Phường Hoa Lư, TP. Pleiku: Khơi dậy ý chí, khát vọng vươn lên trong công tác thoát nghèo
Những năm qua, phường Hoa Lư, TP. Pleiku, Gia Lai luôn dành nhiều sự quan tâm cho các hộ nghèo, cận nghèo để họ vươn lên thoát nghèo bền vững. Rất nhiều mô hình, cách làm hay đã được địa phương này đưa ra nhằm phát triển kinh tế, xã hội, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo trên địa bàn.
Gia đình vợ chồng anh Đunh, chị Puih H’Sen (ở làng Ơp, phường Hoa Lư), trước đây là một trong những hộ nghèo của phường. Vậy nhưng, trong những năm qua, được sự quan tâm, giúp đỡ cả về vật chất lẫn tinh thần nên năm 2023, gia đình anh đã vươn lên thoát nghèo.
Vợ, chồng anh tâm sự, sau khi lập gia đình thì cả 2 không có nhà để ở nên dựng tạm một căn nhà bằng tôn cũ đi xin được, ngày nắng mặt trời chiếu vào tới giường ngủ, ngày mưa nước nhỏ tí tách xuống nền. Đến năm 2023, các nhà hảo tâm và chính quyền địa phương đã quan tâm, giúp đỡ xây dựng cho một căn nhà khang trang để ở. Cùng với đó, anh chị được tham gia các lớp học về múa xoang, phát triển kinh tế…
Từ đó, cả hai vợ chồng không còn phải trăn trở suy nghĩ về chỗ ở, thay vào đó dành thời gian, đi làm để tăng thêm thu nhập. Người chồng chăm chỉ bốc vác, còn vợ mua rau về bán lại và tham gia đội múa xoang của Tổ du lịch cộng đồng trong làng nên thu nhập của 2 anh, chị cũng đủ trang trải sinh hoạt thường ngày.
“Tôi đi mua rau rồi bán lại cho người khác. Còn chồng thì đi bốc vác! Hễ ai thuê gì thì làm nấy, không ngại khó ngại khổ, cứ có việc là làm. Những hôm rảnh rỗi, chạy qua giúp cha mẹ làm ruộng, vườn…Đến nay, dù không có dư giả, nhưng công việc của hai vợ chồng tôi cũng đủ sống”, chị Puih H’Sen chia sẻ.
Được biết, mới đây, gia đình anh chị vừa được địa phương cho một con bò cái. Ngoài thời gian đi làm, cả 2 vợ còn còn tranh thủ đi cắt cỏ vào lúc sáng sớm hoặc xế chiều để mong bò nhanh lớn, sớm sinh bò con.
Anh Đunh, vui mừng: “Được tặng nhà và bò, vợ chồng tôi vui lắm. Chúng tôi hứa sẽ chăm chỉ làm ăn, nuôi dạy con cái thật tốt. Ngoài ra, trong làng cũng có nhiều nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm, cồng chiêng-múa xoang…nên phần nào đó cũng có thêm nguồn thu cho bà con, đặc biệt là các hộ nghèo, cận nghèo như chúng tôi”.
Thấu hiểu cuộc sống vất vả của người dân, cùng với đó là mong muốn phát triển văn hóa sẵn có ở địa phương, phường Hoa Lư đã lồng ghép với các chương trình, dự án, đồng thời huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, có chính sách phát triển bền vững các nghề đan lát, dệt thổ cẩm, cồng chiêng-múa xoang… nhằm đưa du lịch trên địa bàn phường lên tốp đầu của thành phố.
Ông Rmah Hur (Thôn trưởng của làng Ơp), chia sẻ, về kinh tế của các hộ nghèo, cận nghèo chắc chắn sẽ chậm hơn so với các gia đình khác. Năm 2023 làng có một hộ nghèo, nhưng đến cuối năm làng đã không còn hộ nghèo.
“Trên địa bàn làng có 221 hộ với 756 nhân khẩu. Có được sự phát triển cả về mọi mặt từ kinh tế, văn hóa, xã hội như hiện nay là được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền và ban ngành các cấp đã tạo điều kiện, giúp đỡ cho bà con xây dựng nhà Đại đoàn kết, tặng kế sinh nhai, đào tạo nghề...nên trong những năm qua người dân có cuộc sống ổn định hơn. Trong đó, các nghề truyền thống được phát triển nhanh, bền vững”, ông Rmah Hur, vui vẻ nói.
UBND phường Hoa Lư thường xuyên rà soát tổng thể các chính sách hỗ trợ giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới đang thực hiện để xác định những chính sách phù hợp, từ đó đề xuất điều chỉnh theo hướng mở rộng các chính sách kích thích sản xuất, khuyến khích thoát nghèo để người dân khắc phục tư tưởng trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.
Song song với đó, thực hiện tốt công tác rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho việc triển khai các chính sách giảm nghèo. Đặc biệt phải nắm được nguyên nhân nghèo và nguyện vọng của từng hộ nghèo để có giải pháp hỗ trợ cụ thể, sát thực giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, cho biết: Để thực hiện có hiệu quả các chương trình, phường đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chương trình, dự án giảm nghèo đến với người dân kịp thời, đầy đủ.
Đồng thời, khơi dậy ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo của người dân; tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để sớm thoát nghèo.
Tranh thủ các nguồn lực, phát huy nội lực tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh đầu tư các công trình hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất, các chương trình văn hóa - xã hội, giáo dục, y tế, dân số, vay vốn tạo việc làm, hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo...
Tâp trung vào việc nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, phát triển bền vững những cây, con, ngành nghề có thế mạnh của địa phương, như: đan lát, cồng chiêng, dệt thổ cẩm…để phát triển dịch vụ du lịch đúng với bản sắc và vị thế vốn có.
Tính từ đầu năm 2023, trên địa bàn phường có 04 hộ nghèo với 11 khẩu, tỷ lệ 0,1%; 01 hộ cận nghèo với 01 khẩu, tỷ lệ 0,03%, có 01 hộ nghèo là người dân tộc thiểu số.
Đến thời điểm cuối tháng 10/2024, trên địa bàn phường còn 03 hộ nghèo với 08 khẩu, tỷ lệ 0,07 %; 01 hộ cận nghèo với 04 khẩu; không có hộ nghèo, hộ cận nghèo là người dân tộc thiểu số. Hiện các hộ nghèo trên địa bàn đều là những hộ có người ốm đau, bệnh nặng, không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo.
Chủ tịch UBND phường Hoa Lư, ông Lê Văn Quang nhấn mạnh: “Thông qua công tác tuyên truyền đã giúp cho cán bộ, người dân và đặc biệt là người nghèo hiểu rõ hơn về các chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước hỗ trợ cho công tác giảm nghèo bền vững; nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm đối với công tác giảm nghèo; đồng thời bổ sung kiến thức, kỹ năng sản xuất cho người nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo.
Người dân được nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ đã tích cực tham gia thực hiện các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững".
Hiện, mục tiêu giảm nghèo nhằm khơi dậy ý chí, chủ động vươn lên của người nghèo từ đó tiếp nhận và sử dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ, nguồn lực đầu tư của Chương trình, của cộng đồng vươn lên thoát nghèo bền vững; khắc phục tư tưởng trông chờ, ý lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, không muốn thoát nghèo.
Tổ chức thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Biểu dương, động viên kịp thời những gương điển hình về giảm nghèo, phê phán các trường hợp lợi dụng chính sách, không có ý chí vươn lên, không muốn thoát nghèo.
Để phát triển du lịch trên địa bàn, vào giữa tháng 11/2024, tour du lịch trải nghiệm văn hóa cộng đồng tại làng Ơp đã được ra mắt và mở cửa để đón du khách. Nhiều hoạt động như tham quan nhà rông-biểu tượng văn hóa cộng đồng của người Jrai tại làng Ơp; tham quan giọt nước tìm hiểu về tín ngưỡng đa thần của người Jrai; trải nghiệm cách chế biến các món ăn truyền thống; tham quan homestay nhà ông Puih Alik và tìm hiểu nghề truyền thống như: dệt thổ cẩm, đan lát và ủ rượu cần tại đây.
Ngoài ra, trong tour du lịch cộng đồng còn có trình diễn cồng chiêng, múa xoang và sinh hoạt tập thể, đốt lửa trại, giao lưu ẩm thực tại sân nhà rông cùng bà con dân làng. Các hoạt động giúp du khách khám phá những đặc trưng văn hóa, phong tục, sinh hoạt đời thường của người Jrai ở ngôi làng trong phố.
Qua đây, vừa bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, vừa tạo điểm đến về du lịch cho du khách trong và ngoài tỉnh, vừa tạo sinh kế cho bà con Nhân dân. Đồng thời, cũng khơi dậy sự đam mê trong lớp trẻ nhằm lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc trong cộng đồng.
Phường Hoa Lư đang phát triển nhanh, bền vững trong xu thế hội nhập và phát triển, đời sống của người dân từng bước được nâng lên. Các hệ thống điện, đường, trường, trạm đáp ứng được nhu cầu của bà con trong phường, các chính sách an sinh xã hội được triển khai thực hiện tốt, bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, tất cả nhờ những chính sách của Đảng và Nhà nước hợp lòng dân, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Từ đó, tạo một niềm tin lớn, vững chắc của người dân đối với Đảng, từng bước thu hẹp khoảng cách giữa hộ giàu và hộ nghèo trên địa bàn.