Giữ vững bình yên trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc - Bài 2: Những chiến công không tiếng súng
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia dân tộc; duy trì thực hiện nghiêm chế độ trực sẵn sàng chiến đấu, đấu tranh có hiệu quả các loại tội phạm, vi phạm pháp luật… qua đó lập nhiều chiến công và vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì.
Vừa thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo quốc gia, vừa bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc, đồng thời sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường.... cán bộ, chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn nỗ lực không ngừng, vượt mọi khó khăn... xứng đáng là lực lượng nòng cốt "canh giữ" vùng biển Tây Nam.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đóng quân trên địa bàn thành phố Phú Quốc (Kiên Giang), được giao nhiệm vụ quản lý vùng biển từ Bắc cửa Định An (Trà Vinh) đến Hà Tiên (Kiên Giang), khu vực đơn vị quản lý có vùng biển giáp ranh với các nước: Campuchia, Thái Lan, Indonesia và Malaysia.
Một trong những nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 là bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trên vùng biển Tây Nam.
Thời gian qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã luôn giữ vững chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia thông qua việc kiểm soát các hoạt động của các tàu thuyền nước ngoài trên biển đi qua khu vực lãnh hải, đi qua vùng biển của ta.
Ngoài ra, lực lượng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 còn thực hiện nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại các khu vực bãi cạn Ba Kè, Bắc đảo Phú Quốc, đảo Thổ Chu, khu vực thềm lục địa phía Nam, vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước Malaysia, Thái Lan kết hợp tuần tra kiểm soát, thực thi pháp luật bảo vệ chủ quyền, phòng chống khai thác IUU và nắm tình hình trên biển.
“Khi tàu của ngư dân ta gặp tàu của Malaysia tuần tra, kiểm soát trên vùng biển chồng lấn thì lực lượng phía Malaysia lại khẳng định đây là vùng biển của họ và bắt giữ các tàu của ta. Ngay lúc này, lực lượng Cảnh sát biển phải bảo vệ ngư dân và giải thích cho phía bạn biết là đây là vùng biển chồng lấn, chưa phân định được giữa hai nước, thế nên hoạt động tàu cá của ta trên đó là hợp pháp.
Nếu lực lượng chức năng của ta không hiện diện ở đó thì ngư dân của mình rất dễ bị lực lượng nước bạn bắt giữ trái quy định, cho rằng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép, vừa ảnh hưởng quyền lợi của bà con ngư dân, vừa ảnh hưởng đến công tác đấu tranh, phòng chống khai thác IUU của ta”, Đại tá Nguyễn Văn Tranh chia sẻ.
Đại tá Nguyễn Văn Tranh cho biết thêm, đối với vùng biển giáp với Malaysia, có vùng chồng lấn 2 nước hiện nay chưa phân được rõ ràng cũng như giống như vùng nước lịch sử giữa Việt Nam và Campuchia. Về nguyên tắc thì ngư dân hai bên đều được khai thác hợp pháp trên vùng nước này.
“Lực lượng chức năng của ta phải nắm chắc và làm chủ tình hình, kịp thời bảo vệ chủ quyền, lợi ích hợp pháp của bà con ngư dân, mà nếu ta không nắm chắc, bám sát thì rất dễ các tàu hoạt động hợp pháp của ta bị lực lượng nước bạn bắt giữ, xử phạt. Chính vì vậy, chúng tôi luôn tăng cường chỉ đạo tuần tra, kiểm tra, kiểm soát để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của bà con ngư dân đồng thời bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”, Đại tá Nguyễn Văn Tranh thông tin.
Ngoài nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 còn thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát các tàu vi phạm liên quan đến mua bán, vận chuyển hàng hóa; đồng thời nắm tình hình hoạt động của các tàu, các lực lượng ở khu vực giáp ranh, không để cho tàu của nước ngoài vi phạm vùng biển của ta; cũng như bắt giữ trái phép các tàu cá Việt Nam đang khai thác hợp pháp trên biển.
Nhằm tăng cường công tác quản lý, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trên vùng biển, hiện nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 có đường dây nóng với Sở Chỉ huy chiến thuật tiền phương Campuchia để kịp thời trao đổi để giải quyết những vi phạm ngay trên biển.
Đối với nhà giàn DK1, hiện nay, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 được giao một tàu thường xuyên tuần tra, kiểm tra, kiểm soát; phối hợp bảo vệ chủ quyền, các công trình trên biển.
Nhận thức rõ tầm quan trọng và vị trí đặc biệt quan trọng trong công tác bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán… bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của ngư dân trên vùng biển Tây Nam, những năm qua, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 luôn tăng cường công tác giáo dục chính trị tư tưởng, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ, chiến sĩ thực thi nhiệm vụ trên biển.
Nhiều cán bộ, chiến sĩ đã không quản ngày đêm, sẵn sàng lên đường nhận nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc công việc được giao.
Chia sẻ với phóng viên sau chuyến đi biển dài ngày trở về, trên gương mặt vẫn còn hằn nguyên “nắng, gió và sự mặn mòi của biển”, Thượng úy Hoàng Văn Thành, Chính trị viên tàu CSB 9003 (Hải đội 401, Bộ Tư lệnh Vùng cảnh sát biển 4) cho biết, tàu CSB 9003 làm nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu tại khu vực nhà dàn DK1, trung bình một đợt trực sẵn sàng chiến đấu tại đây diễn ra từ 65 đến 70 ngày, có thời điểm trực từ 90 đến 100 ngày.
Nhiệm vụ chính của lực lượng cảnh sát biển trực tại khu vực nhà dàn DK1 là bảo vệ và phối hợp với các lượng khác như: Hải quân, Kiểm ngư… bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam.
Trung bình mỗi cán bộ, chiến sĩ một năm trung bình 200 đến 250 ngày trực tuần tra, kiểm soát, sẵn sàng chiến đấu trên biển. Riêng Thượng úy Hoàng Văn Thành trong năm 2023, có 315 ngày thực hiện nhiệm vụ trên biển.
Khi thấy tàu lạ mang biển số nước ngoài xâm phạm, vào hải phận Việt Nam họ thả neo cách nhà dàn DK 1 khoảng 10 - 12 hải lý, lực lượng Cảnh sát biển phát loa tuyên truyền bằng bằng ba thứ tiếng Việt, Anh, Trung để những tàu lạ di chuyển ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Thượng úy Hoàng Văn Thành cho biết thêm, tàu CSB 9003 có công suất 3.500 CV, thời gian hoạt động trên biển dài ngày.
Có thể hoạt động ở mọi điều kiện thời tiết, tuy nhiên khi có gió mạnh cấp 4 trở lên tàu rung lắc rất mạnh làm cho những cán bộ, chiến sĩ có “thâm niên” đi biển cũng bị say sóng trước những con sóng, đợt gió hung dữ giữa biển khơi.
“Việc say sóng, thời tiết khắc nghiệt, anh em trên tàu đều cố gắng vượt qua. Tuy điều kiện công tác có phần khó khăn nhưng anh em luôn nhận được sự quan tâm và lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện, sâu sát của cấp ủy, chỉ huy các cấp trong toàn Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, nên anh em đều phấn khởi, yên tâm công tác, quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ trực sẵn sàng chiến đấu, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, duy trì thực thi pháp luật để góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển, đảo được phân công quản lý”, Thượng úy Hoàng Văn Thành chia sẻ.
Đại úy, QNCN Đoàn Đức Trì (Khẩu đội trưởng tàu CSB 3008, Hải đội 442, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4), là một trong những cán bộ, chiến sĩ có "thâm niên" đi biển của đơn vị, anh đã có hơn 25 năm "bồng bềnh" cùng con sóng, ngọn gió để thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ chủ quyền vùng biển Tây Nam cũng như đấu tranh, phòng chống tội phạm....
Có những chuyến thực hiện nhiệm vụ trên biển dài ngày trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, thiếu thốn nhu yếu phẩm sinh hoạt nhưng Đại úy, QNCN Đoàn Đức Trì cùng cán bộ, chiến sĩ tàu CSB 3008 luôn vững chí, đồng lòng, nỗ lực vượt khó khăn để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao...
Đại tá Nguyễn Thái Dương, Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, trong năm 2024, Đảng ủy - Thủ trưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã lãnh đạo, chỉ đạo đơn vị nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, kiên quyết, triệt để trong triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó có nhiều nhiệm vụ hoàn thành xuất sắc, khẳng định được vai trò nòng cốt trong thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Công tác huấn luyện chiến đấu duy trì có nền nếp, chất lượng, hiệu quả đảm bảo 100% nội dung, thời gian huấn luyện, quân số tham gia đạt trên 98,63%. Tổ chức tốt các cuộc diễn tập bảo đảm chất lượng, an toàn tuyệt đối. Tham gia các hội thi, hội thao các cấp đạt kết quả cao.
Cuộc diễn tập được tổ chức với mục tiêu nâng cao chất lượng tổng hợp, khả năng tổ chức chỉ huy, điều hành của đội ngũ cán bộ các cấp, trình độ kỹ - chiến thuật, hiệp đồng tác chiến, khai thác sử dụng vũ khí, trang bị của cán bộ, chiến sĩ.
Nội dung diễn tập được Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 triển khai toàn diện, trong đó trọng tâm chuyên sâu là kết hợp thực hành huấn luyện chiến thuật, xử lý các tình huống giả định của đơn tàu, biên đội tàu Cảnh sát biển.
Ngoài "trận địa" chấp pháp, Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 còn thực hiện tốt "trận địa" cứu hộ, cứu nạn. Đơn vị đã sử dụng 11 lượt tàu, hỗ trợ y tế 8 ngư dân, hỗ trợ khắc phục sự cố 3 tàu cá, sử dụng 01 lượt tàu tham gia tìm kiếm cứu nạn, tham gia 2 vụ chữa cháy rừng.
Bất cứ lúc nào nhận được lệnh điều động cứu hộ cứu nạn, cán bộ chiến sĩ Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đều sẵn sàng lên đường vì đối với mỗi người lính, đây là "mệnh lệnh" từ trái tim.
Việc giáo dục chính trị, tư tưởng, tuyên truyền phổ biến pháp luật luôn được Đảng ủy, Thủ tưởng Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 quan tâm, chỉ đạo sát sao. Một trong những mô hình thành công và tạo tiếng vang lan tỏa sâu rộng của Vùng Cảnh sát biển 4 chính là Cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương".
Với mong muốn lan tỏa mạnh mẽ tinh thần yêu nước, yêu biển, đảo quê hương, tuyên truyền sâu rộng những kiến thức về lịch sử dựng nước, giữ nước của dân tộc Việt Nam; truyền thống của Quân đội nhân dân, Cảnh sát biển Việt Nam, từ mô hình "Em yêu biển, đảo quê hương" nằm trong chương trình "Cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân" được tổ chức lần đầu vào năm 2013 đến năm 2019 đã trở thành cuộc thi.
Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tổ chức 27 cuộc thi (trực tuyến kết hợp trực tiếp), tại 163 trường THCS trên địa bàn 24 huyện, thành phố, thị xã của 4 tỉnh: Kiên Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau; đã thu hút trên 250.000 lượt học sinh, giáo viên tham gia.
Năm 2024, Cuộc thi "Em yêu biển, đảo quê hương" đã được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng phê duyệt đề án, nâng lên cấp quốc gia. Điều này là minh chứng rõ nét cho sự thành công và ý nghĩa của cuộc thi mang lại trong công tác tuyên truyền, giáo dục.
Những chiến công trên "trận đia" bảo vệ chủ quyền, giáo dục chính trị, tư tưởng.... là tiền đề và là điểm nhấn quan trọng để lực lượng Cảnh sát biển Vùng 4 liên tiếp lập chiến công trên "trận địa" chấp pháp, thực thi pháp luật trên biển.
Thực hiên: Nhóm PV Tây Nam Bộ
Bài 3: "Hành quân" giữa biển cả mênh mông