Xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 40, sáng 11/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe Phó Chánh án TANDTC Phạm Quốc Hưng trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật phá sản (sửa đổi).
Giải quyết những tồn tại, vướng mắc, bất cập
Trình bày tờ trình đề nghị xây dựng Luật phá sản (sửa đổi), Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, tổng kết thực tiễn thi hành Luật Phá sản năm 2014 cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được Luật vẫn tồn tại một số vướng mắc, bất cập, như: chưa có cơ chế khuyến khích việc áp dụng sớm thủ tục phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã; Đặc biệt, quy định về thẩm quyền của Tòa án còn phân tán, chưa hợp lý; chưa quy định thủ tục giản lược để giải quyết những vụ việc đơn giản; chưa có các quy định để kết hợp, sử dụng phương thức tố tụng điện tử; quy định về Quản tài viên còn có điểm bất cập.
Về kinh nghiệm quốc tế, theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, đối với những nước đang xử lý tốt vấn đề này, pháp luật về phá sản có 5 xu hướng điển hình sau đây: Tạo cơ chế khuyến khích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; Đề cao vai trò và trách nhiệm của Quản tài viên; Tập trung hóa và chuyên môn hóa giải quyết phá sản; Áp dụng thủ tục giản lược trong một số trường hợp; Khuyến khích thương lượng, hòa giải trong giải quyết phá sản.
Tăng cường sử dụng phương thức điện tử để thực hiện các hoạt động tố tụng phá sản
Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Phá sản (sửa đổi) đề xuất 5 chính sách, gồm:
Xây dựng, hoàn thiện thủ tục phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Xây dựng thủ tục phục hồi giản lược, thủ tục phá sản giản lược đối với doanh nghiệp, hợp tác xã; Hoàn thiện quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quản tài viên, người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản.
Đáng chú ý, theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, "sẽ xây dựng thủ tục tố tụng điện tử giải quyết vụ việc phá sản". Mục tiêu của chính sách nhằm xây dựng cơ chế để người tham gia thủ tục phá sản lựa chọn phương thức trực tiếp, trực tuyến hay trực tiếp kết hợp trực tuyến khi tham gia thủ tục phá sản tại Tòa án.
Tiết kiệm công sức, thời gian và chi phí của người tiến hành thủ tục phục hồi, phá sản, người tham gia thủ tục phục hồi, phá sản; Góp phần khắc phục những vướng mắc hiện hành về thủ tục cấp, tống đạt, thông báo, triệu tập người tham gia thủ tục phá sản; Khuyến khích, tăng cường việc sử dụng phương thức điện tử để thực hiện các hoạt động tố tụng phá sản; đề cao trách nhiệm của Tòa án trong việc triển khai tố tụng phá sản điện tử...
Về nội dung của chính sách, Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng cho biết, quy định điều kiện, thủ tục nộp đơn, lệ phí, chi phí phục hồi, phá sản trực tuyến; cung cấp cấp tài liệu, chứng cứ, cấp, tống đạt thông báo bằng phương tiện điện tử; tổ chức các phiên họp; phiên thương lượng, hòa giải; Hội nghị chủ nợ trực tuyến.
Về giải pháp thực hiện chính sách: Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phục hồi, thủ tục phá sản có quyền nộp đơn, tài liệu, chứng cứ, lệ phí, tạm ứng chi phí phá sản bằng phương thức điện tử;
Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã đăng ký nhận thông điệp dữ liệu điện tử với Tòa án thì thông báo, quyết định, danh sách chủ nợ, danh sách người mắc nợ và các văn bản tố tụng khác được gửi theo phương thức điện tử;
Phiên họp, phiên thương lượng, hòa giải, Hội nghị chủ nợ được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Theo Phó Chánh án Phạm Quốc Hưng, quy định này phù hợp với định hướng xây dựng Tòa án điện tử, Chính phủ điện tử; định hướng chuyển đổi số trong TAND; Bảo đảm việc tổ chức và hoạt động TAND chuyên biệt phá sản với phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ gồm một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia thủ tục phá sản.
Phù hợp với thông lệ quốc tế
Về chính sách cuối, Phó Chánh án cho biết sẽ "hoàn thiện trình tự, thủ tục giải quyết vụ việc phá sản để khắc phục vướng mắc, bất cập và phù hợp với thông lệ quốc tế".
Quy định này nhằm khắc phục những vướng mắc, bất cập, đảm bảo thống nhất với pháp luật liên quan và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế; Tạo cơ chế để giải quyết vụ việc phá sản nhanh chóng, hiệu quả, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên tham gia, nhất là vụ việc phức tạp, có yếu tố nước ngoài; Tăng cường phối hợp, hỗ trợ giữa Tòa án Việt Nam và Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài trong giải quyết vụ việc phá sản.
Về nội dung của chính sách, theo ông Hưng, quy định thẩm quyền, nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án trong giải quyết phá sản phù hợp với quy định của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2024.
Xây dựng thủ tục hòa giải, thủ tục giải quyết tranh chấp phát sinh trong việc xác định tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã.
Quy định đặc thù đối với vụ việc phá sản có yếu tố nước ngoài.
Quy định đầy đủ trách nhiệm thu thập, cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ của các chủ thể tham gia thủ tục phục hồi, phá sản. Quy định trách nhiệm hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ của Tòa án.
Bổ sung quy định chi tiết, đầy đủ về tạm ứng chi phí phục hồi, chi phí phá sản; việc cấp, tống đạt, thông báo văn bản trong tố tụng phá sản.
Về giải pháp thực hiện chính sách: Quy định thẩm quyền giải quyết vụ việc phá sản là thuộc TAND chuyên biệt phá sản, TAND cấp cao, TANDTC. Tòa án hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ; Thẩm phán có thể tiến hành hòa giải.
Tòa án xem xét ra quyết định công nhận kết quả thương lượng, hòa giải của các bên. Bổ sung quy định Tòa án áp dụng thủ tục đơn giản, giản lược để Tòa án giải quyết tranh chấp, khiếu nại về tài sản phá sản; Bổ sung một số quy định giải quyết phá sản có yếu tố nước ngoài; Quy định thủ tục để tạm ứng chi phí phá sản; thủ tục nộp, thanh toán chi phí phá sản; địa chỉ cấp, tống đạt, thông báo, trường hợp thông báo thay cho tống đạt. Hoàn thiện quy định thi hành Quyết định tuyên bố doanh nghiệp, hợp tác xã phá sản;
Về lý do lựa chọn giải pháp của chính sách, Phó Chánh án nhấn mạnh, tạo sự đồng thuận giữa những người tham gia thủ tục phục hồi, phá sản; Phát huy vai trò của Quản tài viên; Phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện Việt Nam hiện nay; Đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người tiến hành thủ tục phá sản, người tham gia thủ tục phá sản.
Dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 5 năm 2025, thông qua tại kỳ họp tháng 10 năm 2025.