Phó trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa xin nghỉ hưu trước tuổi
Chiều 26/12, tin từ Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa cho biết bà Bùi Thị Mười, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa đã có nguyện vọng xin nghỉ hưu trước tuổi để việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy được thuận lợi.
Vào ngày 26/12, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa Đào Xuân Yên, thông tin trước hội nghị tổng kết Nghị quyết số 18- NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả" .
Mặc dù còn gần 2 năm công tác, nhưng bà Mười đã xung phong xin nghỉ chế độ trước tuổi quy định khi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa và Ban Dân vận Tỉnh uỷ Thanh Hóa sáp nhập, để thuận lợi cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.
Được biết, bà Bùi Thị Mười (sinh ngày 16/6/1969; dân tộc Mường, quê huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Bà hiện là Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Trước đó, bà từng giữ vị trí Bí thư Huyện ủy Thạch Thành.
Tỉnh Thanh Hóa có diện tích tự nhiên 11.120 km2 (đứng thứ 5 cả nước), dân số trên 3,74 triệu người (đứng thứ 3 cả nước); có 102 km bờ biển và 213,6 km đường biên giới với tỉnh Hủa Phăn (nước CHDCND Lào); có 27 huyện, thị xã, thành phố (gồm: 02 thành phố, 02 thị xã và 23 huyện), 558 xã, phường, thị trấn.
Khu vực miền núi có 11 huyện, 175 xã, thị trấn (có 16 xã biên giới), diện tích gần 8.000 km2, dân số trên 1,1 triệu người, trong đó có hơn 710.000 người dân tộc thiểu số. Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa có 31 đảng bộ trực thuộc, 1.391 tổ chức cơ sở đảng với trên 240.000 đảng viên (đứng thứ 2 cả nước).
Toàn tỉnh đã hoàn thành vượt chỉ tiêu tinh giản biên chế giai đoạn 2016-2021 theo tinh thần Nghị quyết số 39-NQ/TW (giảm trên 10% biên chế cán bộ, công chức, viên chức); thực hiện đúng lộ trình, kế hoạch tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2026, đến hết năm 2026 giảm 5% cán bộ, công chức và 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Kết quả đạt được từ năm 2017 đến nay, cho thấy tỉnh Thanh Hóa là một trong những địa phương thực hiện việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp thôn nhiều nhất cả nước (giai đoạn 2016-2021: sáp nhập 143 xã để thành lập 67 xã, giảm 76 xã); hiện nay, tỉnh đang thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025 theo Nghị quyết số 939/NQ-BTVQH15 ngày 13/12/2023 và Nghị quyết số 1238/NQ-UBTVQH15 ngày 24/10/2024 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (nhập huyện Đông Sơn vào thành phố Thanh Hoá, giảm 01 huyện; sáp nhập 23 xã để thành lập 11 xã, giảm 12 xã).
Khối Đảng, đoàn thể đã giảm 1 cơ quan (sáp nhập Đảng bộ Khối Doanh nghiệp tỉnh vào Đảng bộ Khối các Cơ quan tỉnh thành Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh); giảm 24 phòng, ban (các ban của Tỉnh ủy giảm 06 phòng; sáp nhập Đảng ủy Khối Cơ quan, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp thành Đảng ủy Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh giảm 5 ban.
Trường Chính trị tỉnh giảm 2 phòng, khoa; Báo Thanh Hóa giảm 4 phòng; Cơ quan Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh giảm 7 ban; giảm 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đoàn thể cấp tỉnh (giảm 1 đơn vị thuộc Hội Nông dân tỉnh và 1 đơn vị thuộc Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh); chuyển 1 đơn vị sự nghiệp sang hoạt động tự chủ về tài chính, biên chế và hoạt động theo mô hình doanh nghiệp (Khách sạn Công đoàn, trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh).
Thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế khối Đảng, đoàn thể: Giai đoạn 2016-2021, đã tinh giản 286 người (biên chế năm 2015 là 2.631 người, năm 2021 giảm còn 2.345 người); tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 10,87%. Giai đoạn 2022-2026, thực hiện đúng kế hoạch, bảo đảm đến hết năm 2026 giảm 5% cán bộ, công chức và 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Khối chính quyền toàn tỉnh đã giảm 05 ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh (sáp nhập Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh và Văn phòng HĐND tỉnh thành Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh; sáp nhập 2 Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông số 1 và số 2 Thanh Hóa.
Sáp nhập 3 trường thành 1 trường: Trường Trung cấp phát thanh Truyền hình, Trường Trung cấp nghề xây dựng vào Trường cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, thành Trường Cao đẳng Công nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường Cao đẳng nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn với Trường Cao đẳng Nông lâm, thành Trường cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa; sáp nhập Trường Cao đẳng Thể dục - Thể thao Thanh Hóa vào Trường Đại học Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Giảm 4 chi cục, 20 phòng thuộc sở, 22 phòng thuộc chi cục , giảm 27 phòng y tế thuộc UBND cấp huyện; giảm 262 đơn vị sự nghiệp công lập và 81 đầu mối trực thuộc đơn vị sự nghiệp của các đoàn thể cấp tỉnh, các cơ quan cấp tỉnh và UBND cấp huyện.
Đến nay tỉnh Thanh Hoá đã sáp nhập 3.172 thôn, tổ dân phố để thành lập 1.522 thôn, tổ dân phố mới; toàn tỉnh đã giảm 1.620 thôn, tổ dân phố (từ 5.971 thôn, tổ dân phố, xuống còn 4.351 thôn, tổ dân phố).
Cùng với thực hiện sáp nhập là việc kiện toàn số lượng người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố theo hướng bố trí 3 người đảm nhiệm 6 chức danh và hiện nay là 2 người đảm nhiệm 04 chức danh (do đã thành lập tổ bảo vệ an ninh thôn, bản); do đó toàn tỉnh đã giảm 27.279 người hoạt động không chuyên trách do sáp nhập thôn, tổ dân phố.
Giai đoạn 2016-2021, cán bộ, công chức giảm 518 người, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 12,29%. Viên chức giảm 6.843 người, tỷ lệ tinh giản biên chế đạt 11,3% (số liệu này không tính 7.126 biên chế sự nghiệp giáo dục và y tế được Bộ Nội vụ giao bổ sung giai đoạn 2016-2021). Giai đoạn 2022-2026: Thực hiện đúng kế hoạch đề ra bảo đảm đến hết năm 2026 giảm 5% cán bộ, công chức và 10% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.