Nước lũ rút dần, Quốc lộ 1A đã thông trở lại
Đời sống - Ngày đăng : 21:39, 12/10/2017
Mấy ngày qua, nhiều địa phương tại Thanh Hóa bị nước lũ bủa vây, hầu hết mọi tài sản đã trôi theo dòng nước đục ngầu. Hàng nghìn người phải chịu cảnh màn trời chiếu đất. Trong lúc hoạn nạn ấy, những con người xa lạ nhường cơm, xẻ áo, bộ đội, Công an quên mình giúp dân.
Tính đến ngày 12/10, toàn tỉnh đã di dời gần 15 nghìn hộ dân, với hàng trăm nghìn nhân khẩu đến nơi an toàn. Trong đó, TP Thanh Hóa đã di dời 1.026 hộ vơi gần 10 nghìn dân; huyện Thường Xuân di dời trên 1.727 hộ dân ở các xã Lương Sơn, Yên Nhân, Bát Mọt, Luận Khê, Luận Thành, Tân Thành, Thọ Thanh, Xuân Dương; huyện Thạch Thành đã di dời 1.208 hộ ở các xã Thạch Long, Thạch Đồng, Thành Kim, Thành Hưng, Thị thị trấn Kim Tân; huyện Thọ Xuân đã sơ tán 1.980 hộ; Yên Định gần 1.000 hộ…
Người dân Thạch Định phải di tản lên tầng 2 trường tiểu học tránh lũ
Hiện tại, mực nước trên sông Mã tại trạm Cẩm Thủy đạt 17,69m, tại Lý Nhân 11,22m, tại Giàng đạt 7,5m; sông Lèn tại Lèn đạt 6,57m; sông Chu tại Xuân Khánh đạt 10,94m; sông Cầu Chày tại Xuân Vinh đạt 10,78m. Riêng sông Bưởi tại Kim Tân đang tiếp tục lên, lúc 9 giờ ngày 12/10 đạt 13,67m, cao hơn báo động III 1,67m. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất và sụt lún ven sông tại các huyện: Mường Lát, Thạch Thành, Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước, Cẩm Thủy, Thường Xuân, Yên Định, Thọ Xuân…
Để giúp dân khắc phục hậu quả mưa lũ, trong những ngày qua, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 2 nghìn lượt cán bộ chiến sỹ cùng 25 ca nô, xuồng máy và nhiều phương tiện, thiết bị, vật tư xuống các địa bàn bị ngập lụt, phối hợp với cấp uỷ, chính quyền và lực lượng Công an cơ sở triển khai các phương án sơ tán dân, di rời tài sản đến nơi an toàn, đồng thời khắc phục và gia cố các điểm sạt lở đê.
Công an tỉnh giúp dân di tản tới nơi an toàn
Lãnh đạo Công an tỉnh đã trực tiếp chỉ đạo và có mặt tại những vùng trọng điểm để kiểm tra, chỉ đạo và đôn đốc lực lượng Công an các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh triển khai các phương án đảm bảo ANTT, trật tự ATGT, hỗ trợ di dời người và tài sản đến nơi an toàn.
Nhiều CBCS sau nhiều giờ dầm mình trong mưa lũ chỉ kịp lót dạ một mẩu mỳ tôm, bánh mì rồi lại vội vã lao vào cứu dân. Tính đến thời điểm hiện tại, các lực lượng Công an trong tỉnh đã sơ tán 7.351 hộ dân ở vùng nguy hiểm đến khu vực an toàn, trong đó, huyện Thọ Xuân 1.980 hộ, Thường Xuân 1.727 hộ, Thạch Thành 1.208 hộ, TP.Thanh Hoá 1.026 hộ, Yên Định 884 hộ…
Lợn của người dân Thạch Thành nằm chết ngổn ngang do không kịp di tản
Ông Lê văn Thanh (56 tuổi), trú tại xã Thạch Định (Thạch Thành) nghẹn ngào: “Các con tôi đi làm ăn xa cả, chỉ có 2 vợ chồng già, tài sản chẳng kịp đưa lên cao, hư hỏng hết, may có các chú Công an đưa chúng tôi vào nơi trú ẩn an toàn".
Còn chị Lương Thị Sáu trú tại xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy cho biết: “Nước lên nhanh quá, trâu, lợn, gà nhà chúng tôi chết cả rồi. Bao nhiêu năm tích cóp giờ nước nhấn chìm, hư hết. Cũng may mà gia đình mấy người, cả trẻ con, người già sơ tán kịp".
Theo thống kê ban đầu của UBND huyện Yên Định, mưa lũ đã nhấn chìm trên 137 ha lúa; hơn 2.500 ha ngô; 1.453 ha rau màu; trên 1.012 ha diện tích nuôi trồng thủy sản; gần 100/875 trang trại, gia trại tổng hợp trên địa bàn bị ngập sâu.
Cảnh tượng kinh hoàng khi trại lợn 4.000 con bị nước nhấn chìm, xác lợn nổi la liệt
Trao đổi với PV vào tối 12/10, ông Nguyễn Văn Bình, Phó chủ tịch UBND huyện Yên Định cho biết, mưa lũ những ngày qua gây thiệt hại nặng nề ở địa phương. Khu vực ngoại đê sông Hép bị ngập sâu từ 1,5–2 m. Nằm tại khu vực này, toàn diện tích trang trại lợn của Trại giam số 5, Nông trường Thống Nhất với quy mô gần 4.000 con đều bị ngập. Từ hôm qua (11/10), chính quyền huyện và người dân địa phương đã tích cực ứng cứu nhưng đành bất lực trước dòng nước lũ lên quá nhanh.
Rạng sáng ngày 12/10, tại tuyến đê sông Cầu Chày, thuộc địa bàn xã Xuân Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa đã bất ngờ rạn nứt và vỡ. Hàng trăm cán bộ chiến sỹ bộ đội, dân quân tự vệ, lãnh đạo địa phương đã nhanh chóng có mặt, huy động phương tiện máy móc, trang thiết bị kịp thời nỗ lực hàn gắn, thậm chí dùng cả máy múc được đẩy xuống chặn dòng nước.
Huyện Thọ Xuân đã chỉ đạo tất cả các xã thuộc lưu vực các sông trên địa bàn triển khai phương án di dân lòng sông; tổ chức di dời tài sản, gia súc, gia cầm về nơi tránh trú an toàn, cụ thể số hộ dân vùng ngập lụt có khả năng phải di dời: 5.835 hộ; số hộ đã tổ chức di dời khoảng 4.390 hộ tập trung ở các xã Xuân Hòa, Xuân Thiên, Xuân Yên, Phú Yên, Thọ Diên, Thọ Hải, Thị trấn Lam Sơn, Thọ Trường, Xuân Khánh, Thọ Nguyên, Thị trấn Thọ Xuân, Hạnh Phúc, Xuân Trường, Tây Hồ, Xuân Tân. Địa điểm di dời đến chủ yếu trong nội bộ thôn, đến trường học, nội bộ xã, ở lại trên nhà tầng, lên đê và di dời đi xã khác…
Tối 12/10, thiếu tá Lê Hồng Thái, Phó phòng CSGT Công an tỉnh Thanh Hóa, cho hay: “Hiện tuyến Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn nước vẫn còn ngập cục bộ tại một số điểm, gây khó khăn cho các phương tiện tham gia giao thông. Để đảm bảo giao thông thông suốt, ngay trong đêm 11/10, chúng tôi đã huy động lực lượng, thành lập các tổ, chốt điều tiết, phân luồng, phân tuyến và hướng dẫn giao thông, cảnh báo nguy hiểm cho người đi đường. Cơ bản các phương tiện có thể lưu thông qua đoạn đường ngập. Tuyến đường sắt Thống Nhất qua Thanh Hóa đã chính thức thông tuyến. Trước đó, mưa lớn cũng đã gây ngập lụt nhiều vị trí tại khu vực đường sắt Thanh Hóa như: Đồng Giao, Bỉm Sơn, Đò Lèn trên tuyến đường sắt Thống Nhất nên phải dừng nhiều tàu để chờ đường và chuyển tải hành khách”.
Đến thời điểm này, theo ghi nhận tại Thanh Hóa, trời đã ngừng mưa nhưng lũ rút rất chậm. Trước diễn biến thất thường và phức tạp của thời tiết, người dân vẫn đang gồng mình tìm cách đối phó mưa lũ nhất là tình trạng sạt lở đất tại các huyện miền núi.