Những nghệ sỹ của đại ngàn
Đời sống - Ngày đăng : 14:27, 13/10/2017
Đã có nhiều tiếng kêu "thống thiết" cất lên và rất may vẫn còn có những nghệ nhân, nghệ sỹ đang ngày đêm trăn trở, dốc sức sưu tầm, phục dựng rồi truyền dạy lại cho lớp trẻ những loại hình nghệ thuật, diễn xướng cổ xưa. Chính vì thế mà các giá trị văn hóa của cha ông để lại đã không bị lãng phai đi.
Nghệ nhân A Jar (dân tộc Xơ-đăng, ở thôn Plêi Đôn, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) và già làng Hồ Ai (người dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) là những người như thế.
Người đắm đuối với sử thi
Có gặp A Jar, nghe ông trải lòng về chuyện đời, chuyện nghề mới thấy được nghị lực phi thường của người đàn ông Xơ - Đăng sinh năm 1947 ấy. Cuộc đời ông, ngay từ khi sinh ra đã trôi lăn trong bể khổ. Sinh ra trên mảnh đất Kon Tum, khi vừa mới 2 tuổi, A Jar đã mồ côi mẹ. Học hết cấp 1, ông lại mồ côi cha. Từ đó, hai chị em ông phải làm thuê làm mướn để mưu sinh và đi học.
Nghệ nhân A Jar - Người chép sử thi trên đất Tây Nguyên
Sau khi tốt nghiệp Học viện quốc gia hành chánh Sài Gòn vào tháng 2/1974, A Jar làm đủ nghề kiếm sống. Cũng trong những năm tháng ấy, ông gặp cô sinh viên Sư phạm YPứk, yêu rồi “bắt” về làm vợ. Đến giờ, hai người vẫn sống hạnh phúc trong ngôi nhà nhỏ bên dòng sông Đăk BLa. Dù cuộc sống bộn bề lo toan, nhưng, do có niềm đam mê bất tận với hát, diễn xướng sử thi nên mỗi khi có thời gian rảnh rỗi, A Jar lại tìm đến với những nghệ nhân lão làng trên đất Tây Nguyên để được đắm chìm, thả hồn mình trong những câu chuyện nhuốm màu huyền thoại.
Cũng chính từ những tháng ngày rong ruổi ấy, A Jar đã tích lũy cho mình một vốn hiểu biết đầy đặn về nét sinh hoạt văn hóa, phong tục, thông thạo được ngôn ngữ của nhiều dân tộc trên mảnh đất bazan. Thế cho nên, tính đến thời điểm hiện tại, ông là một trong số rất ít nghệ nhân thuộc, hiểu và biên dịch được sử thi. Và cũng từ nhiều năm nay, ông lặn lội khắp các buôn làng trên đất Tây Nguyên để sưu tầm, biên dịch và chép sử thi. Thành quả của những năm tháng lao động miệt mài ấy là hơn 20 bộ sử thi Tây Nguyên đồ sộ được ông xuất bản và dịch ra nhiều thứ tiếng.
A Jar kể, một trong những bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời ông là vào năm 1998, ông được Phó giáo sư – Tiến sĩ Võ Quang Trọng (Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam) mời biên dịch những bộ sử thi dân gian của các tộc người Bahnar và Xơ-đăng. Phần lớn những bộ sử thi đó đều ở dạng băng cát sét mới vừa được sưu tầm điền dã.
Trong bối cảnh các nghệ nhân có khả năng nhớ, hát, diễn xướng sử thi Tây Nguyên đang ngày một ít dần, việc điều tra, sưu tầm, biên dịch, bảo quản và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên đang gấp rút chạy đua với thời gian, thì công việc của những người như A Jar vô cùng ý nghĩa. Nó không chỉ đòi hỏi người dịch phải có niềm đam mê, khả năng hiểu tường tận tiếng địa phương, mà đồng thời phải tuyệt đối trung thành với nội dung, ý tưởng của nghệ nhân hát kể.
Với một người lâu nay vốn âm thầm tâm huyết với mạch nguồn văn hóa dân tộc nhưng chưa có dịp chung tay làm được điều gì, với vốn kiến thức tiếng Việt qua các nhà trường, với bề dày vốn sống lăn lộn cùng bà con bản làng mấy mươi năm… A Jar như “cá gặp nước”, hồ hởi bắt tay ngay vào việc gỡ băng (băng cassette ghi âm lời nghệ nhân dân gian kể Hơ’mon), phiên âm ra tiếng bản địa và dịch ra thành tiếng phổ thông.
Tính đến nay, đã gần 20 năm, A Jar vẫn ngày đêm thầm lặng làm cái công việc đầy ý nghĩa ấy. Không chỉ đơn thuần là lưu giữ được “hồn cốt” văn hóa phi vật thể của bà con các dân tộc Tây Nguyên, mà chép lại sử thì nó còn là mong ước, khát vọng của đồng bào. Quả thật, nhìn vào kết quả đạt được trong suốt quãng thời gian ấy mới thấy cường độ làm việc của A Jar là đáng khâm phục và trân trọng. Vừa lắng nghe để gỡ băng, vừa phiên âm ra chữ viết của dân tộc, vừa huy động vốn liếng tiếng phổ thông để phiên dịch, ông đã hoàn thành hơn 20 bộ sử thi! Trong đó, có những Hơ’mon có độ dài đến 12 băng cát sét. Hiện giờ, ông đang hoàn tất nốt bộ “Măng Lăng Săl Duông tung” (“Măng Lăng vu cáo cho Duông ăn cắp”, sử thi Xơ-đăng dài 8 băng cát sét).
Tuy bản thân cũng biết nhiều thứ tiếng của các tộc người thiểu số khác nhau, được trau dồi tiếng Việt khá bài bản, chưa kể biết cả tiếng Anh, tiếng Pháp, nhưng thỉnh thoảng việc biên dịch gặp đôi chỗ còn khúc mắc, A Jar lại tìm gặp anh em ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh để tham khảo, đối chiếu rồi từ đó chọn từ, lọc ý.
Tính trung bình, để hoàn thành mỗi bộ sử thi, A Jar phải mất nửa năm lao động cật lực! Đó là chưa nói đến cái chuyện ông còn phải lo cơm áo gạo tiền, còn phải tham gia các công tác xã hội khác. A Jar bảo rằng, ông là người may mắn khi có một người vợ biết cảm thông, chia sẻ. Bà không chỉ chu toàn mọi nhẽ trong gia đình, mà còn hỗ trợ, giúp đỡ, động viên ông trong công việc bảo tồn, lưu giữ để “hồn cốt” văn hóa Tây Nguyên không bị mai một.
Khơi nguồn văn hóa cổ
Cũng giống như A Jar, suốt mấy chục năm nay, già làng Hồ Ai (người dân tộc Bru - Vân Kiều ở xã Trường Sơn, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) đã bỏ ra rất nhiều công sức để đi sưu tầm và truyền dạy lại cho lớp trẻ về cách chơi các nhạc cụ truyền thống nhằm phục dựng và gìn giữ những nét văn hóa rất đặc trưng của dân tộc mình. Chính già là người đã góp phần rất lớn trong việc khơi lại một dòng văn hóa cổ, giúp nó tiếp tục “chảy” trong mỗi nếp nhà sàn, trong mỗi lễ hội và đặc biệt là “chảy” trong giới trẻ.
Già làng Hồ Ai (thứ hai từ trái qua) cùng một nghệ nhân khác đang truyền dạy âm nhạc dân tộc cho lớp trẻ
Trong đời sống của người dân tộc thiểu số Bru - Vân Kiều ở miền tây Quảng Bình thì các làn điệu dân ca, cùng với các loại nhạc cụ dân tộc đóng một vai trò hết sức quan trọng, là món ăn tinh thần không thể thiếu trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng của mỗi người dân. Gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống là nhu cầu cần thiết, tuy nhiên trên thực tế, một số loại hình văn hóa như múa, hát, các nhạc cụ truyền thống của dân tộc này ngày càng bị mai một. Đặc biệt, trong bối cảnh hội nhập với nhiều nền văn hóa từ bên ngoài du nhập và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống tinh thần của người dân cả vùng sâu và vùng xa. Trong bối cảnh đó, rất may người Bru–Vân Kiều còn có một Hồ Ai.
Với quyết tâm không thể để cho di sản văn hoá quý báu của dân tộc bị mai một, trong nhiều năm qua, già làng Hồ Ai đã kiên trì, bền bỉ đi khắp các bản làng, đến từng nhà, vận động từng người về ý nghĩa của việc giữ gìn bản sắc truyền thống. Già giảng giải, nêu bật giá trị của các loại nhạc cụ, đặc biệt là tiếng sáo pi trong mạch nguồn văn hoá của người Bru – Vân Kiều. Không những thế, già còn nhiệt tình tham gia lớp truyền dạy cách thổi sáo và chơi các loại nhạc cụ truyền thống khác của người Bru - Vân Kiều cho các thế hệ trẻ ở xã Trường Sơn và các xã lân cận…
“Mỗi bài hát, điệu múa, tiếng sáo của người Bru – Vân Kiều đẹp như hoa trên núi. Nếu thế hệ con cháu sau này không biết hát, biết múa, biết thổi sáo, biết đánh đàn thì sẽ là một điều đáng tiếc, dân tộc này sẽ mất đi các di sản văn hoá độc đáo của mình”, già Ai tâm sự.
Nhiều năm trời bền bỉ, cần mẫn với công việc thầm lặng, công sức của già Ai đã không uổng phí. Âm nhạc và các giá trị truyền thống đã dần quay về với đời sống văn hoá cộng đồng người Bru – Vân Kiều. Nhiều người trẻ đã nối tiếp, thổi được sáo pi và chơi thành thạo các loại nhạc cụ của người Bru – Vân Kiều. Bên cạnh đó, nhiều già làng trưởng bản, nghệ nhân khác cũng cùng chung tay góp sức với già Ai trong việc phục dựng lại nhiều nét văn hóa cổ xưa. Cũng từ đây, mà nhiều câu lạc bộ, nhiều mô hình dân ca, nhạc cụ dân tộc đã và đang được quần chúng gìn giữ và lưu truyền.
Đồng thời, mấy năm gần đây, ngành văn hóa Quảng Bình đã có nhiều hình thức để khơi nguồn và bảo tồn dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô như: Mở lớp sáng tác dân ca, Liên hoan hát dân ca, mở lớp tập huấn dân ca hoặc mới đây nhất là dự án "Đưa âm nhạc truyền thống vào nhà trường, khơi dậy và lưu giữ những tinh hoa văn hoá của người Bru - Vân Kiều” đã thu hút được nhiều thế hệ tham gia...
Tại những lớp học này, nhiều làn điệu dân ca của người Vân Kiều, Pa Kô đã được các nghệ nhân có kinh nghiệm sưu tầm và truyền dạy. Cũng từ những lớp học như thế, đã xuất hiện rất nhiều những em có năng khiếu về âm nhạc. Rồi đây, những gương mặt trẻ ấy sẽ thay thế Hồ Ai giữ gìn bản sắc văn hoá của dân tộc. “Tiếng sáo pi, sáo khui và nhiều làn điệu truyền thống của người Bru – Vân Kiều bây giờ đã có nhiều người học rồi. Bây giờ tôi có chết cũng yên tâm rồi”, già Ai hồ hởi.
Việc khơi nguồn, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc của người Bru - Vân Kiều là một việc làm có ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi, nó không chỉ lưu giữ được những giá trị truyền thống, tránh được nguy cơ thất truyền, mà điều quan trọng hơn nữa là những giá trị ấy sẽ được neo giữ trong những tâm hồn trẻ, để mai này song hành cùng họ đi đến tương lai. Chính vì thế, những đóng góp của những người như già Ai là vô cùng to lớn đối với cộng đồng thôn bản. Giờ, khi nhắc đến già, những bậc cao niên cũng như nhiều cán bộ ở đây luôn dành những lời kính trọng và biết ơn sâu sắc. Họ gọi già với cái tên trìu mến: Người giữ hồn cho các bản làng.