Giáo dục

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và thách thức trong kỷ nguyên số

Văn Vũ - Trí Nhân 11/12/2024 - 21:01

Sáng 11/12, Viện Luật so sánh Trường Đại học Luật TPHCM đã tổ chức toạ đàm “Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Cơ hội và Thách thức trong Kỷ nguyên số” thu hút sự tham dự của các chuyên gia trong và ngoài nước.

Thời đại kỷ nguyên số mang lại những thay đổi to lớn trong đời sống, bao gồm cả lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và truyền thông, việc bảo vệ sở hữu trí tuệ đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức mới. Không gian mạng xuyên biên giới khiến việc xác định nơi vi phạm và đối tượng chịu trách nhiệm trở nên phức tạp hơn.

Do đó, các quốc gia và tổ chức quốc tế đang tích cực hoàn thiện luật pháp và các hiệp định quốc tế nhằm bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong môi trường số như Công ước Berne về bảo hộ các tác phẩm văn học và nghệ thuật, Hiệp định TRIPS về sở hữu trí tuệ và hiệp định EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU)...

dai.jpg
GS.TS. Đỗ Văn Đại-Phó Hiệu trưởng Đại học Luật TP.HCM phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc tọa đàm, GS.TS. Đỗ Văn Đại, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TPHCM nhấn mạnh: Buổi tọa đàm tập trung thảo luận các vấn đề thực tế về vi phạm sở hữu trí tuệ, những cơ hội, thách thức trong thương mại điện tử và công nghệ. Từ đó, nâng cao kiến thức học thuật và mở rộng mạng lưới hợp tác với các học giả quốc tế và các tổ chức của cộng hòa Pháp, góp phần tạo nền tảng cho các hoạt động phối hợp trong tương lai.

qc.jpg
Tọa đàm Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ Cơ hội và Thách thức trong Kỷ nguyên số thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước tham dự

Bảo hộ nhãn hiệu trong môi trường số đóng vai trò quan, giúp hạn chế hiện trạng lạm dụng nhãn hiệu và hàng giả trên thị trường. Theo luật sư Julien Tran, Giám đốc quốc gia công ty Luật RBA, hiệp định TRIPS đưa ra những biện pháp để giải quyết những vi phạm trong môi trường số, tuy nhiên khá khó để xây dựng khung pháp lý trong phạm vi pháp luật quốc gia.

Bên cạnh những biện pháp truyền thống, chúng ta cần ứng dụng những công nghệ để phát hiện những hành vi vi phạm nhãn hiệu trong môi trường số. Ví dụ như công nghệ blockchain chuyển khối có thể dùng để xác định được các nguồn gốc sản phẩm. Do đó, cần thiết phải phối hợp các cơ quan khác nhau, thực hiện các biện pháp pháp lý, đặc biệt ứng dụng công nghệ để xác định vi phạm. TS. Nguyễn Thái Cường, Phụ trách Viện Luật so sánh Trường Đại học Luật TPHCM cũng cho rằng nên ứng dụng công nghệ hiện đại như blockchain, AI để xác định nguồn gốc vi phạm.

dhl1.jpg
Chuyên gia quốc tế chia sẻ khái quát khung pháp lý toàn cầu liên quan đến lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Đề cập đến thực trạng đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu tại Việt Nam, ông Võ Duy Tuyến, Giám đốc điều hành công ty Luật LPC cho biết: Đối tượng đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ phần lớn là các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp nhỏ, vừa thành lập doanh nghiệp chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo hộ nhãn hiệu và những rủi ro thực tế có thể phát sinh khi không đăng ký.

Về cơ chế quản lý, đăng ký bảo hộ, hiện nay, hệ thống tra cứu nhãn hiệu và đối chiếu chưa ổn định, chưa cập nhật kịp và đủ thông tin. Quá trình xét duyệt đơn đăng ký còn tồn đọng, kéo dài, việc thẩm định chưa khách quan dẫn đến gia tăng tranh chấp.

dh.jpg
Chụp hình lưu niệm

Thông qua tọa đàm nhiều ý kiến góp ý, trao đổi thảo luận đã góp phần làm rõ thêm nhiều nội dung và giải pháp để nâng cao việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong kỷ nguyên số hiện nay.

Văn Vũ - Trí Nhân