Đồng Tháp nỗ lực đưa Sếu đầu đỏ trở về Vườn quốc gia Tràm Chim
Ngày 12/12, tại Vườn quốc gia Tràm Chim, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố “Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”.
Tham dự lễ công bố có: ông Lê Quốc Phong - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp; ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cùng đại diện Lãnh đạo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, Tổng lãnh sự quán Thái Lan tại Việt Nam và chuyên gia trong, ngoài nước.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, tỉnh Đồng Tháp từ xa xưa là vùng đất an lành, là nơi sinh sống quen thuộc của Sếu đầu đỏ, loài chim qúy hiếm trên thế giới. Trước đây có những năm có đến hàng ngàn chim Sếu đầu đỏ di cư về vùng đất Tràm Chim để sinh sống. Sau này, khu đất ngập nước đặc trưng Tràm Chim đã trở thành Vườn Quốc gia Tràm Chim ngày hôm nay.
Vườn Quốc gia Tràm Chim thuộc địa bàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, có diện tích là 7.313 ha, là hệ sinh thái đất ngập nước còn sót lại của Đồng Tháp Mười xưa, có tính đa dạng sinh học rất cao, với hệ thực vật 130 loài, 130 loài thủy sản nước ngọt, là nơi trú ngụ của 231 loài chim đặc hữu của vùng. Năm 2012, Vườn Quốc gia Tràm Chim được công nhận là khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới.
Tuy nhiên, do nhiều tác động như: biến đổi khí hậu, sự thay đổi chế độ thủy văn canh tác nông nghiệp quá mức và các tác động nhiều nguyên nhân đã làm cho hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi, làm ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ.
Đề án “Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032” được UBND tỉnh Đồng Tháp phê duyệt ngày 3/11/2023. Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể Sếu được nuôi và thả ra và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên.
Đề án Sếu đầu đỏ sẽ giúp cho người dân và bạn bè gần xa, khi đến với Đồng Tháp có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của Sếu đầu đỏ, để người dân càng yêu quý hơn loài chim này.
Năm 2024, hệ sinh thái dần phục hồi theo đúng bản chất, đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập nước tự nhiên, nhiều loài chim đến trú ngụ với số lượng lớn, các loài thực vật quan trọng như năng kim và lúa ma cũng bắt đầu hồi phục, tạo môi trường sinh sống và nguồn thức ăn phong phú cho Sếu đầu đỏ.
Ông Montri Suwanposri - Phó Chủ Tịch C.P. Việt Nam cho biết, Đề án bảo tồn sếu đầu đỏ mang nhiều giá trị và ý nghĩa cao đẹp, thể hiện sự hợp tác bền vững giữa cơ quan nhà nước và nhân dân Thái Lan và Việt Nam. Đề án không chỉ đề cao việc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường mà còn chú trọng trách nhiệm chung của mọi thành phần trong việc bảo tồn, phát triển và khai thác tài nguyên một cách bền vững.
Đề án này là biểu tượng cho sự hòa hợp giữa con người và sếu đầu đỏ, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu, cải thiện môi trường, giảm khí thải nhà kính, khôi phục nền nông nghiệp hữu cơ, phát triển du lịch sinh thái thông qua sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế và khối doanh nghiệp tư nhân, mở ra con đường phát triển bền vững một cách thiết thực.
PGS Jade Donavanik, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổ chức Vườn thú Thái Lan cho biết, dự án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ, loài chim có nguy cơ tuyệt chủng và quan trọng về mặt sinh thái, không chỉ có ý nghĩa đối với Vườn quốc gia Tràm Chim hay tỉnh Đồng Tháp, mà còn đối với việc bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học trên phạm vi toàn cầu.