Tòa án địa phương

Hiệu quả từ công tác phổ biến giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử

Hoàng Hà 09/12/2024 - 15:28

Nhằm góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân, phòng ngừa tội phạm, vi phạm pháp luật, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã quan tâm chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử.

Trong những năm qua, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng kế hoạch thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) thông qua kế hoạch nhiệm vụ công tác trọng tâm hàng năm.

Trong đó, các đơn vị tập trung thực hiện tốt công tác xét xử, chú trọng việc hòa giải, tuyên truyền, PBGDPL trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại;

Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo để công dân nhận thức rõ các quy định pháp luật, giảm bớt được những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân.

qn.jpg
Một phiên tòa xét xử của TAND tỉnh Quảng Ninh

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng đẩy mạnh tuyên truyền, PBGDPL thông qua phổ biến, quán triệt văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành; công khai các bản án, quyết định của Tòa án trên Cổng thông tin điện tử…

Ngoài ra, phối hợp cùng các ngành liên quan tổ chức phiên tòa giả định tại các trường THPT để tuyên truyền pháp luật tới đối tượng là các học sinh trên địa bàn toàn tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức trong giới trẻ…

Chánh tòa hình sự, TAND tỉnh Quảng Ninh - Thẩm phán Bùi Văn Tuấn chia sẻ: việc xét xử vụ án, đưa ra phán quyết của Tòa án liên quan đến sinh mệnh chính trị, tự nhiên của mỗi con người, do vậy, trách nhiệm càng cao, người thẩm phán trên tinh thần thượng tôn pháp luật, phải đưa ra phán quyết có căn cứ, thấu tình đạt lý.

Theo Thẩm phán Bùi Văn Tuấn, mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật, ngăn ngừa họ tái phạm tội, đồng thời thông qua đó tuyên truyền giáo dục người dân tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

tbt.jpg
TAND tỉnh xét xử vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản do Trần Bá Trung (SN 1985, trú tại TX Đông Triều) phạm tội vào tháng 8/2023.

Năm 2024, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh thụ lý tổng số 5.261 vụ, việc; đã giải quyết, xét xử 4.608 vụ, việc các loại. Trong đó, án hình sự đã giải quyết, xét xử 1.304/1.446 vụ; giải quyết, xét xử 3.304/3.815 vụ, việc dân sự, hôn nhân gia đình, kinh doanh thương mại, lao động, hành chính. Các đơn vị đăng tải 3.997 bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật trên cổng thông tin điện tử Tòa án.

Với nhiều thủ đoạn tinh vi, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong thời gian qua tiềm ẩn những diễn biến phức tạp, gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân, bức xúc trong dư luận xã hội.

Tuy nhiên, từ sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, nhiều vụ việc được làm rõ, xử phạt nghiêm minh, thông qua hoạt động xét xử răn đe, nghiêm trị hành vi phạm tội, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác trong nhân dân.

tien-toa.jpg
Thẩm phán Hoàng Văn Tiền - Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh.

Theo Thẩm phán Hoàng Văn Tiền - Tỉnh ủy viên, Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh, với sự nỗ lực, phát huy tinh thần trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao, TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã thể hiện tinh thần thượng tôn pháp luật, thực hiện đúng đắn quyền tư pháp, xét xử công bằng, kịp thời, nghiêm minh, đúng pháp luật, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, được nhân dân đồng tình ủng hộ.

Thẩm phán Hoàng Văn Tiền cho biết: TAND hai cấp tỉnh Quảng Ninh đã vì nhân dân, phục vụ nhân dân, để nhân dân cảm thụ công bằng, lẽ phải và được quyền uy tư pháp bảo vệ.

Trong đó vấn đề căn cốt là nâng cao chất lượng xét xử, không có người bị kết án oan, không bỏ lọt tội phạm, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nâng cao niềm tin của người dân vào một nền tư pháp dân chủ, công bằng, nghiêm minh, để nhân dân được thụ hưởng những thành quả của cải cách tư pháp.

Tuyên truyền, PBGDPL thông qua hoạt động xét xử là một chức năng, nhiệm vụ quan trọng của Tòa án. Thông qua hoạt động xét xử, các quy định của pháp luật đến với người dân cụ thể, dễ hiểu; qua đó nhận thức, hiểu biết về pháp luật của người dân được nâng lên, tạo sự chuyển biến cơ bản về ý thức tôn trọng và nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật trong quần chúng nhân dân.

Hoàng Hà