Không làm phát sinh điều kiện có nguy cơ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp
Đây là một trong những nội dung Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT được nêu tại Kết luận thanh tra trách nhiệm về thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GD&ĐT.
Ban hành Thông tư sai thẩm quyền
Theo Kết luận thanh tra do Phó Tổng Thanh Chính Phủ Nguyễn Văn Cường vừa ký ban hành nêu: Bộ GD&ĐT đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện cải cách hành chính nói chung, kiểm soát, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng nhằm triển khai thực hiện các quy định về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, cung cấp dịch vụ công (CCDVC) cho người dân và doanh nghiệp.
Đồng thời, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành về trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân, doanh nghiệp; triển khai rà soát, đơn giản hoá TTHC, kiểm soát, kiến nghị hoặc ban hành theo thẩm quyền để loại bỏ hoặc chỉnh sửa TTHC không phù hợp, phức tạp, phiền hà, bổ sung TTHC cần thiết trong lĩnh vực quản lý của Bộ GD&ĐT.
Tuy nhiên, Kết luận thanh tra cũng nêu rõ, việc thực hiện trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân và doanh nghiệp tại Bộ GD&ĐT còn có hạn chế, thiếu sót, vi phạm.
Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 11/2022/TT có nội dung tại khoản 4 Điều 2 và Điều 3 quy định chi tiết về hồ sơ, yêu cầu, điều kiện của TTHC "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài" khi không được giao theo khoản 2 Điều 21 và khoản 4 Điều 15 Nghị định số 86/2018/NĐ-CP là sai thẩm quyền; chưa chủ động tham mưu, trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung kịp thời một số quy định về hoạt động liên kết đào tạo với nước ngoài.
Ngoài ra, việc rà soát, đánh giá, cắt giảm, đơn giản hóa, phân cấp TTHC và ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu, CCDVC, giải quyết TTHC trên môi trường điện tử tại Bộ GD&ĐT thực hiện chậm, chưa đầy đủ, nghiêm túc.
Bên cạnh đó, người đứng đầu bộ phận một cửa (BPMC) không công khai đầy đủ danh mục TTHC tại BPMC; không báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ xử lý đối với trường hợp giải quyết hồ sơ quá hạn; có TTHC tổ chức tiếp nhận, trả kết quả sai địa điểm; có hồ sơ gửi trực tiếp cho đơn vị giải quyết, không được chuyển BPMC xử lý; yêu cầu bổ sung hồ sơ, trả hồ sơ không thực hiện qua BPMC..
Người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình…nhiều lần
Đáng chú ý, kết luận thanh tra nêu, Bộ GD&ĐT báo cáo kết quả giải quyết hồ sơ TTHC chưa phản ánh đúng thực trạng, thiếu chính xác.
Cụ thể, Bộ GD&ĐT báo cáo định kỳ gửi Chính phủ kết quả giải quyết năm 2021, 2022 đúng hạn là 100%, trong khi thanh tra 10 TTHC đã có 419 hồ sơ quá hạn, chiếm 2,27% hồ sơ đã giải quyết, trong đó 03 TTHC có tỷ lệ hồ sơ giải quyết quá hạn trên 50%. Việc giải quyết hồ sơ chậm trễ, quá thời hạn giải quyết hồ sơ TTHC theo quy định.
Cơ quan giải quyết TTHC không thực hiện nghiêm túc việc xin lỗi người dân, doanh nghiệp khi quá hạn giải quyết theo quy định.
“Việc yêu cầu người dân, doanh nghiệp bổ sung, hoàn thiện hồ sơ giấy tờ ngoài danh mục thành phần hồ sơ quy định (34 hồ sơ), gây bức xúc, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp phải đi lại, giải trình, bổ sung nhiều lần, tiềm ẩn nguy cơ sách nhiễu; hình thức yêu cầu không đúng quy định (332 hồ sơ); thời gian yêu cầu bổ sung hồ sơ vượt quá thời gian quy định (03 hồ sơ); yêu cầu bổ sung hồ sơ khi đã hết thời hạn nộp hồ sơ dự tuyển (39 hồ sơ)”, kết luận thanh tra nêu.
Đặc biệt, trong công tác quản lý, giải quyết TTHC "Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài": Bộ GD&ĐT đã buông lỏng công tác quản lý, để sai phạm trong hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài diễn ra kéo dài, nhưng chưa kịp thời có biện pháp để ngăn chặn, chấn chính, xử lý gây dư luận xã hội bức xúc.
Theo Thanh tra Chính phủ, trách nhiệm đối với những thiếu sót, khuyết điểm, vi phạm thuộc về Lãnh đạo Bộ, Văn phòng Cục QLCL, Cục HTQT, Vụ TCCB, Vụ Pháp chế), tập thể, cá nhân thuộc Bộ GD&ĐT.
Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị Bộ trưởng Bộ GD&ĐT rà soát sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Thông tư thay thế Thông tư số 11/2022 cho phù hợp với thẩm quyền được giao cho Bộ trưởng.
Không làm phát sinh yêu cầu, điều kiện có nguy cơ gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC “Phê duyệt liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nước ngoài".
Khẩn trương ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật để hoàn thành Phương án cắt giảm, đơn giản hoá quy định kinh doanh, Phương án phân cấp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo đúng lộ trình; đảm bảo tính xác thực của số liệu.
Chấn chỉnh tổ chức và hoạt động của BPMC và việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông…
Kiểm điểm trách nhiệm người đứng đầu, trách nhiệm của lãnh đạo Bộ GD&ĐT trực tiếp liên quan đối với những thiếu sót, khuyết điểm vi phạm trong công tác quản lý nhà nước và việc giải quyết TTHC, CCDVC cho người dân, doanh nghiệp.