Hồ, đập ra sao trong những ngày mưa lũ vừa qua?
Đời sống - Ngày đăng : 16:54, 18/10/2017
Từ ngày 9/10 đến 15/10/2017, do tác động của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới cộng với không khí lạnh đã gây ra mưa dông diện rộng cho các tỉnh Bắc Bộ và bắc Trung Bộ, đặc biệt là các tỉnh miền núi phía bắc. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, đợt mưa trên có lượng mưa toàn vùng bình quân đạt 100 mm, nhiều nơi lên tới 300 đến 400 mm.
Xả lũ hồ thủy điện để bảo vệ công trình
Theo khảo sát của Tổng cục Thủy lợi ngày 14/10, tại khu vực Bắc Bộ, 286 hồ chứa lớn có mực nước cơ bản đã đạt hoặc xấp xỉ mực nước dự báo tràn, trong đó một số hồ tràn tự do tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Tuyên Quang, Thái Nguyên; một số hồ có cửa van phải vận hành xả lũ bao gồm hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) xả 100 m3/giây, hồ Đầm Hà Động (Quảng Ninh) xả 30 m3/giây... Ngoài ra, gần 2.700 hồ chứa nhỏ mực nước cơ bản cũng đạt hoặc xấp xỉ mực nước dự báo tràn.
Riêng hồ Hòa Bình, lưu lượng nước về hồ vào trưa 11/10 đạt tới 15.940 m3/giây, là con số chưa từng có vào tháng 10, thậm chí vượt cả thời điểm lũ chính vụ tháng 8 năm 1996 (cách đây 21 năm) với 12.500 m3/giây.
Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Nguyễn Đức Quang thông tin, 7h sáng ngày 11/10, thủy điện Hòa Bình phải mở 7 cửa xả đáy. Nhà máy báo cáo có thể phải mở thêm một cửa xả đáy do lưu lượng nước về hồ dự báo lên đến 12.000 m3/s. Đến 11h trưa cùng ngày, Hòa Bình mở thêm một cửa xả, nâng tổng số lên 8.
GS Vũ Trọng Hồng, nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy lợi (cũ), Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam cho rằng, việc mở cả 8 cửa xả trong một thời gian rất ngắn là không phù hợp quy trình vận hành liên hồ chứa. Ban chỉ đạo TƯ về Phòng chống thiên tai sau mùa lũ cần phải rà soát để rút kinh nghiệm về việc này. |
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Công thương ngày 15/10, trong số 167 hồ thủy điện cập nhật thông tin, có 45 hồ tiếp tục xả qua tràn, trong đó thủy điện Tuyên Quang mở một cửa xả đáy, thủy điện Thác Bà mở hai cửa xả mặt. Việc các hồ thủy điện đầy nước, đương nhiên phải xả để bảo vệ công trình. Tuy nhiên, việc xả nước sẽ ảnh hưởng đến vùng hạ du, và việc phối hợp vận hành giữa các chủ đập với địa phương vẫn còn những bất cập, nhất là đối với các đập thủy điện nhỏ.
Nhân dân bàng hoàng, vụ mùa tả tơi, sản xuất thiệt hại nặng nề
Việc xả lũ dồn dập gây hậu quả rất lớn, không chỉ đời sống nhân dân, dịch bệnh, nông nghiệp, thủy sản, mà hàng loạt đê kè, đường giao thông… cũng bị ảnh hưởng.
Tại Thanh Hóa, mưa lớn cùng với việc xả lũ hồ Cửa Đạt đã khiến hơn 500 ngôi nhà xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân chìm trong biển nước, có nơi lên đến 6m, tận nóc nhà dân. Các hộ dân phải di dời ngay trong đêm. Hồ thủy lợi Yên Mỹ xả lũ khiến đê sông Hoàng bị vỡ, hơn 400 hộ dân ở huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị ngập trong nước lũ.
Mưa lớn kéo dài tại Thái Bình trùng với việc xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình khiến nước trên hệ thống thủy lợi không tiêu thoát kịp. Ước tính, mưa lũ tại Thái Bình khiến khoảng 30.000 ha lúa mùa đang đến kỳ thu hoạch bị thiệt hại, trên 10.000 ha rau, màu bị mất trắng.
Tại tỉnh Nam Định, khoảng 8.500ha lúa, hoa màu bị ngã rạp và mất trắng. Trong vài ngày qua, nông dân toàn tỉnh đã tập trung gặt chạy lũ, tuy nhiên tính đến ngày 15/10, toàn tỉnh vẫn còn khoảng 42.000 - 43.000ha lúa chưa thể thu hoạch do vẫn ngập sâu, trong đó chủ yếu là lúa đặc sản chất lượng cao. Bên cạnh đó, nước lũ dâng cao cũng đã khiến khoảng 25.000ha ao đầm thủy sản bị xóa sổ hoàn toàn.