Kinh nghiệm và gợi mở về đầu tư và tài trợ cho văn hóa
Sáng 9/12, tại Hà Nội, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam phối hợp UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức Hội thảo khoa học "Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam".
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế, văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng trong việc tạo dựng bản sắc dân tộc và nâng cao vị thế của quốc gia trên trường quốc tế.
Đầu tư và tài trợ cho văn hóa không chỉ giúp bảo tồn di sản văn, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mà còn tạo nguồn lực để hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Nhiều quốc gia trên thế giới đã áp dụng các mô hình đầu tư và tài trợ thành công trong lĩnh vực văn hóa, tạo ra những giá trị bền vững cho cộng đồng.
Tại Việt Nam, việc triển khai các dự án đầu tư và tài trợ cho văn hóa gặp nhiều khó khăn do thiếu khung pháp lý rõ ràng và sự hỗ trợ từ chính quyền. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa còn thiếu đồng bộ, dẫn đến việc khai thác nguồn lực không hiệu quả.
Bên cạnh đó, sự thiếu hụt các ấn phẩm sách báo và cuộc hội thảo khoa học trong lĩnh vực này cũng khiến các nhà nghiên cứu, nhà quản lý, các nhà đầu tư tiềm năng khó khăn trong tìm kiếm thông tin chuyên sâu. Điều này không chỉ hạn chế khả năng tiếp cận kiến thức, mà còn làm giảm cơ hội kết nối và hợp tác giữa các bên liên quan. Hệ quả là, nhiều sáng kiến và dự án tiềm năng không được phát triển hoặc triển khai một cách hiệu quả.
Trước những hạn chế và rào cản trên, Hội thảo khoa học "Đầu tư và tài trợ cho văn hóa: Kinh nghiệm quốc tế và bài học gợi mở cho Việt Nam" được hy vọng là cầu nối giúp các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp trong nước và quốc tế chia sẻ kinh nghiệm, tư duy đổi mới trong việc huy động nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa; thảo luận các chính sách nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa các bên liên quan nhằm phát triển bền vững văn hóa Việt Nam.
Có khoảng 20 tham luận, ý kiến phát biểu được trình bày, thảo luận tại hội thảo. Ba nhóm vấn đề đáng chú ý được tập trung phân tích thực trạng, giải pháp, gồm: Đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam - Góc nhìn đa chiều; Đầu tư và tài trợ cho văn hóa - Kinh nghiệm quốc tế và những vấn đề đặt ra; Đầu tư và tài trợ cho văn hoá - Mục tiêu, công cụ chính sách cùng những sáng kiến định vị thương hiệu "Thành phố sáng tạo Hà Nội".
Các chuyên gia, nhà khoa học, như: PGS, TS Nguyễn Thị Thu Phương (Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam); Tiến sĩ, kiến trúc sư Phạm Tuấn Long (Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm); nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung (Tổng Giám đốc Công ty Thanh Viet Production); Tiến sĩ Hà Huy Ngọc (Trưởng phòng Kinh tế Vùng và địa phương, Viện Kinh tế Việt Nam, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); ông Jérémy SEGAY (Tùy viên nghe nhìn khu vực Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam); ông Emmanuel Cerise (Đại diện Vùng Ile-de-France tại Hà Nội, Giám đốc Cơ quan hỗ trợ hợp tác quốc tế Vùng Paris tại Việt Nam)...
Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc Nguyễn Quốc Trung nhấn mạnh trong tham luận: Trong nhiều năm qua, Nhà nước đã đầu tư vào văn hóa, mặc dù chưa nhiều, nhưng dự kiến trong tương lai, mức đầu tư sẽ còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, một vấn đề dễ nhận thấy là việc đầu tư thường diễn ra một cách dàn trải, thiếu tập trung và đồng bộ. Đặc biệt, là thiếu mục tiêu cụ thể và đánh giá hiệu quả đầu tư một cách khách quan.
Nếu không đánh giá đúng, chúng ta sẽ không thể xây dựng chiến lược phù hợp và xác định chính xác những mục tiêu cũng như khu vực cần đầu tư. Tất cả những yếu tố này dẫn đến tình trạng mặc dù Nhà nước đã và đang đầu tư, nhưng những người làm văn hóa, nghệ sĩ vẫn cảm thấy thiếu thốn, và không có cơ hội tiếp cận hay sử dụng những nguồn lực đầu tư đó.
Theo nhạc sĩ Nguyễn Quốc Trung, nhóm giải pháp cần tập trung vào các vấn đề đầu tư xây dựng và nâng cao cơ sở hạ tầng, năng lực của đội ngũ sáng tạo. Theo ông, khoảng cách và sự đồng cảm giữa cơ quan quản lý và nghệ sĩ sáng tạo hiện nay là khá lớn, nó tạo nên một rào cản kìm hãm sự phát triển.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần tham khảo và hợp tác nhiều hơn từ các chuyên gia nước ngoài về các chiến lược xây dựng công nghiệp sáng tạo. Bằng những chính sách phát triển và quản lý tiên tiến, bền vững, chúng ta xây dựng một nền công nghiệp sáng tạo. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cả cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước để có thể đồng cảm hơn, hợp tác hiệu quả, cùng tạo ra được môi trường thúc đẩy sáng tạo.
Nhóm tác giả Nguyễn Thị Thu Phương - Đỗ Thị Thanh Thủy (Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam) đề cập tới mô hình quản trị văn hóa Pháp với sự kiến tạo, thúc đẩy sự sáng tạo dựa trên nguồn hỗ trợ lớn từ nhà nước và đa dạng hóa trong đầu tư. Từ đây, có thể rút ra một số bài học cho Việt Nam từ mô hình quản trị nhà nước và đầu tư, gồm: Đa dạng hóa nguồn tài chính; khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân; cho phép tạo các nguồn thu tự tạo; phát triển các mô hình hợp tác bền vững. Chúng ta có thể tham khảo, chắt lọc và áp dụng phù hợp các mô hình của nước ngoài để vừa xây dựng một nền văn hóa bản sắc, phát triển bền vững, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận của các tổ chức văn hóa đến nhiều đối tượng hơn.
Những vấn đề đặt ra tại hội thảo không chỉ dừng lại ở diễn đàn mà có thể trở thành một phần của quá trình vận động và xây dựng, thực thi có hiệu quả các chính sách về đầu tư công cho văn hóa, cũng như đối với việc khuyến khích và thúc đẩy mạnh mẽ hơn sự tham gia, đóng góp, chung tay đầu tư cho ngành văn hóa từ khu vực tư nhân, các tổ chức chính trị xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế và các cá nhân trong thời gian tới, nhằm đề ra các giải pháp, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư và tài trợ cho văn hóa tại Việt Nam.