Luật Tư pháp người chưa thành niên: Quy định thân thiện, nhân văn, tiến bộ
Theo ông Lê Thế Phúc, Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học TANDTC, khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành nhiều quy định thân thiện, nhân văn, tiến bộ được thế giới và thông lệ quốc tế áp dụng sẽ được áp dụng xét xử với người chưa thành niên phạm tội và đối tượng người chưa thành niên khác tham dự phiên tòa...
Chiều 20/12, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Tư pháp người chưa thành niên.
Luật Tư pháp người chưa thành niên áp dụng với người chưa thành niên bị buộc tội
Trả lời báo chí về sự khác nhau giữa các biện pháp xử lý chuyển hướng được quy định trong Luật Tư pháp người chưa thành niên và các biện pháp xử lý hành chính quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính, ông Phúc cho biết, về tên gọi "có trùng nhau".
Tuy nhiên, về phạm vi, đối tượng điều chỉnh của 2 luật này "rất khác nhau". Các biện pháp này, trong Luật Tư pháp người chưa thành niên áp dụng với người chưa thành niên bị buộc tội. Còn với Luật Xử lý vi phạm hành chính áp dụng với các chủ thể vi phạm hành chính.
Do đó, dù tên gọi có thể trùng nhau ở một số biện pháp như: Giáo dục tại xã, phường, thị trấn và giáo dục tại trường giáo dưỡng. "Tuy nhiên, mục đích, đối tượng, điều kiện và nguyên tắc áp dụng với các biện pháp này với các chủ thể là khác nhau. Tuy trùng tên gọi nhưng đối tượng xử lý khác nhau".
Quy định rất đầy đủ, có hệ thống về thủ tục tố tụng thân thiện
Về thủ tục tố tụng thân thiện quy định trong Luật Tư pháp người chưa thành niên liên quan đến Tòa gia đình và người chưa thành niên được tổ chức tại các TAND, ông Phúc thông tin thêm với báo chí, Luật Tư pháp người chưa thành niên "đã quy định rất đầy đủ, có hệ thống về thủ tục tố tụng thân thiện tại chương 7, chương 8 của Luật".
Theo đó, các thủ tục tố tụng thân thiện được áp dụng với người chưa thành niên được chia thành 2 nhóm đối tượng. Đó là, thủ tục tố tụng thân thiện được áp dụng với người chưa thành niên là người bị tố giác; kiến nghị khởi tố; giữ trong trường hợp khẩn cấp và người bị buộc tội.
Ngoài ra, thủ tục tố tụng thân thiện được áp dụng với người chưa thành niên còn là người bị hại và người làm chứng; Bên cạnh đó, quy định thủ tục tố tụng thân thiện trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử; trong áp dụng các biện pháp ngăn chặn, cưỡng chế với người chưa thành niên bị buộc tội.
Trong các giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử, Luật quy định rất nhiều biện pháp, quy định thân thiện, nhân văn với người chưa thành niên. Đặc biệt, Luật dành mục riêng quy định về thủ tục xét xử thân thiện.
"Thủ tục xét xử thân thiện này được áp dụng trong quá trình Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử vụ án có người chưa thành niên tham gia; Trên thực tế, các Tòa gia đình và người chưa thành niên được thành lập, đã xét xử rất nhiều vụ án liên quan đến người chưa thành niên.
Khi Luật Tư pháp người chưa thành niên có hiệu lực thi hành nhiều quy định thân thiện, nhân văn, tiến bộ được thế giới và thông lệ quốc tế áp dụng sẽ được áp dụng xét xử ở Tòa án này với người chưa thành niên phạm tội và đối tượng người chưa thành niên khác tham dự phiên tòa"- ông Phúc nhấn mạnh.