Bài cuối: 'Tham vọng' đưa sếu đầu đỏ về sống quanh năm ở Vườn Quốc gia Tràm Chim
Hàng chục năm qua, hễ sếu đầu đỏ quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng xuất hiện tại Vườn Quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp), những nhà khoa học như TS Trần Triết, Ths Nguyễn Hoài Bảo đều lên đường lần theo chỉ dấu của sếu.
Gần 30 năm trước, hơn 1.000 cá thể sếu đầu đỏ di cư đến sống tại Vườn Quốc gia Tràm Chim, trở thành niềm tự hào của người dân huyện Tam Nông nói riêng, tỉnh Đồng Tháp nói chung. Vậy mà kể từ dấu mốc vàng son đó, đàn sếu về thưa dần rồi có những năm sếu không về nữa.
Chung tay phục hồi để đưa sếu trở về
Ths Nguyễn Hoài Bảo - giảng viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM) không khỏi suy tư trước sự sụt giảm nghiêm trọng của loài sếu được mệnh danh quý hiếm và xếp vào danh sách sắp nguy cấp trong Sách Đỏ của Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (Tổ chức IUCN).
Theo Ths Nguyễn Hoài Bảo, cha ông ta xưa có câu: “Đất lành chim đậu”, do đó để sếu trở về cần tạo ra một mảnh đất lành, môi trường trong sạch làm nơi cư ngụ của sếu. Đồng thời, phải “biến” mảnh đất Đồng Tháp nói riêng, Việt Nam nói chung thành mảnh “đất lành”.
Đầu tháng 11/2024, UBND tỉnh Đồng Tháp đã quyết định phê duyệt Đề án bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032, với mục tiêu chung đặt ra là nhằm phục hồi và phát triển đàn sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim bằng biện pháp nuôi và thả lại tự nhiên. Trong vòng 10 năm, nuôi thả 100 cá thể sếu, tối thiểu có 50 cá thể sống sót.
Để thực hiện đề án này, nhiệm vụ được đặt ra là nhận nuôi dưỡng sếu chuyển giao từ Thái Lan, nghiên cứu sinh sản và tái thả sếu đầu đỏ về tự nhiên tại Vườn Quốc gia Tràm Chim.
Bên cạnh đó là việc cải tạo, phục hồi hệ sinh thái và sinh cảnh sống của sếu, xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp sinh thái bền vững (lúa), kết hợp tốt giữa việc đảm bảo sinh kế người dân và môi trường xung quanh vùng nuôi thả sếu.
Theo Ths Nguyễn Hoài Bảo, không chỉ dừng lại ở một năm, hai năm, công cuộc phục hồi môi trường sống cho sếu phải là câu chuyện dài hơi có thể là chục năm, thậm chí cả trăm năm. Để phục hồi nguyên bảo môi trường Đồng Tháp Mười như trước kia rất khó, nhưng chúng ta có thể chung tay để phục hồi được phần nào đó với mục tiêu trong suốt 10 năm. Để sếu trở về, phải bắt tay vào phục hồi môi trường sống xung quanh Vườn Quốc gia Tràm Chim, phục hồi trong vùng lõi, phục hồi hệ sinh thái nông nghiệp và đặc biệt kêu gọi sự ủng hộ của người dân địa phương.
Điều mừng nhất là đề án nói trên được cộng đồng, đặc biệt là người dân huyện Tam Nông quan tâm, ủng hộ. Ths Nguyễn Hoài Bảo cho hay, để biến mảnh đất Đồng Tháp và Việt Nam thành mảnh “đất lành” thì phải cho người dân thấy được biểu tượng của loài sếu đầu đỏ là chỉ dấu về một môi trường trong sạch hơn.
Đồng thời, phải nhận được sự đồng tình ủng hộ, sự tin tưởng của người dân, điều cốt lõi là tạo sinh kế, giúp bà con nhìn thấy được lợi ích của việc chuyển đổi từ canh tác truyền thống sang mô hình lúa sinh thái, để trên mỗi mảng xanh của lúa, sếu và các loài chim muông có thể sinh sống mà không sợ hóa chất cùng sự ô nhiễm môi trường đe dọa.
Bên cạnh đó, không chỉ sản xuất nông nghiệp mà còn kết hợp với phát triển du lịch, chuyển đổi nông nghiệp theo hướng sinh thái để từ chính mảnh đất từng hứng chịu hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, loài sếu đầu đỏ quý hiếm bậc nhất có thể sống và sinh sôi.
“Tham vọng” đưa sếu về sống quanh năm
Hơn 30 năm lặn lội với hoạt động bảo tồn sếu đầu đỏ, từ nỗi niềm đau đáu, trăn trở khi đàn sếu Việt Nam - Campuchia bị đe dọa trước nguy cơ tuyệt chủng, đến thời điểm hiện tại, TS Trần Triết vui mừng hơn trước sự quyết liệt vào cuộc của chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị, của cộng đồng doanh nghiệp và đặc biệt là người dân cùng chung tay đưa đàn sếu trở về với Vườn Quốc gia Tràm Chim.
TS Trần Triết cho biết, chúng ta đặt ra tham vọng, mục tiêu cao cho đề án này nhưng cũng bày tỏ tin tưởng tỉnh Đồng Tháp nói riêng và Việt Nam nói chung sẽ đạt được mục tiêu đề án, với điều kiện môi trường vùng lõi tại Vườn Quốc gia Tràm Chim phải được phục hồi.
Theo TS Trần Triết, đàn sếu đầu đỏ Việt Nam - Campuchia thường di chuyển theo mùa, vào mùa mưa là mùa sinh sản sếu sẽ ở phía Bắc Campuchia, đến mùa khô sếu mới di cư về khu vực ĐBSCL như: Đồng Tháp, Kiên Giang. Do đó muốn có đàn sếu định cư ở khu vực này quanh năm, cần phải có nơi sống thích hợp cho sếu, quan trọng nhất là nơi ở trong mùa sinh sản.
Trong giai đoạn sinh sản, sếu đầu đỏ sẽ ra ruộng làm tổ, sinh đẻ, nuôi con và tìm thức ăn, đây là giai đoạn quan trọng nhất để bảo vệ sếu. Bởi vậy ruộng lúa phải đảm bảo chất lượng môi trường trong sạch, không có hóa chất độc hại, canh tác lúa thân thiện với môi trường, sinh vật và đảm bảo an toàn. Cốt lõi là môi trường trong sạch.
Có giai đoạn rất dài ở Vườn Quốc gia Tràm Chim, vì yêu cầu phòng cháy chữa cháy cho rừng tràm phải quản lý lượng nước cho mục tiêu đó, điều này ảnh hưởng đến việc duy trì toàn vẹn hệ sinh thái dẫn đến môi trường sống không phù hợp với sếu đầu đỏ. Cuối năm 2023, Vườn Quốc gia Tràm chim đã tiến hành điều tiết nước theo các kỹ thuật đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bằng cách hạ mực nước theo đúng thiết kế nhằm tái tạo lại hệ sinh thái tự nhiên của Tràm Chim.
Điều kiện ngập - khô luân phiên là điều kiện sinh thái tự nhiên và nhờ sự điều tiết nó đã phục hồi nhanh chóng, chất lượng nước cũng được cải thiện rõ rệt, các loài thủy sinh vật tốt hơn, thể hiện rõ về số lượng cá thể tăng lên. Quy trình điều tiết nước này cũng góp phần giảm nguy cơ cháy rừng ở mức tối ưu.
Chỉ qua một năm điều tiết, các nhà khoa học rất bất ngờ vì Vườn Quốc gia Tràm Chim đã đón rất nhiều loài chim quay về. Đặc biệt năm 2024, bốn con sếu đầu đỏ đã bay về Vườn Quốc gia Tràm Chim “thám thính”, đó là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự môi trường đang được quản lý đúng đắn, phục hồi được nơi sống và thả sếu, thu hút sếu tự nhiên tìm về.