Phóng sự - Ghi chép

Những kỉ niệm không quên trong cuộc đời binh nghiệp của Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu

Dương Dũng - Minh Lý 22/12/2024 - 12:17

Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tham gia trực tiếp 67 trận đánh. Năm 26 tuổi, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) và năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.

Truyền thống xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944- 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989- 22/12/2024), Thượng tướng, Viện sĩ, Anh hùng LLVTND Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng (Khóa VIII, IX, X), nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã chia sẻ với PV về những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp của ông, cũng như những cảm nhận sâu sắc về tình quân dân, nghĩa đồng bào, về những chiến công anh hùng của anh Bộ đội Cụ Hồ trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

PV: Nhân dịp kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng có thể nói về những đóng góp của Quân đội nhân dân Việt Nam ta với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc?

Quân đội nhân dân Việt Nam từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu. Hay nói một cách khác Quân đội nhân dân Việt Nam là quân đội “của dân, do dân và vì dân”. Ngay từ khi thành lập thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba nhiệm vụ chính của quân đội ta: đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất.

Suốt 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành, các cơ quan, đơn vị toàn quân luôn quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt chức năng của mình, đẩy mạnh công tác dân vận, gắn bó mật thiết với nhân dân, phát huy sức mạnh của nhân dân hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Quân đội nhân dân Việt Nam luôn phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, tích cực tham gia lao động sản xuất, xây dựng và phát triển kinh tế bằng các hình thức, biện pháp sáng tạo, phù hợp, góp phần quan trọng vào những thành tựu chung của dân tộc. Quân đội ta đã xây dựng được “thế trận lòng dân”.

Mặc dù các thế lực thù địch, các nước xâm lược nước ta từ xưa đến nay luôn mạnh hơn ta kể cả về quân sự, kinh tế. Nhưng họ phải thua chúng ta vì chúng ta có quân đội “của dân, do dân và vì dân”.

oi-nhan-dan-viet-nam-duoc-thanh-lap-tai-cao-bang.-sau-ngay-thanh-lap-doi-xuat-quan-va-gianh-thang-loi-gion-gia-trong-hai-tra.jpg
Ngày 22-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (tiền thân của Quân đội Nhân dân Việt Nam) được thành lập tại Cao Bằng.

Quân đội ta đã có đóng góp to lớn vào hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Từ 34 chiến sĩ đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay được thành lập tại khu rừng Trần Hưng Đạo đã phát triển dần lên. Quân đội ta đã làm nên "Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ nên thiên sử vàng". Quân đội ta có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp giải phóng, xây dựng đất nước nhưng nổi bật có thể kể đến Chiến thắng Điện Biên Phủ trong kháng chiến chống Pháp.

thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-tai-trien-lam-quoc-phong-quoc-te-2024.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại Triển lãm Quốc phòng Quốc tế 2024.

Nghệ thuật quân sự của ta là chiến tranh nhân dân. Với ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích đã phát huy được ở mức độ cao nhất. Quân đội nhân dân Việt Nam đã kế thừa truyền thống tổ tiên ta đánh giặc. Truyền thống của quân đội ta là chiến thắng kẻ địch bằng trí tuệ Việt Nam, sức mạnh Việt Nam, truyền thống Việt Nam, bằng văn hóa Việt Nam nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Quân đội ta phát triển từ nhỏ đến lớn, từ đánh tiêu hao phát triển đến cấp trung đoàn rồi đến đánh tập trung như chiến dịch Điện Biên Phủ. Trong kháng chiến chống Mỹ, quân đội ta đã kế thừa được truyền thống của dân tộc, kinh nghiệm trong kháng chiến chống Pháp nên đã phát triển ở mức độ cao hơn.

Những trận đánh lịch sử trong ký ức một vị Tướng

PV: Được biết trong đời binh nghiệp, Thượng tướng đã đánh 67 trận, 26 tuổi đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và đến năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng. Thượng tướng có thể chia sẻ những kỷ niệm trong cuộc đời binh nghiệp của mình?

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, tôi vinh dự được tham gia 4 chiến dịch lớn. Thứ nhất là, Chiến dịch Mậu Thân năm 1968; thứ hai là Chiến dịch Đường 9 Nam Lào; thứ ba là Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 và thứ tư là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975.

Trong rất nhiều trận đánh tôi được tham gia và có rất nhiều kỷ niệm, thì có những kỷ niệm mà tôi nhớ nhất có thể kể đến cái Tết đón mùa Xuân năm 1968, cũng là một cái Tết thật sự sâu đậm. Khi ấy tôi là Trung đội trưởng, để giúp nâng cao tinh thần cho anh em chiến sĩ, chương trình làm báo tường được phát động. Tôi và các đồng chí, đồng đội tham gia viết báo, làm thơ, ai có năng khiếu làm thể loại nào thì tham gia sáng tác thể loại đó. Và tôi đã làm bài thơ “Tết xa quê mẹ” được anh em trong đơn vị rất thích thú, học thuộc rồi ngâm thơ trong suốt thời gian Tết ở trong rừng.

Có thể nói rằng, các bài thơ, bài báo, bài văn trên báo tường đều thể hiện khí thế hừng hực, thể hiện tinh thần quyết chiến, quyết thắng, lạc quan yêu đời của các anh lính trẻ, đó cũng là tình cảm chúng tôi dành cho nhau , động viên khi phải đón Tết xa nhà.

Báo tường được minh hoạ các tranh vẽ Bác Hồ, tranh chiến sĩ, cảnh Tết quê ba miền,… bằng những bàn tay chiến sĩ. Chúng tôi cũng dùng hoa chuối rừng, hoa phong lan, hoa khoai trang trí cho không khí Tết. Chúng tôi cùng đọc báo, ngâm thơ, hát cho nhau nghe, kể chuyện vui vẻ, ai cũng tin tưởng vào chiến thắng.

Một kỷ niệm khác sâu đậm với tôi có thể nói đến là trận tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) đêm 4 rạng sáng 5/4/1970.

Thất bại Xuân Mậu Thân 1968 khiến chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của đế quốc Mỹ phá sản. Với bản chất hiếu chiến, ngoan cố, Mỹ chuyển sang chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, tiếp tục cuộc chiến tranh thực dân kiểu mới ở miền Nam Việt Nam.

Thời điểm này, Mỹ áp dụng chiến thuật “Trâu rừng”, tức là vào ban ngày chúng dùng xe tăng càn quét kết hợp với hoả lực cả ở trên không, dưới biển, mặt đất để tiêu diệt quân giải phóng.

Tối đến, chúng sẽ quay lại khu vực có thể bảo vệ toàn bộ lực lượng, mỗi đại đội sẽ tạo thành một cụm với khoảng 16 – 17 xe tăng. Gọi là chiến thuật “Trâu rừng” vì ta cứ hình dung chúng (xe tăng) như đàn trâu, cụm vào một điểm rất khó đánh.

dai-doi-truong-nguyen-huy-hieu-ngoai-cung-ben-trai-cung-dong-doi-ban-chien-thuat-de-tieu-diet-cum-bo-binh-co-gioi-my-tai-sap-da-mai-tan-kim-cam-lo-quang-tri-thang-4-1970.jpg
Đại đội trưởng Nguyễn Huy Hiệu (ngoài cùng bên trái) cùng đồng đội bàn chiến thuật để tiêu diệt cụm bộ binh cơ giới Mỹ tại Sáp Đá Mài (Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị) tháng 4-1970.

Khi đó tôi là Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27, mặt trận B5. Tôi được cấp trên giao nhiệm vụ đưa một đại đội luồn vào bên trong, đánh sâu từ bên trong lòng địch, tiêu diệt một cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở Sáp Đá Mài bằng B40, B41 và lựu đạn chống tăng.

Sau 4 ngày đêm, chúng tôi trinh sát, nắm quy luật, đêm mùng 4 rạng sáng 5/4/1970, tôi đã đưa cả đại đội vào vị trí phía nam cụm bộ binh cơ giới Mỹ, vì phía trước họ cảnh giác rất cao nên phải luồn vào trong để đánh cụm phía sau. Nhờ cách đánh luồn sâu, đánh từ phía sau, đánh bên trong lòng địch nên địch bất ngờ, phản ứng rất yếu kém, bị tiêu diệt trong khoảng thời gian rất ngắn.

Khoảng 3h30 - 4h sáng, chúng tôi bám sát 16 chiếc xe tăng, có những xạ thủ chỉ cách mục tiêu 15 – 20m. Xe tăng của Mỹ chủ yếu là M48, M41 và thêm xe bọc thép M113. Chỉ trong vòng 15 phút, chúng tôi tiêu diệt 8 xe tăng, 30 phút tiếp theo tiêu diệt thêm 8 chiếc, làm chủ hoàn toàn chiến trường.

Những chiếc xe tăng cháy được quân Mỹ cẩu về Đông Hà và Bái Sơn. Còn số lính Mỹ chết ở đó được trực thăng mang đi. Suốt ngày hôm đó, cho đến 16h, toàn bộ cụm bộ binh cơ giới Mỹ ở khu vực Tân Kim rút hết về Đông Hà. Chúng tôi đã góp phần đánh bại chiến thuật “Trâu rừng”.

Sau đó 5 ngày, tôi được bổ nhiệm làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3, đơn vị chủ công của Trung đoàn 27.

Khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm mặt trận, tôi được giao trực tiếp báo cáo về trận đánh cho Đại tướng. Sau khi tôi báo cáo xong, Đại tướng biểu dương và có nói: “Các đồng chí chỉ huy phải hết sức chú ý là, đánh thắng nhưng phải bảo toàn được lực lượng, giảm nhiều nhất tổn thất và thương vong thì mới gọi là người chỉ huy giỏi”.

thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-tai-ban-lam-viec.jpg
Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu tại bàn làm việc.

Một kỷ niệm nữa có thể nói đến, Trong Chiến dịch đường 9 - Nam Lào tôi đang là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Trung đoàn 27, mặt trận B5, có nhiệm vụ cắt đứt đường tiếp tế của Mỹ vào Bản Đông.

Ngày 19/3/1971, tôi đã bố trí Tiểu đoàn 3 ở gần đường 9 (gần căn cứ của Mỹ) dài khoảng 5 km. Lúc đó, đoàn xe đầu tiên của địch (mỗi đoàn khoảng 30 - 50 chiếc gồm xe vận tải, xe cơ giới) có xe tăng, hỏa lực bảo vệ và trực thăng dẫn đường nên chúng tôi để chúng đi, để khiến chúng chủ quan, rằng không có quân giải phóng mai phục.

Đoàn thứ hai có khoảng 50 xe, chúng vẫn rất cảnh giác, nhưng chúng tôi đã đưa địch vào thế bị phục kích, đồng loạt nổ súng, chặn đầu và khoá đuôi, hai bên sườn đánh vào. Trong vòng 45 phút, chúng tôi tiêu diệt 28 xe và cắt đứt luôn đường tiếp tế của địch. Những đoàn phía sau thấy bị chặn nên đã quay đầu, chạy ngược về Đông Hà.

Một kỷ niệm khác là trận đánh mở màn chiến dịch năm 1972. Khi ấy, tôi là Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn chủ công, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 27 của Mặt trận B5.

Cài thế trận xong, Tiểu đoàn do tôi phụ trách được giao nhiệm vụ bí mật luồn sâu theo trục đường xe địch di chuyển để đánh chia cắt. Tôi đã đưa từng đơn vị nhỏ tiếp cận địch, đêm ngày 29, rạng sáng ngày 30/4/1972, toàn bộ đội hình đã cài sẵn trên trục đường xe tăng địch tiến lên căn cứ 544 (địch gọi là Fulơ). Chúng tôi đã nhiều lần đánh tuyến phòng ngự này nhưng lần này quyết định đánh chia cắt, đánh phía sau, sở trường của tôi là đánh luồn sâu.

Sau khi cài xong trận địa, giờ G của mặt trận quy định là phải 11h30 thì mới được nổ súng nhưng vì thời cơ đã đến, tôi xin ý kiến mặt trận được nổ súng trước giờ G. Bởi vì, khoảng 9h chúng tôi phát hiện một đoàn xe tăng và nhiều lính địch hành quân lên căn cứ 544 để thay quân và khoảng 10h thì nằm gọn trong đội hình phục kích, do vậy, cần phải hành động ngay. Sau khoảng 35 phút, chúng tôi đã tiêu diệt toàn bộ tiểu đoàn địch, hoàn toàn làm chủ trận địa, mở toang cánh cửa ở phía Bắc và phía Tây Nam, tạo điều kiện cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.

Sau đó, cả Trung đoàn và Tiểu đoàn 3 chúng tôi được cơ động vượt qua Cửa Việt về đánh phía Đông, thực hiện đánh chia cắt, nhanh chóng, tạo điều kiện cho hai huyện Hải Lăng, Triệu Phong nổi dậy làm chủ, giải phóng hai huyện này và góp phần vào giải phóng Quảng Trị. Sau này, đơn vị chúng tôi được tuyên dương đơn vị anh hùng, mang tên Trung Đoàn Triệu Hải anh hùng (tên của hai huyện).

Một kí ức tôi mãi không quên, đó là trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, tôi là Trung Đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, Quân đoàn 1. Chúng tôi đã thực hiện cuộc hành quân bằng cơ giới từ Tam Điệp (Ninh Bình) vào để dự bị đánh Huế nhưng ngày 26/3/1975 thì Huế đã được giải phóng. Chúng tôi vào bán đảo Sơn Trà, sau đó được lệnh quay ra Đông Hà và bắt đầu cuộc hành quân theo đường Trường Sơn Đông, tập kết tại Đồng Xoài, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Khi chúng tôi hành quân đến đèo Ang Bun (trên đường Trường Sơn) thì nhận được bức điện của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đài 15W với nội dung: “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng phút, từng giờ, xốc tới miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng!”.

Tôi phổ biến mệnh lệnh này cho cán bộ, chiến sĩ. Anh em đang mệt nhọc, bừng dậy, tiếp tục hành quân vào tập kết ở Bình Phước và tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Vào đêm 29/4/1975, chúng tôi đã đến Búng, cách Lái Thiêu khoảng 10 km. Lúc đó, trục đường 13 mịt mù đêm tối. Chúng tôi theo hiệp đồng của mặt trận, ở đó có cơ sở cách mạng, hô mật khẩu “Hồ Chí Minh” mà đáp lại “Muôn năm” thì đúng là của ta.

Trong khu vực Búng có một căn nhà đơn sơ nhưng có ánh đèn, còn những căn nhà khác đều tắt hết. Tôi cho anh em bám qua nghĩa địa, trinh sát vào đọc tín hiệu “Hồ Chí Minh” ba lần thì mãi sau có một bà má khẽ mở cánh cửa ra đáp “Muôn năm, muôn năm, muôn năm”. Đúng rồi, là cơ sở của ta!.

thuong-tuong-nguyen-huy-hieu-thu-2-tu-phai-sang-gap-ma-sau-ngau-thu-3-tu-phai-sang-deo-kinh-tai-lai-thieu.jpg
Trung đoàn trưởng Nguyễn Huy Hiệu (Thứ 2 từ phải sang) gặp Má Sáu Ngẫu (Thứ 3 từ phải sang đeo kính) tại Lái Thiêu.

Tôi và Chính uỷ Trịnh Văn Thư cùng tổ trinh sát vào nhà. Trong căn nhà có má (Má Sáu Ngẫu) và có 2 người con là em Phước 16 tuổi và Đức 14 tuổi.

Tôi đặt bản đồ chỉ huy lên bàn có đèn dầu và nói: “Thưa má, con là chỉ huy của Quân giải phóng Miền Nam Việt Nam. Sáng mai, chúng con có nhiệm vụ đánh vào Sài Gòn. Đề nghị má cung cấp các thông tin mà má biết”.

Má nhìn tấm bản đồ chỉ huy của tôi, nói má không rành. Má chạy vào nhà một lát rồi đưa một tấm bản đồ, trải ra rồi nói: “Đây, các con đang đứng ở đây. Từ đây theo trục đường 13 vào thì qua Lái Thiêu. Các con phải đánh rất nhanh và nhanh chóng đánh chiếm cầu Vĩnh Bình thì mới vào được Sài Gòn”.

Tôi hỏi lại má rằng, còn đường nào vào Sài Gòn nữa không thì má bảo, có đường sắt Lái Thiêu nhưng xe tăng không đi được.

Má cung cấp tất cả thông tin xong thì bảo: “Sáng mai má sẽ cùng hai con lên xe tăng dẫn bộ đội đánh vào”.

Tôi đáp lại: “Chúng con cảm ơn má. Má đã già, các em còn nhỏ. Chúng con đánh xong sẽ quay về cảm ơn má và đồng bào”.

Từ tấm bản đồ và chỉ dẫn của má, hôm sau chúng tôi dùng loa kêu gọi 2.000 lính ở trại Huỳnh Văn Lương đầu hàng. Đồng thời, tấn công qua Lái Thiêu, tiêu diệt các ổ đề kháng và vượt cầu Vĩnh Bình tiến thẳng vào Bộ tư lệnh Thiết Giáp ngụy, chiếm luôn 13 căn cứ của lục quân công xưởng ở Gò Vấp và Tổng y viện cộng hòa. Lúc đó là khoảng 10 giờ 30 phút ngày 30/4.

Nhạc sỹ Văn Thành Nho, sau khi nghe tôi kể lại câu chuyện này cũng đã sáng tác bài hát “Tấm bản đồ má trao”. Đó là chiến dịch mà dù đã 50 năm đã qua tôi vẫn nhớ như in trong trái tim mình. Tấm bản đồ ngày đó được tôi gìn giữ rất cẩn thận và sau này đã trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Thượng tướng.

Sinh năm 1947, theo tiếng gọi của Tổ quốc, tháng 2 năm 1965, ông vào quân ngũ; từ năm 1968 đến 1972, là những tháng ngày chiến đấu cùng Trung đoàn 27, còn gọi là Trung đoàn Đỏ - Nghệ An, sau này là Trung đoàn Triệu Hải đã tôi luyện và gắn liền với những chiến công của vị “Anh hùng trận mạc” Nguyễn Huy Hiệu. Trong đời binh nghiệp, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu đã tham gia trực tiếp 67 trận đánh. Năm 26 tuổi, ông đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND và năm 40 tuổi được phong quân hàm Thiếu tướng.

Dương Dũng - Minh Lý