Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng kết năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng 21/12, tại Hà Nội, Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ mới.
Hội nghị có sự tham dự, chỉ đạo của đồng chí Trần Hồng Hà, Ủy viên BCH TW Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội; Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường…
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho hay: Năm 2024 được Chính phủ xác định là năm bứt phá, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển Kinh tế xã hội 5 năm 2021 - 2025, tạo động lực cho các năm tiếp theo để thực hiện thành công các mục tiêu kế hoạch 05 năm 2021-2025.
Bám sát chủ đề điều hành của Chính phủ “Kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững”, xác định ý nghĩa then chốt của năm 2024 và để thực hiện Nghị quyết số 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngay từ đầu năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nỗ lực tập trung triển khai thực hiện tốt nội dung các Nghị quyết của Chính phủ, các chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là tập trung xây dựng và triển khai thực hiện Chương trình hành động của Ngành tài nguyên và môi trường (TN&MT) thực hiện các Nghị quyết: số 01/NQ-CP và số 02/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ.
Theo đó, Bộ TN&MT đã có những kết quả nổi bật trong 11 lĩnh vực năm 2024 bao gồm:
1-Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật.
2-Đẩy mạnh cải cách hành chính; đơn giản hóa, nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính.
3-Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra.
4-Tích cực, chủ động, thực hiện hiệu quả công tác đối ngoại.
5-Đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học.
6-Quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
7-Chủ động phòng ngừa, kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây nguy cơ ô nhiễm.
8-Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác các hiện tượng thời tiết cực đoan.
9-Triển khai các chủ trương, giải pháp chuyển đổi xanh, giảm phát thải, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
10-Thực hiện nhiệm vụ quản lý biên giới, địa giới; tập trung hiện đại hóa công tác quản lý dữ liệu thông tin địa lý quốc gia.
11-Ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ quản lý, giám sát TN&MT.
Trong năm 2024, theo chỉ đạo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, toàn Ngành đã rất nỗ lực, quyết liệt trong giải quyết công việc, bảo đảm các hoạt động quản lý nhà nước của Bộ, của Ngành được nhịp nhàng, thông suốt, đặc biệt trong bối cảnh Bộ có sự thay đổi, chuyển giao lãnh đạo.
Bước sang 2025, Ngành TN&MT đặt mục tiêu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đã đặt ra từ đầu nhiệm kỳ 2021 - 2025 với tinh thần: “Mục tiêu, nhiệm vụ nào chưa hoàn thành thì phải hoàn thành; mục tiêu, nhiệm vụ nào đã hoàn thành rồi thì phải tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả”.
Chính sách, pháp luật được hoàn thiện, bao quát toàn diện các lĩnh vực của Ngành; tổ chức bộ máy được sắp xếp, kiện toàn tinh gọn, hoạt động hiệu quả; chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu về TN&MT được đẩy mạnh, phục vụ tốt cho công tác quản lý nhà nước của Bộ và các địa phương; các nguồn lực tài nguyên được quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững; chất lượng môi trường được cải thiện, kiểm soát tốt các nguồn gây ô nhiễm; chủ động, linh hoạt trong huy động các nguồn lực ứng phó với biến đổi khí hậu; dự báo, cảnh báo chính xác, kịp thời tình hình khí tượng và các hiện tượng thời tiết cực đoan để chủ động phòng, chống, ứng phó.
Đặc biệt, năm giải pháp đột phá quan trọng được đưa ra đó là:
Một là, tập trung thực hiện sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương và Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW.
Hai là, tiếp tục cải cách, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật để phát huy nguồn lực về tài nguyên và môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Ba là, hoàn thiện và vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đẩy mạnh chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ.
Bốn là, tạo sự chuyển biến căn bản về tư duy và hành động đối với công tác bảo vệ môi trường. Cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường ở các lưu vực sông và ô nhiễm không khí tại các đô thị.
Năm là, tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu; thực hiện chuyển đổi xanh nhằm hướng tới kinh tế tuần hoàn và kinh tế các-bon thấp để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.