Petrovietnam: Khép lại 2023, sẵn sàng bứt phá 2024
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) vừa tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024, đánh dấu một năm thành công với những kết quả vượt kỳ vọng. Năm 2023, Petrovietnam không chỉ duy trì sản lượng khai thác ổn định mà còn ghi nhận sự tăng trưởng ấn tượng trong các lĩnh vực chế biến dầu khí, năng lượng tái tạo và đầu tư quốc tế. Đây là minh chứng cho nỗ lực đổi mới, sáng tạo và ứng phó linh hoạt trước những biến động của thị trường năng lượng toàn cầu.
Tham dự Hội nghị còn có các Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc, Ban Kiểm soát, các Ban chuyên môn/Văn phòng Tập đoàn, lãnh đạo các đơn vị thành viên. Hội nghị được triển khai trực tuyến tới các điểm cầu các đơn vị, chi nhánh, dự án, các công trình dầu khí.
Trước những khó khăn, thách thức lớn hơn mọi dự báo, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của lãnh đạo Đảng và Nhà nước, cùng với tinh thần đoàn kết, sức mạnh, bản lĩnh của người lao động dầu khí, Petrovietnam đã thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều giải pháp, xuyên suốt và thống nhất trong toàn hệ thống, cùng sự chung sức, đồng lòng của gần 6 vạn người lao động dầu khí đã đảm bảo duy trì vận hành khai thác các công trình dầu khí, các nhà máy ổn định, an toàn, đạt công suất cao, từ đó hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu nhiệm vụ được được giao, thiết lập những kỷ lục mới về sản xuất kinh doanh trong lịch sử 62 năm truyền thống ngành Dầu khí.
Cụ thể, trong công tác tìm kiếm thăm dò, khai thác dầu khí, Tập đoàn và các đơn vị đã tiếp tục thực hiện thành công, hiệu quả các giải pháp kỹ thuật, nhờ đó hoàn thành kế hoạch gia tăng trữ lượng, có thêm phát hiện dầu khí mới, hạn chế thấp nhất hệ số suy giảm sản lượng dầu, khí của từng lô/mỏ. Gia tăng trữ lượng dầu khí hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 10 ngày, năm 2023 đạt 13,0 triệu tấn, vượt 8,3% kế hoạch năm.
Sản lượng khai thác dầu hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 9 ngày, năm 2023 đạt 10,41 triệu tấn, vượt 12,1% kế hoạch năm. Trong đó, khai thác dầu ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 18 ngày, năm 2023 đạt 8,63 triệu tấn, vượt 14,7% kế hoạch năm, giảm 3,9% so với năm 2022. Đây là mức suy giảm thấp nhất so với mức trung bình của giai đoạn 2020-2022 là 7,0%/năm, giai đoạn 2016-2022 là 10%/năm, thể hiện nỗ lực rất lớn của Tập đoàn trong việc áp dụng hiệu quả giải pháp kỹ thuật để duy trì, ổn định sản lượng khai thác dầu trong bối cảnh của hầu hết các lô/mỏ hiện nay đều suy giảm sản lượng tự nhiên.
Sản lượng khai thác khí đạt 7,47 tỷ m3, vượt 25,7% so với kế hoạch Ủy ban giao, bằng 92% so với khả năng khai thác của Tập đoàn. Hệ thống các đường ống và nhà máy xử lý khí được vận hành an toàn, cung cấp tối đa theo nhu cầu của các hộ tiêu thụ; sản lượng khí khô năm 2023 đạt 7,18 tỷ m3, vượt 23,2% kế hoạch năm Ủy ban giao, bằng 92% so với khả năng cung cấp của Tập đoàn.
Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ là “Tuyệt đối không để xảy ra thiếu điện cũng như lưu ý các giải pháp cụ thể khắc phục các khó khăn về cung ứng điện”, Petrovietnam đã huy động mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ đầu tư đưa vào vận hành an toàn, hoạt động với công suất cao Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 đúng thời điểm nhu cầu phụ tải điện cả nước tăng cao (cuối tháng 4 đến tháng 6/2023). Sản lượng điện năm 2023 toàn Tập đoàn đạt 23,07 tỷ KWh, tăng 31% so với năm 2022.
Trong năm qua, Petrovietnam đã áp dụng các giải pháp tối ưu công nghệ quản trị, nâng cao công suất, hiệu suất hoạt động của các nhà máy, tận dụng tốt thời cơ, mở rộng thị trường cả trong và ngoài nước, gia tăng thị phần kinh doanh xăng dầu ở trong nước, thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao đó là: "Trong mọi tình huống, không để đứt gãy, không để thiếu nguồn cung xăng dầu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội", tạo ra kỷ lục mới về công suất hoạt động các nhà máy lọc hóa dầu, sản xuất phân bón, về sản lượng sản xuất, kinh doanh, về doanh thu.
Các nhà máy đạm hoạt động từ 114-115% công suất. Nhờ đó, sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm trước 1 tháng 2 ngày. Tính chung cả năm, sản lượng đạm sản xuất đạt 1,76 triệu tấn, vượt 10,3% kế hoạch năm, trong đó sản lượng đạm hạt đục đạt 950 nghìn tấn - mức kỷ lục kể từ khi Tập đoàn có tấn sản phẩm đạm hạt đục đầu tiên (ngày 29/01/2012) đến nay.
Các nhà máy lọc dầu hoạt động 105-112% công suất. Sản xuất xăng dầu (không gồm NSRP) hoàn thành kế hoạch Chính phủ giao trước 2 tháng 25 ngày. Tính chung cả năm, sản xuất xăng dầu đạt 7,36 triệu tấn, vượt 33,2% kế hoạch năm, tăng 5,8% so với năm 2022, đạt mức kỷ lục cao nhất kể từ khi Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đi vào vận hành thương mại từ ngày 01/6/2010 đến nay, cao hơn 400 nghìn tấn so với mức kỷ lục năm 2022 đã thiết lập.
Mở rộng hoạt động kinh doanh xăng dầu với 762 cửa hàng xăng dầu vào cuối năm 2023, hoàn thành vượt mức mục tiêu kế hoạch 5 năm trước 2 năm. Kinh doanh xăng dầu toàn Petrovietnam đạt 11,40 triệu tấn, vượt 26% kế hoạch năm, tăng 11,2% so với năm 2022.
Chất lượng hoạt động dịch vụ kỹ thuật dầu khí năm 2023 được nâng cao, đã ký thêm nhiều hợp đồng có giá trị lớn với các đối tác nước ngoài thực hiện dự án công nghiệp - năng lượng tái tạo. Tổng Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC), đơn vị thành viên của Petrovietnam, là nhà đầu tư đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Tài nguyên và Môi trường tin tưởng trao Quyết định chấp thuận hoạt động quan trắc, điều tra, khảo sát, đánh giá tài nguyên biển trên thềm lục địa Việt Nam. Doanh thu khối đơn vị dịch vụ của Tập đoàn năm 2023 đạt 94,4 nghìn tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2022 (80,5 nghìn tỷ đồng).
Kết quả này khẳng định Petrovietnam đã tích lũy đủ nguồn lực, kinh nghiệm để tham gia đầu tư và kinh doanh lĩnh vực công nghiệp - năng lượng tái tạo ở trong nước và quốc tế, đặc biệt là điện gió ngoài khơi.
Nhờ thực hiện tốt công tác quản trị biến động, nâng cao công suất, hiệu suất hoạt động các nhà máy, mở rộng thị trường đặc biệt là thị trường quốc tế nên tất cả các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 đến 5 tháng, tiếp tục thiết lập mức kỷ lục mới về doanh thu sau 62 năm lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam.
Cụ thể, tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt 942,8 nghìn tỷ đồng, vượt 39% kế hoạch năm, cao hơn 11,6 nghìn tỷ đồng so với kỷ lục năm 2022 Tập đoàn thiết lập (931,2 nghìn tỷ đồng), tương đương 9,2% GDP cả nước. Nộp ngân sách Nhà nước toàn Tập đoàn đạt 151,8 nghìn tỷ đồng, vượt 94% lần kế hoạch năm, chiếm khoảng 9,4% tổng thu ngân sách Nhà nước năm 2023. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn hoàn thành kế hoạch cả năm trước 4 tháng; năm 2023 đạt 54,5 nghìn tỷ đồng, vượt 57,0% kế hoạch năm. Tối đa hiệu quả và tối ưu chi phí, thực hành tiết kiệm toàn Tập đoàn năm 2023 đạt 3.072 tỷ đồng, vượt 37% so với kế hoạch.
Quy mô tổng doanh thu năm 2023 tăng 66,6% so với năm 2020 (566 nghìn tỷ đồng). Hệ số khả năng thanh toán nhanh tại thời điểm 31/12/2023 là 4,6 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát là 3,7 lần cho thấy Công ty Mẹ - Tập đoàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển.
Trong công tác đầu tư, giá trị giải ngân năm 2023 đạt trên 31,8 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với thực hiện năm 2022 - mức tăng cao nhất sau nhiều năm gần đây. Các “nút thắt, điểm nghẽn” trong đầu tư của Tập đoàn đã và đang được cấp thẩm quyền xem xét, tháo gỡ, đặc biệt Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc tồn đọng kéo dài tại các dự án trọng điểm giúp hoàn thành đưa vào vận hành thương mại và đẩy nhanh tiến độ như: Dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 vận hành từ 27/4/2023; Kho cảng LNG Thị Vải - kho LNG vận hành từ ngày 30/7/2023; đưa vào hoạt động 04 mỏ/công trình dầu khí mới sớm hơn so với kế hoạch 11 ngày đến 2 tháng (nhiều hơn so với kế hoạch năm 01 công trình); tổ chức ký kết các hợp đồng EPC dự án phát triển mỏ thuộc Chuỗi dự án khí - điện Lô B - Ô Môn sau nhiều năm gián đoạn; triển khai dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy lọc dầu Dung Quất sau khi Thủ tướng Chính phủ chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Quyết định số 482 ngày 5/5/2023.
Về công tác tái cấu trúc doanh nghiệp, Đề án tái cấu trúc lại Tập đoàn đến năm 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1243/QĐ-TTg ngày 25/10/2023. Tập đoàn đã ban hành Nghị quyết của Đảng ủy Tập đoàn, Chương trình hành động của HĐTV Tập đoàn trong đó đã phân công cụ thể trong HĐTV, Ban Tổng Giám đốc để triển khai thực hiện theo tiến độ; đã tổ chức phổ biến chủ trương, mục tiêu, nhiệm vụ tại Quyết định 1243 đến toàn thể Đảng viên, cán bộ, người lao động trong toàn Tập đoàn nhằm tạo sự đồng thuận cao, phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ, đảm bảo chất lượng và tiến độ đã được Thủ tướng Chính phủ giao.
Thành tích đạt được trong năm 2023 của Petrovietnam cũng đến từ kết quả của việc triển khai mạnh mẽ các hoạt động khoa học công nghệ, đào tạo. Việc này đã góp phần nâng cao công suất, hiệu suất hoạt động của các nhà máy, năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm, dịch vụ. Với 17 sáng kiến cấp Tập đoàn, 471 sáng kiến cấp cơ sở được công nhận và được áp dụng vào thực tế sản xuất kinh doanh đã mang lại giá trị trên 1.246 tỷ đồng. Công tác thi đua khen thưởng, thanh tra, kiểm tra giám sát mọi mặt hoạt động từ Tập đoàn đến các đơn vị thành viên được thực hiện nghiêm túc, kịp thời. Công tác an sinh xã hội triển khai theo kế hoạch đề ra với giá trị khoảng 750 tỷ đồng.
Một trong những phương châm hành động trọng tâm của Petrovietnam trong năm 2023 là “Tăng tốc chuyển đổi số” đã được Tập đoàn triển khai hiệu quả, đồng bộ trong toàn hệ thống. Theo đó, Tập đoàn đã hoàn thành số hóa toàn bộ các văn bản và thường xuyên cập nhật trên các ứng dụng AI và tích hợp hệ thống quản trị nguồn doanh nghiệp (ERP); xây dựng cơ sở dữ liệu datawarehouse và kết nối các hệ thống ứng dụng trên nền tảng công nghệ thông tin; xây dựng các nhà máy thông minh; nâng cao trải nghiệm khách hàng; gia tăng sức cạnh tranh và đạt được những lợi ích thiết thực.
Công tác an ninh, an toàn, môi trường trên các công trình dầu khí được đảm bảo. Tập đoàn đã luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các Bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các hoạt động dầu khí trên Biển Đông, góp phần bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa 200 hải lý của Việt Nam.
Những kết quả tăng trưởng trong năm 2023 là kết quả của một quá trình Petrovietnam miệt mài, tâm huyết triển khai phương châm “Quản trị biến động”. Và với thành tựu đã đạt được trong những năm qua, “Quản trị biến động” sẽ tiếp tục đóng vai trò quyết định đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Petrovietnam. Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để Petrovietnam tiếp tục phát triển ổn định, bền vững, vươn xa, hiện thực hóa khát vọng tăng trưởng, xây dựng và phát triển Tập đoàn trở thành Tập đoàn Công nghiệp Năng lượng hàng đầu đất nước, giữ vai trò tiên phong, đảm bảo “Năng lượng cho phát triển”.
Hội nghị đã được nghe Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Ngọc Sơn điều hành tổng kết công tác tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Xuân Huyên, phụ trách Ban Điều hành Petrovietnam điều hành tổng kết về công tác lĩnh vực Khí - Điện - Đạm; Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Phan Tử Giang tổng kết về lĩnh vực Điện - Năng lượng tái tạo; Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Dương Mạnh Sơn tổng kết lĩnh vực tài chính, đầu tư của Tập đoàn và Phó Tổng Giám đốc Petrovietnam Đỗ Chí Thanh tổng kết công tác nội chính; cùng các báo cáo của các Ban chuyên môn Tập đoàn: Điện và Năng lượng tái tạo, Tìm kiếm Thăm dò Dầu khí và tham luận của các đơn vị thành viên: Vietsovpetro, PVEP, BIENDONG POC, PV GAS, PVFCCo, PVCFC, Ban QLDA ĐLDK Long Phú 1, PV Power, PV GAS, BSR, PVOIL,... về những khó khăn, thuận lợi, kế hoạch, mục tiêu đặt ra trong năm 2024.
Kết luận Hội nghị, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng đã ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận tại phiên họp nội bộ Hội nghị Tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024. Đồng chí Lê Mạnh Hùng yêu cầu các đơn vị tập trung quán triệt tinh thần chủ đề năm nay đó là quản trị biến động, tăng cường làm mới các động lực truyền thống, bổ sung các động lực mới nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng của Tập đoàn.
Năm 2024 được đánh giá là năm có nhiều khó khăn ở nhiều phương diện, đó là địa chính trị khó dự báo, kinh tế toàn cầu khó khăn, nợ công cao, tác động đến chi phí chu kỳ kinh tế toàn cầu. Ngoài ra, các vấn đề thị trường dịch vụ, năng lượng khó dự báo… Tuy nhiên, Tập đoàn cũng có những thuận lợi trong năm qua nhờ đẩy mạnh mở rộng quy mô về doanh thu và hạ tầng kinh doanh, các quan hệ ngoại giao giúp mở rộng thị trường, cơ hội cho Tập đoàn, các thể chế, chính sách từng bước tháo gỡ. Với truyền thống hơn 60 năm trưởng thành và phát triển, năm 2024, Tập đoàn phấn đấu đặt mục tiêu về tốc độ tăng trưởng từ 3,5-6% theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, doanh thu đạt trên 970 nghìn tỷ đồng, phấn đấu mục đích đạt 1 triệu tỷ đồng, thúc đẩy đầu tư, tạo động lực tăng trưởng cho phát triển dài hạn.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Petrotvietnam Lê Mạnh Hùng đề nghị toàn Tập đoàn tập trung vào một số nhóm giải pháp, thúc đẩy động lực về văn hóa trên tinh thần kế thừa đà phát triển những năm qua với tinh thần 1 đội ngũ, 1 mục tiêu, tái tạo văn hóa và nâng tầm văn hóa về tăng trưởng, đoàn kết thống nhất, tuân thủ pháp luật, sự phối kết hợp giữa các đơn vị... Cùng với đó, tạo động lực về thể chế trở thành động lực phát triển của Tập đoàn. Muốn làm được điều đó cần cụ thể hóa trong từng lĩnh vực về quản trị doanh nghiệp theo phương châm làm mới động lực cũ để dịch chuyển mô hình kinh doanh.
Tiếp tục khai thác động lực về việc mở rộng quy mô, nâng cao năng suất, hiệu suất, mở rộng thị trường kinh doanh quốc tế dựa trên các quan hệ song phương, đa phương; quản trị đầu tư, danh mục đầu tư các dự án đầu tư, tối ưu các loại chi phí, cuối cùng tập trung hoàn thiện đề án tái cấu trúc đồng bộ với mô hình và hệ thống quản trị của Tập đoàn. Đồng chí Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu tổng hợp các ý kiến, xây dựng kế hoạch chi tiết nhằm triển khai hoàn thành xuất sắc các công việc, kế hoạch đã đề ra.
Năm 2024, Petrovietnam xây dựng và đặt ra mục tiêu với quyết tâm thực hiện cao hơn, áp lực cao hơn so với kế hoạch (KH) 2023, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng liên tục và phát triển bền vững, cụ thể:
Gia tăng trữ lượng dầu khí toàn Tập đoàn: 12-18 triệu tấn quy dầu, cao hơn 2-4 triệu tấn quy dầu so với KH 2023 (8-16 triệu tấn quy dầu);
Khai thác dầu: 8,20 -8,98 triệu tấn, phấn đấu đạt tương đương KH 2023 (9,29 triệu tấn), trong đó dầu thô trong nước 6,71 -7,41 triệu tấn, dầu ở nước ngoài là 1,49 -1,57 triệu tấn;
Khai thác khí: 5,10- 7,50 tỷ m3; phấn đấu thực hiện trên 7,50 tỷ m3 nếu công nghiệp điện huy động khí tối đa.
Sản xuất đạm: 1,74 triệu tấn, cao hơn 140 nghìn tấn so với KH 2023 (1,60 triệu tấn).
Sản xuất điện: 27,78 tỷ kWh, cao hơn 3,78 tỷ kWh so KH 2023 (24 tỷ kWh),
Sản xuất xăng dầu (không gồm Nghi Sơn): 5,79 triệu tấn, cao hơn 266 nghìn tấn so với KH 2023 (5,52 triệu tấn).
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn là 734,2 nghìn tỷ đồng, cao hơn 56,5 nghìn tỷ đồng so với KH 2023 (677,7 nghìn tỷ đồng);
Nộp NSNN toàn Tập đoàn là 94 nghìn tỷ đồng, cao hơn 15,6 nghìn tỷ đồng so với KH năm 2023 (78,3 nghìn tỷ đồng) theo đúng chỉ đạo của Chính phủ tại văn bản số 9709 ngày 12/12/2023 đó là “đóng góp cho NSNN cao nhất có thể”;
Lợi nhuận trước thuế hợp nhất Tập đoàn: 22,0 nghìn tỷ đồng.