Tư vấn pháp luật

Người có biểu hiện rối loạn tâm thần gây án, chế tài xử lý thế nào?

Việt An 25/12/2024 - 09:00

Bạn đọc Trịnh Xuân Kỳ hỏi: Thực tế cho thấy không ít vụ việc đau lòng xảy ra do đối tượng gây án là người có biểu hiện rối loạn tâm thần. Vậy đối tượng này phải đối mặt với chế tài xử lý ra sao?

Luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) trả lời: Các vụ việc do người tâm thần sống ở cộng đồng do gia đình và người giám hộ buông lỏng quản lý để xảy ra việc người tâm thần xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác, thì về nguyên tắc chỉ phát sinh việc bồi thường do thiếu sự quản lý giám sát của người giám hộ hoặc gia đình, mà không đặt ra trách nhiệm hình sự đối với họ. Lý do bởi những người này không có năng lực trách nhiệm hình sự, họ sẽ được loại trừ trách nhiệm hình sự và bắt buộc chữa bệnh (nếu có).

luat-su-nguyen-van-dong.jpg
Luật sư Nguyễn Văn Đồng

Còn đối với những trường hợp cá nhân bị mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự nhưng chưa được cơ quan chức năng nào chứng nhận, xác nhận và vẫn đang sinh sống tại cộng đồng nhưng gây ra các vụ việc xâm phạm tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác thì cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra xác minh người này có đủ năng lực hành vi dân sự, có phải chịu chế tài hình sự hay không.

Nếu họ bị bệnh dẫn tới mất năng lực hành vi dân sự hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì sẽ bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh theo quy định.

Trường hợp người sử dụng rượu, bia, chất kích thích dẫn tới không làm chủ được bản thân, bị ngáo đá, bị ảo giác mất kiểm soát bản thân mà thực hiện hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự nhân phẩm, tài sản của người khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp lý, nếu hành vi đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tại Điều 13 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định “người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”.

Chính vì thế để hạn chế đến mức thấp nhất hậu quả do hành vi của người tâm thần, người bị bị bệnh, người bị ngáo đá, bị ảo giác, người sử dụng chất kích thích, rượu, bia gây ra thì rất cần thiết phải thực hiện các giải pháp mang tính phòng ngừa tại công đồng.

Chính quyền, cơ quan đoàn thể và gia đình cần quản lý tốt những người bị tâm thần, còn những người có hành vi quá khích và ngáo đá, ảo giác mất kiểm soát bản thân sau khi sử dụng chất kích thích thì người dân cần nhanh chóng báo cho cơ quan chức năng tại địa phương để có biện pháp hoặc chế tài pháp lý đối với những người này.

Việt An