Nga thành lập trung đoàn "rồng lửa" S-500 đầu tiên
Lực lượng Vũ trang Nga đã chính thức thành lập trung đoàn đầu tiên được trang bị hệ thống phòng không tầm xa S-500, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong kế hoạch triển khai các thiết bị chiến tranh không gian tiên tiến trên toàn quốc.
Thông tin này được xác nhận bởi Tổng Tham mưu trưởng Valery Gerasimov, mặc dù ông không tiết lộ chi tiết số lượng bệ phóng và hệ thống radar đi kèm.
Trong khi mỗi trung đoàn của hệ thống phòng không S-400 trước đây triển khai 16 bệ phóng tên lửa đất đối không cùng các radar và trung tâm chỉ huy di động liên quan, số lượng bệ phóng trong mỗi trung đoàn S-500 vẫn chưa được công bố.
Các bệ phóng của hệ thống S-500 được thiết kế để mang hai tên lửa đất đối không thay vì bốn như S-400. Tên lửa có tầm bắn xa nhất của S-500 có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách lên tới 600 km, so với 400 km của S-400 và 200 km của các hệ thống THAAD và Patriot của Mỹ.
Mỗi trung đoàn S-400 gồm hai tiểu đoàn với tám bệ phóng mỗi tiểu đoàn, nhưng cấu hình của S-500 có thể khác biệt.
Hệ thống phòng không mới này không được phát triển để thay thế bất kỳ hệ thống nào đã có, mà nhằm tạo ra một lớp bảo vệ mới trong mạng lưới phòng không của Nga.
Lớp này nằm giữa các hệ thống S-300 và S-400 mang tính chiến thuật hơn. Và hệ thống A-235 mang tính chiến lược, vốn được thiết kế để chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).
Trước khi trung đoàn S-500 đầu tiên được thành lập, hệ thống này đã được triển khai nhiều lần để thử nghiệm và sử dụng ở cấp tiểu đoàn.
Vào tháng 6 năm nay, lãnh đạo Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine, Trung tướng Kyrylo Budanov, cho biết lực lượng Nga đã triển khai hệ thống này tại thành phố Kerch, gần bán đảo Crimea đang tranh chấp, chủ yếu để bảo vệ cầu Kerch nối lãnh thổ này với đất liền Nga.
Trước đó, vào tháng 12/2021, hệ thống này được báo cáo là đã đi vào hoạt động tại khu vực Bắc Cực.
Hệ thống S-500 vượt trội hơn S-400 ở khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn, tầm trung và tầm xa.
Nó có thể tiêu diệt các mục tiêu ở tốc độ và độ cao lớn hơn nhiều, bao gồm cả vệ tinh, máy bay không gian và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Kết hợp khả năng này với mức độ cơ động cao, S-500 trở thành hệ thống phòng không độc nhất vô nhị trên toàn cầu.
Tầm bắn cực xa của S-500 cho phép nó đe dọa các tài sản chiến lược như máy bay tiếp dầu và máy bay chỉ huy cảnh báo sớm (AEW&C), vốn đóng vai trò quan trọng trong sức mạnh không quân NATO.
Hệ thống này không được tối ưu hóa để đối phó với các mục tiêu cỡ nhỏ như máy bay tiêm kích, nhưng cảm biến mạnh mẽ của nó có thể kết nối mạng với các hệ thống khác như S-400 để hỗ trợ phát hiện và tiêu diệt các mục tiêu tàng hình ở khoảng cách xa hơn.