Bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính với 6 chức danh thanh tra
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 chức danh, bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chức danh.
Tiếp tục chương trình làm việc Phiên họp thứ 40, chiều 10/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh quy định tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính.
Trình bày Báo cáo của Chính phủ về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của một số chức danh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh cho biết, qua nghiên cứu, rà soát Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thanh tra năm 2010, Luật Thanh tra năm 2022 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định xử phạt vi phạm hành chính đối với các nhóm chức danh sau:
Các chức danh trước đây có thẩm quyền xử phạt và thuộc cơ quan thực hiện chức năng thanh tra (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP không giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Các chức danh là Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP không giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nhưng có cơ quan thanh tra trực thuộc.
Các chức danh là Thủ trưởng cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành (theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2010 và các nghị định về thanh tra chuyên ngành), nhưng theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022 và Nghị định số 03/2024/NĐ-CP không giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nhưng có cơ quan thanh tra trực thuộc.
Các chức danh thuộc cơ quan không phải là cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, nhưng sau khi tổ chức, sắp xếp lại có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn.
Các chức danh là Thủ trưởng của cơ quan mới được chia tách từ cơ quan trước đây thực hiện chức năng thanh tra và có thẩm quyền xử phạt được quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, nhưng cơ quan được chia tách này không được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Ngoài ra, đối với các chức danh có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Xử lý vi phạm hành chính cần xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo TANDTC, Kiểm toán Nhà nước rà soát để chỉnh sửa, quy định thẩm quyền xử phạt tại các Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước.
Thẩm tra nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị Chính phủ cân nhắc thời điểm điều chỉnh, bổ sung thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính tại các nghị định, tránh việc phải sửa đổi, bổ sung nhiều lần do hiện nay các cơ quan đang thực hiện chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy theo chỉ đạo của Trung ương.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị, Chính phủ xem xét, quyết định phù hợp thời điểm sửa đổi, bổ sung các nghị định, trên cơ sở bám sát chủ trương sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của các cơ quan trong hệ thống chính trị theo chỉ đạo của Trung ương. Chỉ đạo TANDTC, Kiểm toán nhà nước, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách, rà soát các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định việc điều chỉnh các chức danh có thẩm quyền xử phạt do có sự thay đổi về nhiệm vụ, quyền hạn (nếu có), bảo đảm đồng bộ, thống nhất.
Qua thảo luận, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ về việc giữ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 35 chức danh, bỏ thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính đối với 6 chức danh như tại Phụ lục kèm theo Báo cáo của Chính phủ.