Tình người nơi vùng lũ
Đời sống - Ngày đăng : 09:04, 25/10/2017
Theo ước tính, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến các địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thiệt hại khoảng 3.335 tỷ đồng, đã có 16 người chết, 3 người mất tích và 7 người bị thương; trên 2.700 nhà bị thiệt hại, trên 46.000 nhà bị ngập và ảnh hưởng do sạt lở đất; toàn bộ diện tích lúa, rau màu các loại và cây ăn qủa bị thiệt hại; trên 25.500 con gia súc, trên 630.000 con gia cầm bị chết và cuốn trôi; hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề; nhiều công trình hạ tầng giáo dục, y tế, văn hoá bị hư hại; nhiều công trình hồ đập, đê điều, trạm bơm, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; xảy ra 52 sự cố đê điều từ cấp III đến cấp I, 94 sự cố về đê điều từ cấp IV trở xuống, 6 tuyến quốc lộ, 27 tuyến đường tỉnh bị sạt lở xói trôi kèm theo khối lượng đất đá rất lớn đổ xuống nên nhiều tuyến giao thông đến nay mới có thể khắc phục tạm thời, có những đoạn vẫn chưa xử lý xong.
Lực lượng vũ trang giúp người dân di chuyển người và tài sản khỏi vùng ngập nước
Có mặt trên địa bàn xã Yên Khương (Lang Chánh), chúng tôi chứng kiến sức tàn phá khủng khiếp của cơn lũ dữ. Hơn 100 ngôi nhà bị ngập, trong đó 10 nhà bị cuốn trôi hoàn toàn, 4 nhà bị hư hỏng nặng; hệ thống cầu cống, đường xá bị hư hỏng nặng, trên 300 người phải di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.
Anh Lò Văn Chon, trú tại bản Xắng (Yên Khương) một trong các hộ bị thiệt hại nặng nề chưa hết bàng hoàng nhớ lại: “Khi lũ tràn xuống, cả nhà tôi chỉ biết chạy đến nơi an toàn để giữ tính mạng, không kịp mang theo gì, toàn bộ tài sản nhà cửa đã bị cuốn trôi mất hết. Trong nhà tôi lúc đó có 8 cái xe máy, cùng nhiều đồ đạc có giá trị nhưng chỉ qua một đêm, lũ đã cuốn đi tất cả”.
Mưa lũ có thể cuốn trôi mọi thứ trên đường đi của nó nhưng tình đoàn kết, tình người luôn vượt lên tất cả. Giữa bộn bề nước lũ hàng nghìn lượt quân đội, công an, cảnh sát PCCC luôn là lực lượng xung kích và là một chỗ dựa của nhân dân, chính quyền các địa phương trong việc sơ tán người, tài sản, cứu hộ, cứu nạn khẩn cấp.
623 cán bộ, chiến sĩ thường trực, 8.569 lượt dân quân tự vệ, 770 cán bộ, chiến sĩ lực lượng hiệp đồng của Bộ Quốc phòng và Quân khu đứng chân trên địa bàn, 108 cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng, 300 cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát PCCC..., cùng nhiều phương tiện, máy móc chuyên dụng khác đã được điều động về vùng lũ.
Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa tổ chức đóng góp giúp người dân vùng lũ
Cụ ông Vũ Ngọc Nam (78 tuổi) thôn Hòa Lâm (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân) nhớ lại: “Mưa to, nước lên nhanh, hai vợ chồng già và đứa cháu gái chỉ kịp trèo lên nóc nhà với hy vọng sẽ có người đến cứu. Người ướt, vừa đói, vừa lạnh khiến gia đình tôi tưởng sẽ không thể qua được đợt tai ương này. May có các anh cảnh sát PCCC đưa cano tới giúp sức, chuyển 2 người già lên vùng an toàn”.
Giúp dân thu hoạch lúa sau lũ
Để cứu người và tài sản cho dân, họ có thể ngâm mình cả ngày trong nước, hay khi việc vá đê vô cùng khẩn thiết, họ chỉ lót dạ bằng vài miếng mỳ tôm sống ... Tất cả, đều là sự sẻ chia và hy sinh không thể đo đếm hết của mỗi người, vì đồng bào mình. Thêm vào đó là hàng chục nghìn lượt đoàn viên, thanh niên các huyện Nông Cống, Tĩnh Gia, Quảng Xương, Triệu Sơn, Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Vĩnh Lộc, Thạch Thành... đã tham gia giúp dân sơ tán, vận chuyển tài sản và gia cố các tuyến đê xung yếu.
Nhiều đoàn cứu trợ hướng về người dân vùng lũ
Lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh liên tục xuống tận cơ sở, nắm bắt tình hình mưa lũ và thiệt hại, từ đó động viên người dân vùng lũ nỗ lực vượt qua khó khăn, mất mát. Đồng thời, có những quyết sách kịp thời để xử lý các tình huống phát sinh tại địa bàn. Có thể khẳng định, cả hệ thống chính trị đã cùng vận hành cùng mưa lũ, với tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó cao nhất có thể.
Ngày 23/10, tỉnh Thanh Hóa tổ chức truy điệu cho 2 đồng chí biên phòng hy sinh khi giúp dân ứng phó với mưa lũ. Các anh ra đi vì đất nước, vì nhân dân quên mình. Với những người miền Trung quen với nắng gió, mưa lũ, các anh như những người thân, nên dòng người tiễn đưa dài vô tận.
Những ngày qua, các tổ chức chính trị, xã hội, cộng đồng người dân Thanh Hóa và mọi miền tổ quốc đang hướng về người dân vùng lũ. Các chính sách hỗ trợ người dân đã được ban hành, hàng đoàn người cứu trợ các nơi đổ về, các lực lượng chung tay, giúp sức, dọn dẹp nhà cửa sau cơn đại hồng thủy. Công cuộc tái thiết còn nhiều khó khăn, thử thách nhưng bản lĩnh và tình người đồng cam cộng khổ sẽ sớm giúp những người dân nơi rốn lũ vượt qua, ổn định lại đời sống.