Mưa lũ diện rộng, nhiều nơi ngập sâu trong nước

Đời sống - Ngày đăng : 14:43, 10/10/2017

Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, các tỉnh miền Trung đã có mưa lớn trên diện rộng, nhiều nơi bị cô lập do mưa lũ.

* Tại Hà Tĩnh, mưa lớn ở Hương Sơn đã làm hai nhà dân bị sập, đất đá rơi vào nhà, rất may không có thiệt hại về người. Cụ thể, sáng 10/10, mưa lớn đã khiến nhà của ông Lê Văn Lợi (ở thôn 9, xã Sơn Giang) bị sập, đến trưa 10/10, tiếp tục ngôi nhà của ông Hồ Văn Thân, ở xã Sơn Lĩnh cũng bị đổ sập, hư hỏng hoàn toàn do mưa lũ.

Mưa lũ diện rộng, nhiều nơi ngập sâu trong nước

Nhà dân bị sập do ảnh hưởng của mưa lũ

Để hỗ trợ người dân, chính quyền các xã đã huy động lực lượng cùng máy móc xuống giúp người dân di chuyển đất đá, di dời người dân đến nơi an toàn. Ngoài ra các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tiến, Sơn Lễ… đã chủ động di dời 38 hộ dân với 104 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm.

Mưa lớn kéo dài cũng đã làm vỡ đập thuỷ lợi Cố Châu ở thôn Hồng Tiên, xã Gia Hanh, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh có dung lượng 5 triệu m3 bị vỡ, khiến nhiều xã trên địa bàn tỉnh này ngập sâu.

Ông Phan Văn Sơn, Chủ tịch UBND xã Gia Hanh, cho hay: "Do mưa lớn kéo dài, cộng theo thân đập đã yếu nên vào khoảng 9 giờ tối 9/10 đã xảy ra tình trạng vỡ hoàn toàn thân đập. Đập Cố Châu có dung tích 5 triệu m3, dùng để phục vụ cho công tưới tiêu của xã và một phần của xã Thượng Lộc. Đập vỡ khiến gần 300 ha hoa màu của bà con bị hư hại hoàn toàn, rất may không có thiệt hại về người".

Mưa lũ diện rộng, nhiều nơi ngập sâu trong nước

Đập thủy lợi Cố Châu bị vỡ khiến nhiều xã bị ngập sâu

Cũng trong sáng 10/10, ông Nguyễn Quang Thọ, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn, cho biết hiện tại địa bàn huyện có 8 xã bị cô lập về giao thông. Các xã Phương Điền, Phương Mỹ thuộc huyện Hương Khê và xã Đức An, Đức Dũng thuộc huyện Đức Thọ, mưa lớn đã làm ngập cục bộ tại các xã này, khiến việc đi lại của người dân vô cùng khó khăn.

Trong sáng nay, thủy điện Hố Hô ở huyện Hương Khê, Hà Tĩnh vẫn đang xả 3 cửa với lượng nước đổ ra rất mạnh. Hiện nước sông Ngàn Sâu đang dâng, trong khi thủy điện Hố Hô vẫn đang điều tiết xả sẽ tiếp tục gây ngập lụt diện rộng thêm.

* Tại Thanh Hóa, mưa lớn kéo dài từ tối 9 đến sáng 10/10 khiến các tuyến phố Dương Đình Nghệ, Phan Chu Trinh, Tô Vĩnh Diện, Triệu Quốc Đạt , Nguyễn Trường Tộ... của TP Thanh Hóa bị ngập nặng.

Đường Bà Triệu, tuyến huyết mạch của TP Thanh Hóa, nước ngập sâu khiến giao thông rối loạn. Lúc 8h30 sáng, trời tối sầm khiến nhiều phương tiện phải bật đèn đi trong phố.

Mưa lũ diện rộng, nhiều nơi ngập sâu trong nước

Nước lũ lên cao, khiến các phương tiện di chuyển rất khó khăn

Tại đường Phan Chu Trinh (trước quảng trường Lam Sơn - hướng về Ga Thanh Hóa) - nước ngập sâu hơn nửa bánh ôtô. Cơ quan chức năng phải căng dây cảnh báo độ ngập sâu để các phương tiện không đi qua tuyến đường này.

Thông tin từ UBND xã Tượng Sơn (huyện Nông Cống, Thanh Hóa) cho biết, do xả hồ Yên Mỹ từ ngày 7/10, cộng thêm mưa lớn kéo dài nên xã Tượng Sơn bị ngập lụt diện rộng. Tổng số dân bị ngập lên đến gần 2.000. Trong đó, thôn Bồng Sơn có 241 hộ, một phần thôn Cát Lễ 30 hộ, Kén Thôn 186 hộ và Vân Thạch 6 hộ.

* Tại Quảng Bình, do mưa lớn, nước dâng cao, nhiều nơi trên địa bàn huyện Minh Hóa (tỉnh Quảng Bình) bị ngập sâu và cô lập như: thôn Kim Bảng ở xã Minh Hóa; Xã Tân Hóa với 4 điểm chia cắt; Đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa cũng bị cách biệt với bên ngoài do nước. Các bản làng trên tuyến đường vào bản Lòm ở xã Trọng Hóa cũng bị chia cắt nhiều điểm. 

Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, từ ngày 10/10 đến ngày 11/10, trên lưu vực sông Thao, sông Lô, sông Hoàng Long và thượng lưu sông Thái Bình có khả năng xuất hiện 1 đợt lũ nhỏ với biên độ lũ lên từ 1-3m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng cục bộ ở vùng trũng thấp tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 1-2.

Sáng sớm nay (10/10), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đi vào khu vực đất liền Hà Tĩnh-Quảng Bình. Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Ba Đồn (Quảng Bình) có gió giật cấp 7, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) giật cấp 9, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) giật cấp 8.

Hoàn lưu của ATNĐ kết hợp với gió Đông gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 ở Văn Lý (Nam Định), vùng ven biển khác của Nam Định, Thái Bình và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 8.

Ở Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Ngãi trong 2 ngày qua đã có mưa vừa, mưa to; khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, các tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên Huế có mưa rất to với lượng mưa từ 100-200mm, một số nơi có mưa lớn hơn như Tp.Vinh (Nghệ An) 280mm, Hương Sơn (Hà Tĩnh) 410mm, Tuyên Hóa (Quảng Bình) 290mm,…

Hồi 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) nằm trên khu vực Trung-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Dự báo trong 12 giờ tới, ATNĐ di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 25km, tiếp tục đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Đông, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (bao gồm các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.

Dự báo mưa lớn trên đất liền: Ở các tỉnh từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh, khu vực Nam Đồng Bằng Bắc Bộ, Hòa Bình, Phú Thọ, Yên Bái và Nam Sơn La có mưa vừa đến mưa to.

Khu vực Hà Nội từ sáng nay đến hết ngày mai (11/10) tiếp tục có mưa vừa đến mưa to (40-70mm).

Duy Uyên(TH)