Hà Nội: Ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non từ 3-5 tuổi
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà vừa ký ban hành Kế hoạch số 363/KH-UBND triển khai thực hiện Kế hoạch số 260-KH/TU của Thành ủy Hà Nội về thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW của Bộ Chính trị về "Công tác phổ cập giáo dục, giáo dục bắt buộc, xóa mù chữ cho người lớn và đẩy mạnh phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông" trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Mục đích kế hoạch nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, năng lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; sự vào cuộc của hệ thống chính trị; sự chủ động tham mưu, đề xuất của ngành giáo dục và đào tạo, ngành lao động - thương binh và xã hội, các sở, ban, ngành liên quan; sự tham gia tích cực của cán bộ, đảng viên, nhân dân trên địa bàn thành phố bảo đảm đồng bộ, thiết thực, hiệu quả trong việc thực hiện Chỉ thị số 29-CT/TW.
Kế hoạch của thành phố Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2030 có ít nhất 60% số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ ra lớp, 100% số trẻ trong độ tuổi mẫu giáo đến trường, ưu tiên phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo từ 3-5 tuổi. Toàn thành phố bao gồm 100% số quận, huyện, thị xã; 100% số xã, phường, thị trấn duy trì, phấn đấu đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.
Đối với phổ cập giáo dục tiểu học, Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 99% số trẻ em 6 tuổi vào lớp 1; 98% số trẻ ở độ tuổi 11 hoàn thành chương trình tiểu học.
Đối với phổ cập giáo dục trung học cơ sở, Hà Nội đặt mục tiêu có ít nhất 99% số thanh niên, thiếu niên từ 15 đến 18 tuổi có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở; 90% số thanh niên, thiếu niên trong độ tuổi 15 đến 18 tuổi đang học chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp.
Đối với công tác xóa mù chữ, Hà Nội đặt mục tiêu có 99,6% số người trong độ tuổi từ 15 đến 60 biết chữ mức độ 2; 96% số người mới biết chữ tiếp tục học tập và không tái mù chữ.
Đối với phân luồng học sinh, Hà Nội đặt mục tiêu duy trì 100% số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương; 100% số trường trung học cơ sở, trung học phổ thông có giáo viên kiêm nhiệm làm nhiệm vụ tư vấn hướng nghiệp đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, nghiệp vụ.
Hà Nội cũng phấn đấu có 30% số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; phấn đấu có 40% số học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trình độ cao đẳng.
Để hoàn thành các mục tiêu trên, kế hoạch của UBND thành phố xác định 4 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, đồng thời giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành liên quan thực hiện.