hóa ra mấy chữ “Chiều tà chỉ thấy cỏ xanh” nằm trong bài văn tế thường được các bô lão trong làng đọc tại gò Đống Mồ, Chương Mỹ, Hà Nội - nơi chôn hài cốt của hàng vạn quân giặc bị tiêu diệt bởi nghĩa quân Lam Sơn vào cuối năm 1426 - mỗi dịp tháng Chạp hàng năm. Bài văn tế có đoạn mở đầu như sau: Hỡi ôi các chúng hồn/ Sinh năm nào không biết/ Mất tuổi nào chẳng hay / Chiều tà chỉ thấy cỏ xanh…
Mấy câu thơ này, bài thơ này, lớn hơn là tinh thần nhân ái này là một giá trị ẩn sâu trong nhân cách người Việt, sẵn sàng xả thân bảo vệ chủ quyền dân tộc nhưng cũng tha thứ, bỏ qua, độ lượng với kẻ thua cuộc. Tôi thích tên sách này cũng như cái cách khai thác, tìm kiếm, phân tích dữ liệu và gọi tên các sự việc, hiện tượng luôn rất thuyết phục của tác giả Nguyễn Phan Khiêm.
Tôi biết anh Nguyễn Phan Khiêm là người biết Hán Nôm, mê thư pháp và viết thư pháp đẹp. Cuối năm, bạn bè thường được anh tặng một bức thư pháp để đón năm mới. Mỗi bức thư pháp của anh ngoài việc chữ đẹp, rất chỉn chu, đồng thời mang một thông điệp phù hợp với nguyện vọng, mong ước, phù hợp với cuộc sống, tính cách hay bước ngoặt... của người được tặng.
Anh viết nhiều, in nhiều. Có hai dạng đề tài mà anh thường khai thác và đã theo đuổi rất lâu, đều thuộc dạng kén người đọc, nhưng nếu đã đọc anh một cuốn thì nhất định người ta lại mong muốn được đọc cuốn tiếp theo. Một trong những điều mà tác giả nào cũng mong ước khi viết sách là có bạn đọc chung thủy, thì Nguyễn Phan Khiêm đã có được trong nhiều năm nay.
Mảng đề tài thứ nhất anh tập trung khai thác là luật pháp. Những câu chuyện, vụ án, nhân vật, góc khuất...đầy tính chuyên môn nhưng hấp dẫn vì nó gần với đời sống, nó là cái dòng chảy ngồn ngộn tính thời sự của hôm qua, hôm nay, thậm chí là ngày mai.
Thứ hai là dạng đề tài như cuốn sách này. Khảo cứu, điền dã, du ký, ghi chép... mà từ đầu đến cuối là đậm đặc kiến thức văn hóa về các vùng đất mà tác giả đã đi qua.
Làm báo mấy chục năm, đương nhiên là anh đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người vì công việc cho phép như thế. Và đương nhiên đã là nhà báo thì ai chả viết nhiều. Tôi đồ rằng, không có nhà báo nào nhớ được mình đã từng viết bao nhiêu bài báo trong đời ở tất cả các thể loại.
Nhưng chắc chắn sẽ có những bài, những đề tài, những nhân vật, những vụ việc rất đáng nhớ, thậm chí không bao giờ quên. Đi, khai thác, lấy tư liệu, chụp ảnh... rồi về mở máy tính ra viết. Người làm báo được sống lại một lần nữa trong cái không gian, khung cảnh mà mình đã đi qua. Và hạnh phúc nhất là khi phát hiện ra điều gì đó đặc biệt, khác lạ, độc đáo.
Khi đọc cuốn sách này, từng bài một, tôi thậm chí cảm nhận được niềm hạnh phúc ấy của tác giả. Ví như cái khoảnh khắc anh dậy từ rất sớm, đi ra đường phố và ngắm xem cách người ta thực hiện nghi lễ khất thực trên đường phố Viêng Chăn. Một thứ nghi lễ giản dị nhưng thành kính và cũng hết sức nhân văn.
Cái cách tả, kể sinh động đến tường tận, chi tiết của anh khiến cho độc giả cũng cảm thấy như mình đang ở đấy, mình cũng rón rén chụp ảnh mà không nỡ bật đèn flash vì sợ ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm đang bao phủ khắp nơi. Thậm chí đến thở cũng không dám thở mạnh vì sợ làm phiền những... nhân vật của anh.
Một bài viết rất dài, kể rất nhiều chuyện mà chuyện gì cũng khác lạ, kỳ khôi, bạn đọc cứ thế mà bị lôi tuồn tuột đi. Nguyễn Phan Khiêm có cái tài ấy. Cứ đủng đỉnh, thong thả mà bất cứ chi tiết nhỏ to nào cũng đều quan sát bằng hết, rồi lại mô tả hết sức sinh động.
Lại có những bài không thể đọc nhanh được. Ví như khi anh viết về di tích gò Đống Thây. Anh lật giở từng trang, từng dòng lịch sử, cẩn trọng và kỹ lưỡng, dẫn chứng đầy đủ, với rất nhiều dữ liệu, thông tin, người đọc buộc phải thong thả, đọc đoạn sau lại giở lại đoạn trước để kết nối. Anh hỏi gì người đọc hỏi nấy, anh trả lời gì người đọc được trả lời nấy. Cái cách đặt vấn đề, bóc tách vấn đề, giải thích tường tận như vậy khiến người đọc cảm thấy tin cậy.
Mỗi trang sách của Nguyễn Phan Khiêm không chỉ hấp dẫn vì ngồn ngộn kiến thức đông tây kim cổ mà nó còn chẳng hề giấu diếm cái sự say mê của tác giả. Lẽ thường vẫn thế, cái gì người viết phải say mê lắm thì mới lôi người đọc đi theo được đến cùng.
Tôi cũng thích những bài mang tính phản biện của anh.
Có những đề tài anh đã theo đuổi hàng chục năm trước, gặp gỡ rất nhiều chuyên gia, nhưng đến giờ vẫn chưa được giải quyết. Và nó sẽ vẫn còn treo ở đó chưa biết đến bao giờ. Ví như câu hỏi đặt ra với bốn chữ “Nam Việt triệu tổ” trên Nghi môn Đền Thượng - Đền Hùng. “Triệu tổ” nghĩa là tổ khởi đầu, gây dựng nền móng.
Các Vua Hùng lập ra nhà nước đầu tiên, đặt quốc hiệu Văn Lang nên đúng là Triệu tổ của dân tộc ta. Hai chữ gây băn khoăn là “Nam Việt”, tại sao không đề là “Văn Lang triệu tổ” cho đúng với quốc hiệu thời các Vua Hùng hay “Đại Nam triệu tổ” hoặc “Việt Nam triệu tổ” mà lại đề “Nam Việt triệu tổ”?
Tại sao nhỉ? Rõ ràng là bốn chữ này không chính xác, không thuyết phục, nhưng nếu sai thì cần phải được sửa. Mà tại sao đến giờ vẫn chưa được sửa?
Hay là khi anh bàn về việc người ta muốn triển khai một dự án xây dựng bia Tiến sĩ mới ở Hòa Bình chẳng hạn. Tại sao lại phải xây cho giống Văn Miếu - Quốc Tử Giám? Chưa kể Tiến sĩ nay và Tiến sĩ xưa có quá nhiều khác biệt trong việc học, việc thi, việc cấp bằng, liệu tất cả các Tiến sĩ ngày nay có nên được ghi tên trên bia không? Rồi bia ấy để ai xem, hay chỉ có các ông bà có tên mới lên để xem? Vừa tốn tiền xây dựng vừa tốn diện tích đất đai mà lẽ ra bà con có thể lấy làm nơi
canh tác...
Nguyễn Phan Khiêm cũng là người rất hài hước. Cái sự hài hước bộc lộ ở chỗ là hễ có cơ hội thì anh lại nhìn ra một điều gì đó rất là... buồn cười. Người Việt ta thì vốn cũng vẫn có khiếu hài hước từ cái thời Trạng Quỳnh chứ chả phải bây giờ, hài hước làm cho lao động đỡ nặng nhọc đi, tiếng cười làm cho giọt mồ hôi bớt xót đi. Văn chương hay báo chí cũng thế. Cứ đọc mãi những gì căng thẳng, bức xúc hay nhiều kiến thức quá cũng mệt, thỉnh thoảng va phải vài chi tiết bật cười thì cũng nhẹ nhõm đi nhiều, lấy sức mà đọc những trang nặng ký khác.
Thế nhưng, đọng lại sâu sắc nhất trong những trang sách của Nguyễn Phan Khiêm vẫn cứ là bề bộn kiến thức, đặc biệt là các kiến thức về lịch sử, văn hóa, nhất là giai đoạn tinh thần Nho giáo còn đang chi phối đời sống xã hội.
Tôi vẫn nghĩ anh là người hoài cổ, người nâng niu những giá trị hữu hình và vô hình luôn có nguy cơ mai một. Thế nên cầm lên cuốn sách của Nguyễn Phan Khiêm chính là người đọc đang được anh trao tặng những gì mà anh lấy ra từ trong cái “túi ba gang” mà tôi đồ rằng túi ấy còn lâu mới cạn và rồi cũng bị “lây” luôn những say mê của anh.
Nguyễn Phan Khiêm vừa gợi ra, vừa xới lên nhiều vấn đề, nhiều câu chuyện, đồng thời, cũng gõ vào tận sâu thẳm trái tim người đọc những tự tình dân tộc, tình yêu quê hương đất nước.
Tập sách cũng là một tài liệu tham khảo quý cho các bạn sinh viên, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa. Đây là tập sách mở, gấp sách lại, người đọc mở ra nhiều không gian cảm nhận mới, người đọc tiếp tục hành trình khám phá mới. Và đó cũng chính là một thành công đáng ghi nhận của cuốn sách.
PHAN VĂN TÚ
Giảng viên Khoa Báo chí ĐHKHXH&NV TP.HCM