Cuộc sống không nhà cửa của người dân vùng rốn lũ
Đời sống - Ngày đăng : 10:46, 14/10/2017
Đã 3 ngày trôi qua kể từ phút giây kinh hoàng, lũ dữ hoành hành, nhà cửa của người dân vùng rốn lũ – xã Thạch Định, huyện miền núi Thạch Thành vẫn bị nhấn chìm. Đứng bên này cầu Kim Tân nhìn về xã Thạch Định chỉ thấy mênh mông nước, những ánh mắt lo lắng đều đang đổ dồn về hàng trăm con người bên kia sông Bưởi.
Được sự hỗ trợ của các cán bộ xã, chúng tôi lên xuồng hướng thẳng về núi Thạch Định, nơi những con người vẫn đang phải sơ tán, sống trong cảnh “màn trời chiếu đất”.
“3 ngày trước nơi đây là một vùng nước trắng băng. Nhà cửa, đường sá, ruộng vườn đều bị ngập hoàn toàn. Khi nước sông Bưởi lên báo động II, chúng tôi gần như trắng đêm chạy lũ cùng bà con. Một bộ quần áo đã mặc 3 ngày nay, không tắm không rửa ngày nào, chắc bốc mùi lắm rồi đấy”, một đồng chí Công an xã dẫn đường nói. Nghe anh kể, gần chục người ngồi trên xuồng mỗi người một tâm trạng, ánh mắt trùng xuống không giấu nổi sự xót xa trước biển nước mênh mông.
Người dân vùng rốn lũ sống khốn khổ vì không nhà cửa, không điện, không nước sạch,,...
Núi Rú hay núi Thạch Định được coi là nơi cao nhất của xã Thạch Định. Đây chính là nơi đã “cứu sống” hàng nghìn con người chạy mưa lũ trong đêm tối. Nhớ lại tối 11/10, bà Bùi Thị Duyên (76 tuổi, ở thôn 4 Định Tường) không cầm nổi nước mắt: “Nghe báo động nước lũ dâng lên, giữa đêm tối gia đình tôi gồm cả 2 ông bà già, 2 vợ chồng đứa con trai thứ hai cùng đứa cháu 3 tuổi bồng bế nhau chạy trong đêm tối. Lúc đó chúng tôi chỉ vơ được thêm một bộ quần áo, còn lúa thóc mới thu hoạch, ngan, gà, vịt đều bỏ lại hết. Giờ xem như trắng tay”.
Đến được nơi an toàn thì người dân cũng phải trải qua một đêm không giường, không chiếu. Trong mỗi phòng học, tất cả mọi người ngồi quây quần trong bóng tối, chốc chốc lại đón thêm những người khác sơ tán đến đây. Cả một đêm thức trắng, chạy lũ trong mưa gió gầm gào.
Nhiều hộ dân dựng lều tạm, ăn mì tôm sống qua ngày
“Chúng tôi còn chưa kịp ăn cơm tối, khi nghe báo động tôi chỉ kịp dắt trâu chạy, còn chồng tôi lấy xe máy chở 2 đứa con lên trên đỉnh núi. Cả gia đình nhịn đói một ngày trời, đến chiều hôm sau mới có gói mỳ tôm ăn sống để cầm cự”, chị Quách Thị Hường, ở thôn Định Tường mếu máo.
Dưới lưng chừng núi, trải dài dọc đường đê chừng 5km nằm trên địa bàn xã Thạch Định là hàng chục túp lều mắc tạm. Vài cái cọc, chiếc xe công nông hay đơn giản chỉ là chiếc xe bò cũng được người dân nơi đây dựng thành những ngôi nhà nhỏ. Hầu hết những người sống trong túp lều này đều có chung hoàn cảnh, đều đang lâm vào cảnh “có nhà mà không thể về”. Dưới chân núi kia, toàn bộ ngôi nhà họ đang sinh sống đều đang bị ngâm mình trong nước lũ.
Trong túp lều nhỏ trên triền đê, cụ Lê Thị Phượng, 81 tuổi, ở thôn Thạch An đang nằm nghỉ ngơi, nhóm nhém nhai trầu. Thấy chúng tôi đến, cụ Phượng nhổm người dậy, nhìn xuống biển nước mênh mông và hỏi rằng: “Nước rút được nhiều chưa cháu”. Điều mà cụ trông mong duy nhất không phải là ai đến thăm mà là nước lũ đã rút chưa để cụ và con cái có thể về nhà, cho các cháu còn đi học.
Ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ Phượng chỉ mong sống vui vẻ được ngày nào hay ngày nấy bên con cháu, vậy mà cụ vẫn phải hứng chịu những tai họa từ thiên nhiên ập tới. Vừa nhai trầu cụ Phượng vừa nói: “Người dân chúng tôi sống chung với lũ quen rồi. Đây là trận mưa lũ lớn nhất trong 10 năm trở lại đây. Người dân buộc phải bỏ của chạy lấy người thôi. Tất cả nhà cửa, tài sản rồi cũng bị mưa lũ quét sạch”.
Người dân khóc ròng vì nhà cửa, tài sản bị mưa lũ quét sạch
Hiện nhiều thôn trên địa bàn xã Thạch Định vẫn bị ngập sâu từ 1-2m, nước bủa vây, chia cắt khiến cuộc sống của người dân đang bị đảo lộn hoàn toàn. Điều may mắn, dù là địa bàn bị lũ hoành hành nặng nề nhất, nhưng Thạch Định chưa để xảy ra chết người.
Ông Vũ Trọng Hùng – Chủ tịch UBND xã Thạch Định cho biết: “Nước lũ rút rất chậm, nhà cửa của người dân vẫn bị ngập sâu trong nước. Hiện vẫn còn 38 hộ với 115 nhân khẩu sơ tán, sống tạm bợ ở trụ sở UBND xã, trường học. Bà con đang được hỗ trợ mì tôm và nước sạch để sống qua ngày. Với tình hình này, chắc phải một tuần nữa nước lũ mới rút hết được".
Giờ đây mọi liên lạc với hàng nghìn con người vùng bị cô lập đều trông chờ vào những chiếc xuồng, ghe chòng chành.
Những chiếc lều tạm liêu xiêu giữa đỉnh đồi, những khuôn mặt hốc hác, xanh xao sau 3 ngày đêm sống trong rốn lũ. Không điện, không nước sạch, không lương thực, không tài sản,…với họ, khó khăn lại chồng chất. Họ vẫn đau đáu nhiều nỗi lo, ngày ngày mong ngóng nước rút để trở về nhà, cho con cái được đi học,..
Một số hình ảnh khác PV ghi nhận tại vùng rốn lũ huyện miền núi Thạch Thành: