Văn hóa - Du lịch

Tìm giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam

Hải Thanh 17/12/2024 - 22:04

Sáng 17/12, Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam tổ chức Hội nghị Cơ chế, chính sách và giải pháp thu hút đầu tư. Tham dự có đại diện một số vụ, cục Bộ Văn hóa, Du lịch và Thể thao, một số doanh nghiệp, nhà đầu tư, nhà quản lý về quy hoạch...

Hội nghị Cơ chế chính sách và giải pháp thu hút đầu tư vào Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu xúc tiến đầu tư vào Làng.

Đây là một trong những hoạt động thường niên của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, xuất phát từ mục đích, yêu cầu cụ thể hóa các chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa con người Việt Nam, đặc biệt là huy động được các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa nói chung và đầu tư cho xây dựng, hoàn thiện và phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng cũng như các khu chức năng của Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam theo quy hoạch nói riêng.

1(3).jpg
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết, thời gian vừa qua, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam luôn được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm chỉ đạo triển khai rất nhiều hoạt động xuất phát từ vị trí yêu cầu chức năng mà Đảng, Nhà nước đã giao cho ngay từ khi mới thành lập.

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam được xây dựng với hai mục tiêu cơ bản là trở thành một trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch quốc gia để tập trung tái hiện, gìn giữ, phát huy và khai thác các di sản văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam và đáp ứng các nhu cầu về vui chơi, giải trí hoạt động thể thao văn hóa cho nhân dân trong nước và du khách quốc tế.

Theo Thứ trưởng, với sự quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam đã có nhiều đổi mới sáng tạo để phát huy lợi thế vị trí địa lý đáp ứng nhu cầu hưởng thụ của người dân và vai trò bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của cộng đồng dân tộc các địa phương.

2(3).jpg
Quang cảnh hội nghị.

Để giải quyết được những thách thức đặt ra đối với Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trong việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển trong thời gian tới, các đại biểu, các doanh nghiệp đã có nhiều ý kiến thảo luận, đóng góp ý kiến và đề xuất về cơ chế ưu đãi thuận lợi và tiềm năng phát triển đầu tư tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, giải pháp tháo gỡ khó khăn và thu hút đầu tư...

goc-cum-lang-ii.png
Một góc không gian Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.

Ông Trịnh Ngọc Chung, quyền Trưởng ban Ban quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, thời gian tới, Ban quản lý sẽ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch báo cáo cấp có thẩm quyền giải quyết dứt điểm vướng mắc trong cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư tìm hiểu, định hướng đầu tư vào các khu chức năng của Làng.

Mục tiêu chung là các khu chức năng được đầu tư một cách đồng bộ, phát huy hiệu quả, để Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, thể thao du lịch mang tầm quốc gia. Có thể nói, đây là mô hình mang tính chiến lược của Đảng và Nhà nước trong gìn giữ bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, thông qua các hoạt động văn hóa, để văn hóa là sợi dây gắn kết giữa các cộng đồng các dân tộc, thực hiện chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc.

Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nằm trong khu vực Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội với tổng diện tích 1.544ha, trong đó 605ha đất và 939ha đất có mặt nước. Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nhiều hạng mục Nhà nước đã đầu tư xây dựng.

Đây là dự án mở, có giá trị di sản với quy mô lớn, là quần thể đa dạng với nhiều khu chức năng đan xen giữa văn hóa, du lịch, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí.

Quy hoạch chung của Làng gồm 7 khu chức năng: Khu trung tâm thể thao, vui chơi giải trí (125,22ha); Khu các làng dân tộc (198,61ha); Khu di sản văn hóa thế giới (46,50ha); Khu dịch vụ du lịch tổng hợp (138,89ha); Khu công viên bến thuyền (341,53ha); Khu cây xanh mặt nước hồ Đồng Mô (600,9ha); Khu quản lý điều hành văn phòng (78,5ha).

Hải Thanh