Kinh tế

Năm 2024, ngành logistics Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ

Trang Nguyễn 18/12/2024 - 16:33

Tính từ đầu năm 2024 đến nay, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% đạt trên 570 triệu tấn hàng. Trong số đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn.

Logistics là một ngành dịch vụ quan trọng, hỗ trợ, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Việt Nam được đánh giá là có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành dịch vụ logistics với hạ tầng giao thông đường bộ, cảng hàng không, cảng biển, kho bãi, hạ tầng thương mại, trung tâm logistics không ngừng được mở rộng với quy mô lớn, rộng khắp. Các dịch vụ đi kèm đã, đang đáp ứng kịp thời những yêu cầu hết sức đa dạng của thị trường.

a2.jpeg

Tính từ đầu năm tới nay, tổng sản lượng hàng hóa vận chuyển thông qua các cảng biển ước tính tăng khoảng 14% đạt trên 570 triệu tấn hàng. Trong số đó, hàng khô và container chiếm tỷ trọng lớn, với sản lượng xử lý lần lượt đạt hơn 321 và 191 triệu tấn.

Ngoài ra, là sự mở rộng của các khu công nghiệp, vốn đóng vai trò trung tâm trong chuỗi cung ứng xuất khẩu, cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu logistics.

Ngành logistics Việt Nam cũng đang có những bước chuyển mình quan trọng nhờ vào sự đồng hành và hỗ trợ từ Chính phủ.

Chính phủ chủ trương tập trung cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là hải quan và các cơ quan kiểm tra chuyên ngành nhằm giúp giảm thời gian và chi phí cho doanh nghiệp. Các cảng biển chiến lược như Lạch Huyện (Hải Phòng) và Cái Mép- Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu) tiếp tục được đầu tư nâng cấp, tạo động lực thúc đẩy vận tải biển, một trong những phân khúc chủ lực của logistics.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, và hệ thống quản lý chuỗi cung ứng (SCM) đã được khuyến khích mạnh mẽ, nâng cao năng suất và hiệu quả quản lý.

Ngoài ra, các chính sách xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư quốc tế và tận dụng lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới cũng đang được Chính phủ tích cực triển khai.

Những nỗ lực này không chỉ thúc đẩy phát triển các trung tâm logistics ứng dụng công nghệ cao mà còn tạo ra các chuỗi cung ứng hiện đại, gia tăng giá trị cho dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.

Tốc độ phát triển ngành logistics ở Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam hiện đứng thứ 43/155 nước về hiệu quả logistics và thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu khu vực ASEAN.

Năm 2023, cả nước có 7.919 doanh nghiệp logistics thành lập mới; đến nay toàn thị trường có hơn 5.000 doanh nghiệp logistics. Một số doanh nghiệp đã chứng minh khả năng cạnh tranh khu vực, quốc tế. Việt Nam đứng đầu ASEAN về số doanh nghiệp được cấp phép vận chuyển đường biển đi và đến Hoa Kỳ.

9 tháng của năm 2024, cả nước có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 36,55 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28,9 nghìn lao động, tăng 13,5% về số doanh nghiệp, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023.

Khảo sát của Vietnam Report cho thấy, cộng đồng doanh nghiệp logistics lạc quan về triển vọng năm 2025 sẽ tiếp tục đà phục hồi của năm 2024. Ở góc nhìn chung về toàn ngành logistics, với 29,4% nhận định khả quan hơn một chút và 11,8% đánh giá khả quan hơn rất nhiều.

Đối với các doanh nghiệp, có 64,7% nhận định tình hình sẽ khả quan hơn một chút và 17,6% đánh giá rất khả quan. Chỉ 5,9% dự báo khó khăn hơn rất nhiều, cho thấy niềm tin vào sự phục hồi mạnh mẽ và bền vững của ngành.

Điều này phản ánh niềm tin không chỉ vào cải thiện nội tại của doanh nghiệp mà còn từ sự hỗ trợ của chính sách chính phủ và xu hướng tăng trưởng thương mại quốc tế.

Kỳ vọng vào năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, ngành logistics đang tận dụng cơ hội từ quá trình chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ để củng cố vai trò huyết mạch trong nền kinh tế.

Trang Nguyễn