Tài chính - Ngân hàng

Cải thiện chất lượng tín dụng, thị trường bất động sản phát triển bền vững

Văn Kỳ 17/12/2024 - 10:40

Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là công cụ điều tiết quan trọng đối với ngành ngân hàng, ngành bất động sản, đồng thời góp phần giúp nền kinh tế phát triển lành mạnh, bền vững hơn.

Ngày 28/3/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02/2023/TT-NHNN quy định về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2021/TT-NHNN liên quan đến cơ chế quản lý rủi ro tín dụng đối với các khoản vay bất động sản và các dự án phát triển nhà ở. Mục tiêu chính của Thông tư 02 là cải thiện chất lượng tín dụng, giảm thiểu rủi ro cho các tổ chức tín dụng và hỗ trợ sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản.

dieu-tiet-thi-truong-bds.jpeg
Thông tư 02 được xem là công cụ quan trọng, hướng thị trường bất động sản phát triển bền vững hơn.

Các chuyên gia cho rằng, Thông tư 02 có ý nghĩa quan trọng. Đối với ngành ngân hàng, Thông tư 02 góp phần thắt chặt tín dụng, các ngân hàng sẽ khó khăn hơn trong việc cho vay đối với các dự án bất động sản, giảm rủi ro tín dụng. Các ngân hàng phải đánh giá kỹ lưỡng các khoản vay, giúp duy trì ổn định tài chính nhưng có thể khiến tỷ lệ nợ xấu tăng trong ngắn hạn. Thông tư giúp củng cố hệ thống tài chính của các ngân hàng, tránh những rủi ro lớn.

Đối với ngành bất động sản, Thông tư 02 được cho là khiến các chủ đầu tư khó vay tiền từ ngân hàng, đặc biệt là cho các dự án lớn hoặc rủi ro cao, dẫn đến giảm nguồn cung bất động sản. Điều này trong dài hạn giúp thị trường bất động sản lớn dần, không còn hiện tượng sốt nóng, bong bóng gây bất ổn thị trường bất động sản.

Đổi lại, để phát triển lành mạnh, bền vững khi các chủ đầu tư muốn tiếp cận vốn từ ngân hàng, các ngân hàng sẽ yêu cầu các chủ đầu tư làm dự án phải tiến hành đủ điều kiện, đúng tiến độ. Điều này có thể làm tăng chi phí cho chủ đầu tư nhưng giảm thiểu rủi ro cho thị trường nói chung và nhà đầu tư và người dân nói riêng. Nhiều chuyên gia dự đoán, do khó khăn hơn trong việc sử dụng đòn bẫy tín dụng, nguồn cung bất động sản sẽ ít hơn dẫn đến giá bất động sản trong tương lai khó có cơ hội giảm.

Đối với nền kinh tế nói chung, Thông tư 02 được xem là công cụ hữu hiệu giúp điều tiết ngành ngân hàng, một kênh dẫn vốn quan trọng trong nền kinh tế. Bởi, các doanh nghiệp vay không bị rơi vào nợ xấu, không để lại hậu quả lâu dài nhưng ngân hàng vẫn đảm bảo an toàn khi chủ động trích lập dự phòng rủi ro, đảm bảo an ninh tiền tệ.

Như vậy, Thông tư 02 giúp kiểm soát rủi ro nhưng cũng tạo ra khó khăn cho các dự án bất động sản và khiến các chủ đầu tư làm dự án tiếp cận vốn vay trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, nó sẽ giúp nền kinh tế phát triển ổn định và bền vững.

Văn Kỳ