Cần có thuốc “đặc trị”
Để hạn chế tình trạng đầu cơ bất động sản, gần đây Bộ Xây dựng đã đề xuất giải pháp đánh thuế với người sở hữu từ hai nhà, đất trở lên. Đề xuất này được đưa ra trong bối cảnh giá nhà đất, chung cư liên tục tăng mạnh trong năm 2024, đặc biệt tại Hà Nội.
Đồng thuận với phương án mà Bộ Xây dựng đề xuất, Bộ Tài chính cho rằng, để nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng đất, cần nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.
Thời gian qua, Bộ Tài chính cho biết nhận được một số luồng dư luận cho rằng việc đánh thuế bất động sản đối với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất ở thời điểm này chưa phù hợp, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thời điểm và cách thức đánh thuế để tránh gây sốc dẫn đến việc bán tháo ồ ạt trên thị trường.
Theo Bộ Tài chính, hiện tại Nhà nước đã ban hành các khoản thu liên quan đến bất động sản phát sinh trong quá trình xác lập quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, lệ phí trước bạ); sử dụng bất động sản (thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, thuế sử dụng đất nông nghiệp).
Tuy nhiên, hiện tại, ở Việt Nam chưa có khoản thu đối với nhà (trong quá trình sử dụng) và chuyển nhượng bất động sản (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng).
Bộ Tài chính cho biết, để thể chế hóa các chủ trương, định hướng được nêu tại Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao, cần phải có giải pháp phù hợp, đồng bộ với điều kiện và bối cảnh, trong đó có việc nghiên cứu giải pháp thu thuế đối với nhà nói chung hay thuế đối với sở hữu nhiều nhà, đất nói riêng.
Đồng thời, chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản cũng cần sửa đổi phù hợp với yêu cầu và bối cảnh mới, cũng như thông lệ ở một số quốc gia. Qua đó, việc sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển minh bạch, ổn định và bền vững.
Bộ Tài chính đang nghiên cứu, tổng hợp kinh nghiệm quốc tế, xác định những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành các chính sách thuế liên quan đến bất động sản (trong đó có trường hợp sử dụng nhiều diện tích đất, nhà ở, đất bỏ hoang, đất đã giao, cho thuê nhưng chậm đưa vào sử dụng) để báo cáo cấp có thẩm quyền vào thời điểm thích hợp, bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của Việt Nam, thông lệ quốc tế cũng như tính thống nhất của hệ thống chính sách thuế liên quan đến bất động sản.
Vừa qua, Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến rộng rãi tổ chức, cá nhân có liên quan về việc lập đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân mới để thay thế cho Luật Thuế thu nhập cá nhân hiện hành, trong đó có việc nghiên cứu, sửa đổi chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản…
Đề xuất đánh thuế bất động sản thứ hai không phải là ý tưởng mới, đây là câu chuyện đã được bàn bạc và trao đổi nhiều năm để ngăn ngừa tình trạng đầu cơ bất động sản, ngăn ngừa lãng phí tài nguyên đất. Nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng vấn đề quản lý và minh bạch thông tin phải được làm thật sự tốt mới có thể thực hiện việc đánh thuế đối với bất động sản thứ hai. Thay vì cào bằng theo kiểu đánh thuế với người có bất động sản thứ hai trở lên, đối với đất nên tính thuế theo hạn mức đất. Với người sử dụng đất có tổng diện tích các loại đất trong các giấy chứng nhận (không phân biệt ở địa phương nào) vượt hạn mức sẽ bị tính thuế với phần diện tích vượt đó. Mức thuế suất phải nghiên cứu kỹ để đảm bảo việc đánh thuế sẽ đạt được mục đích hạn chế đầu cơ đất đai.
Cũng cần nói rõ, biện pháp áp thuế cũng chỉ mới là một biện pháp hạn chế việc đầu cơ đất đai. Người dân có tiền nhưng không biết làm gì thì vẫn thường sẽ đổ vào đầu tư đất đai. Do vậy, việc quan trọng hơn là phải có những chính sách để khuyến khích người dân đưa tiền vào các kênh đầu tư khác, nhất là hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Về nguyên tắc, việc đánh thuế tài sản với những người sở hữu nhiều nhà đất không phải là tăng thuế tài sản mà là cải cách. Tức là thuế này sẽ không đánh vào người nghèo, mà đánh vào những đối tượng đầu cơ, tích trữ nhiều nhà đất.
Theo đó, cần đánh thuế mạnh vào căn nhà thứ hai và những căn nhà có giá trị cao, cũng như tăng thuế đất lên một mức độ nhất định. Những việc này sẽ góp phần "đặc trị" hiện tượng sốt đất, giúp giá nhà đất bình ổn trở lại.