Bình Định: “Tinh gọn bộ máy, chỉ để lại những Ban Chỉ đạo thật sự cần thiết”
Ngày 26/12, ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã ký Kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy các cơ quan thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện.
“Bảo đảm không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực”
Tiến độ hoàn thành việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, sẽ thực hiện theo chỉ đạo của Trung ương và của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định.
Theo Kế hoạch này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, cần chú trọng công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận, thống nhất trong quá trình sắp xếp, đề xuất phương án kiện toàn tổ chức bộ máy.
Làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, kịp thời quan tâm giải quyết chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong quá trình sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Xây dựng phương án, đề án chuẩn bị đầy đủ điều kiện cần thiết để sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi có quyết định của cấp có thẩm quyền.
Bảo đảm việc sắp xếp không ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao của cơ quan, tổ chức, đơn vị, không bỏ trống địa bàn, lĩnh vực, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Ông Phạm Anh Tuấn giao trách nhiệm cho người đứng đầu chịu trách nhiệm về lộ trình, kế hoạch và kết quả thực hiện sắp xếp, theo thẩm quyền quản lý.
Tổ chức hợp lý các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, thực hiện nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc và một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính.
“Rà soát, sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bên trong các sở, ban, ngành (phấn đấu giảm khoảng 15% số đầu mối tổ chức bên trong) theo định hướng của Trung ương, quy định của Chính phủ và phù hợp với tình hình, đặc điểm của tỉnh, bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, ông Phạm Anh Tuấn cho hay.
Ngoài ra, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn phải gắn với giảm biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới.
Chủ tịch tỉnh làm việc trực tiếp với các sở, ngành thuộc diện sắp xếp
Ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước thuộc UBND tỉnh,khẩn trương xây dựng đề án sắp xếp (bao gồm cả tổ chức bộ máy, biên chế, tài chính, tài sản) theo phương án của Tỉnh ủy, gửi về Sở Nội vụ trước ngày 12/1/2025.
Rà soát các Ban chỉ đạo cấp tỉnh do UBND tỉnh thành lập, chỉ để lại những Ban chỉ đạo thật sự cần thiết, báo cáo Ban Chỉ đạo của tỉnh (hoàn thành trong tháng 1/2025).
Sau khi nhận được đề án sắp xếp của các sở, ngành, Sở Nội vụ có trách nhiệm tổng hợp và hoàn thiện, trình Ban Cán sự đảng UBND tỉnh, trước ngày 25/1/2025.
Ngoài ra, xây dựng chế độ, chính sách do tác động sắp xếp tổ chức bộ máy cả hệ thống chính trị, phải bảo đảm quyền lợi của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.
Đối với việc sắp xếp, hợp nhất, điều chuyển chức năng, nhiệm vụ hoặc kết thúc hoạt động của sở, giao các sở, ngành chủ động phối hợp xây dựng đề án cụ thể, đề xuất sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, biên chế (hoặc kết thúc hoạt động) theo yêu cầu định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Tỉnh ủy.
Đầu tháng 1/2025, Chủ tịch UBND tỉnh làm việc trực tiếp với các sở, ngành thuộc diện sắp xếp tổ chức bộ máy.
“Giao Sở Tài chính hướng dẫn xử lý tài chính, ngân sách, tài sản công, Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn xử lý việc chuyển tiếp quản lý các dự án đầu tư công (hoàn thành trong tháng 1/2025)”, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu.
Theo phương án, UBND tỉnh Bình Định sẽ hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính (sau hợp nhất lấy tên Sở Kinh tế - Tài chính), Sở GTVT và Sở Xây dựng (sau hợp nhất lấy tên Sở Xây dựng và Giao thông), Sở TN&MT và Sở NN&PTNT (sau hợp nhất lấy tên là Sở Nông nghiệp và Môi trường), Sở TT&TT và SởKH&CN (sau hợp nhất lấy tên Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông), Sở LĐTB&XH và Sở Nội vụ (sau hợp nhất lấy tên Sở Nội vụ và Lao động), Sở VH&TT và Sở Du lịch (sau hợp nhất lấy tên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Hợp nhất Ban quản lý dự án xây dựng các công trình giao thông tỉnh và Ban quản lý dự án xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh (sau hợp nhất lấy tên Ban quản lý dự án các công trình giao thông và dân dụng).
Thành lập Trung tâm phát triển quỹ đất tỉnh, trên cơ sở hợp nhất Ban giải phóng mặt bằng tỉnh và Trung tâm Phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT.
Thành lập Ban Dân tộc - Tôn giáo tỉnh, trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Ban Dân tộc tỉnh hiện nay và chức năng, nhiệm vụ và tổ chức bộ máy tham mưu quản lý nhà nước về lĩnh vực tôn giáo từ Sở Nội vụ; tiếp nhận nhiệm vụ giảm nghèo từ Sở LĐTB&XH.
Hợp nhất 3 công ty lâm nghiệp: Hà Thanh, Quy Nhơn, Sông Kôn; thành lập Công ty Lâm nghiệp Bình Định, trực thuộc UBND tỉnh.
Như vậy, dự kiến giảm 6 sở, 2 ban quản lý thuộc UBND tỉnh và 2 doanh nghiệp nhà nước.