Thanh Hóa: Nước lũ rút, khẩn trương xử lý dịch bệnh, môi trường
Đời sống - Ngày đăng : 13:30, 13/10/2017
Sáng nay, lãnh đạo Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Thanh Hóa đã đến kiểm tra tình hình môi trường tại các địa phương bị thiệt hại nặng nề do mưa lũ và trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp xử lý ô nhiễm môi trường sau khi nước rút, đặc biệt là tập trung xử lý nước sinh hoạt, rác thải; xử lý phân và xác súc vật; phòng chống dịch bệnh cho người và gia súc, gia cầm; xử lý sự cố môi trường do tràn dầu hoặc do rò rỉ hoá chất…
Giám đốc Sở TN&MT Thanh Hóa đi kiểm tra, xử lý môi trường sau lũ tại Thường Xuân
Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh đã hỗ trợ 370 lít hoá chất cho 7 địa phương bị ảnh hưởng nặng để xử lý ô nhiễm môi trường. Qua xem xét nhu cầu thực tế, Sở Tài nguyên Môi trường đang đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí, để tiếp tục mua thêm hoá chất, giúp các địa phương nhanh chóng khắc phục ô nhiễm môi trường, đảm bảo sức khoẻ cho nhân dân.
Nhiều gia cầm của người dân bị chết, bốc mùi hôi thối
Tại huyện Thường Xuân, hiện nay, nước đã rút ở hầu hết các khu vực bị ngập lụt. Các cấp chính quyền và ngành chức năng trong huyện đang tập trung chỉ đạo khắc phục các sự cố và thiệt hại. Sáng 13/10, lãnh đạo huyện Thường Xuân đã đến viếng các nạn nhân bị tử vong do sạt lở đất tại các xã: Yên Nhân và Bát Mọt, chia buồn, động viên gia đình các nạn nhân.
Huyện đã hỗ trợ nhu yếu phẩm cho các hộ dân ở những xã bị ngập lụt nặng, đồng thời, huy động nhân lực, máy móc giải phóng khối lượng lớn đất đá sạt lở trên tuyến quốc lộ và tỉnh lộ. Ngay sau khi nước rút, ngành y tế huyện cũng đã tập trung xuống các địa bàn bị ngập lụt để cùng nhân dân xử lí môi trường và nguồn nước.
Theo báo cáo sơ bộ của huyện Thường Xuân, đợt mưa lũ vừa qua đã khiến 6 người chết và 4 người bị thương; toàn bộ cây trồng vụ đông bị ngập; nhiều cây cầu bị sập và hư hỏng; gần 2.000 ngôi nhà bị ngập nước, bị cuốn trôi và đổ sập.
Trại lợn 4.000 con tại huyện Yên Định bị nhấn chìm chưa thể xử lý xác lợn chết vì nước còn ngập sâu
Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù đã được cảnh báo trước về nguy cơ mưa lũ nhưng công tác di dân và triển khai phòng chống thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ" ở một số địa phương vẫn còn hạn chế. Do đó, khi nước lên người dân chỉ chạy được người còn tài sản, vật nuôi trong nhà hầu hết đều bị cuốn trôi, ngập nước, hư hỏng.
Tính tới sáng 13/10, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã có 14 người bị chết, 5 người bị thương và 5 người mất tích. Nhiều xã của các huyện như Thạch Thành, Yên Định, Thiệu Hóa... vẫn bị ngập sâu trong mưa lũ, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Các địa phương đã chủ động sơ tán trên 17.600 hộ dân, trong đó huyện Thạch Thành đã di dời 3.389 hộ, Thọ Xuân di dời 3.415 hộ, Thường Xuân: 1.727 hộ… Trên địa bàn tỉnh đã có 140 nhà bị thiệt hại hoàn toàn hoặc bị ảnh hưởng bởi sạt lở đất, 17.604 nhà bị ngập sâu trong nước.
Nước vẫn ngập sâu tại Yên Định, Thạch Thành
Chính quyền địa phương cũng đẩy mạnh phòng chống thiên tai theo phương châm 4 tại chỗ nhằm không để hộ dân nào đói rét vì mưa lũ. Tại những nơi nước lũ đã rút, các tổ chức đoàn thể, dân quân tự vệ giúp dân tu sửa nhà cửa, dọn dẹp vệ sinh, tiêu độc khử trùng, tham gia khắc phục sự cố đê điều, thủy lợi, giao thông…
Trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có trên 1.000 ha lúa bị ngập, diện tích ngô và rau màu bị ngập, đổ gãy là 18.000 ha. Gia súc bị cuốn trôi trên 5.000 con, gia cầm là 151.000 con…Gần 4.000 con lợn của một trang trại đóng chân trên địa bàn Nông trường Thống Nhất bị chết đuối.
Trên tuyến đê sông Chu (đê cấp I) bị sạt lở 4 điểm với tổng chiều dài 107 m. Các tuyến đê từ cấp VI trở xuống bị sạt lở, nứt vỡ với tổng chiều dài 298m, nghiêm trọng nhất là sạt mái đê hữu sông Cầu Chày trên địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân có chiều dài cung sạt 6m, rộng 5m, sâu 1,2m.
Trên tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 45, Quốc lộ 217 vẫn còn nhiều điểm bị ngập sâu 50-70m khiến khiến giao thông bị ách tắc cục bộ. Nhiều đoạn phải tăng bo bằng thuyền nhằm vận chuyển người và phương tiện giao thông qua các điểm ngập sâu.
Người dân tranh thủ ra đồng thu hoạch lúa sau nhiều ngày ngập úng
Trước đó, vào khoảng 10h20 phút ngày 12/10, khi thuyền của Ban chỉ huy Quân sự huyện đang vào một hộ dân ở thôn Định Cát, xã Thạch Định để hỗ trợ đưa người dân và tài sản đến nơi an toàn thì phát hiện 2 người đang đang đu trên dây điện, giữa dòng nước lũ. Ngay lập tức, cả đoàn cho thuyền tiếp cận và đưa 2 người lên thuyền an toàn. Hai người được xác định sau đó là ông Vũ Đức Sức và con trai ông là Vũ Anh Đức.
Tại Sầm Sơn, ngay khi trời ngớt mưa, nước rút, bà con nhân dân đã tranh thủ ra đồng thu hoạch diện tích lúa còn sót lại. Dù lúa đã bị úng hoặc năng suất rất thấp, người dân vẫn cố vớt vát được hạt nào hay hạt đấy.
Người dân Quảng Châu cố vớt vát lại ít lúa bị ngập nước nhiều ngày
Ông Lê Đình Chi, 66 tuổi thôn Châu Bình (phường Quảng Châu, Sầm Sơn) cho biết: “Gia đình tôi có 2 vợ chồng già trông chờ vào 2,5 sào lúa. Vậy mà đến kỳ thu hoạch lại bị ngập úng cả. Giờ tranh thủ ra đây vớt được ít nào hay đến đó. Mong sao chính quyền địa phương sớm có hỗ trợ cho người dân".
Trao đổi với PV, ông Phạm Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND TP.Sầm Sơn cho hay: “Ngay sau khi nhận được thông tin về tình hình ngập tại khu phố Khánh Sơn, phường Bắc Sơn, lãnh đạo thành phố đã cùng với người dân huy động máy bơm, thực hiện các biện pháp tiêu, thoát nước. Giúp nhân dân bảo vệ tính mạng, tài sản. Đồng thời cân đối các nguồn lực để đảm bảo phương châm bốn tại chổ, đảm bảo an toàn đê bao. Hiện nay, các lực lượng cùng vào cuộc giúp người dân thu dọn sau lũ, thu hoạch hoa màu, lúa. Trên cơ sở thống kê thiệt hại sẽ có hướng hỗ trợ bà con, không để người dân phải đói".