Chuyển động

10 thời khắc quan trọng trong 5 năm tái thiết Nhà thờ Đức Bà

Trâm Anh 07/12/2024 - 06:25

Nhà thờ Đức Bà sẽ chính thức mở cửa trở lại vào thứ Bảy (7/12) sau một quá trình phục dựng quy mô lớn từ khi nhà thờ bị hư hại nghiêm trọng do hỏa hoạn 5 năm trước. Tổng thống Emmanuel Macron sẽ có bài phát biểu tại buổi lễ với sự tham dự của các quan chức quốc tế bao gồm cả Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Con đường để mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà là một hành trình gian nan với những nỗ lực không mệt mỏi của gần 1.000 công nhân để có thể hoàn thành các hạng mục trong thời hạn 5 năm mà Tổng thống Pháp Macron đặt ra.

Nhà thờ đã được trùng tu theo đúng kiến trúc công trình Gothic thế kỷ 19 độc đáo. Khung và ngọn tháp của Nhà thờ đã được làm mới, cùng với các cửa sổ kính màu lấp lánh và âm thanh độc đáo của những chiếc chuông.

nha-tho-duc-ba-paris_chay.png
Người dân Paris bàng hoàng nhìn khói bốc lên từ Nhà thờ Đức Bà vào ngày 15/4/2019. (Ảnh: AP)

Vụ hỏa hoạn kinh hoàng

Những đám mây khói đã bao phủ bầu trời Paris vào ngày 15/4/2019, khi nhà thờ Đức Bà có kiến trúc Gothic ở trung tâm thành phố bị tàn phá bởi ngọn lửa. Ngọn tháp cao 93m đã sụp đổ, và một phần lớn mái nhà thờ cũng biến thành tro bụi.

Ngay sau đó, Tổng thống Macron trong một bài phát biểu trước toàn quốc đã kêu gọi xây dựng lại Nhà thờ Đức Bà Paris "thậm chí còn đẹp hơn" nguyên bản trong vòng 5 năm.

nha-tho-duc-ba-paris_bao-ve.png
Một công nhân chuẩn bị di dời một bức tượng khỏi Nhà thờ Đức Bà bị hư hại vào ngày 19/4/2019. (Ảnh: AP)

Phong tỏa khu vực để phục vụ quá trình tái thiết

Khu vực xung quanh Nhà thờ Đức Bà đã được phong tỏa một ngày sau vụ hỏa hoạn để bắt đầu chuẩn bị cho nhiệm vụ tái thiết. Các biện pháp bảo vệ hiện trường bao gồm bảo vệ 28 tượng vị vua của 28 triều đại Juda trước thời điểm Chúa giáng trần, loại bỏ các cửa sổ kính màu và che chắn hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật.

Giàn giáo ban đầu được thiết lập để cứu ngọn tháp khi đám cháy xảy ra đã được gỡ bỏ và cây đàn Orange nổi tiếng của Nhà thờ Đức Bà cũng được tháo dỡ, làm sạch và phục hồi.

Vào tháng 9/2021, bước cuối cùng để đảm bảo an toàn cho quá trình tái thiết được thực hiện, đó là lắp đặt nẹp gỗ được hỗ trợ bởi giàn giáo mới được thiết lập bên trong chính nhà thờ.

nha-tho-duc-ba-paris_phuc-dung.png
Linh mục Patrick Chauvet thăm Nhà thờ trong quá trình phục dựng vào ngày 24/11/2020. (Ảnh: AFP)

Bắt đầu quá trình phục dựng

Các hoạt động dọn dẹp đã bị đình trệ trong vài tuần khi lo ngại về ô nhiễm chì xung quanh khu vực này xuất hiện vào mùa hè năm 2019 và một lần nữa sau đó khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào giữa tháng 3 năm sau.

Các nỗ lực phục dựng đầu tiên được bắt đầu vào tháng 9/2020 tại hai trong số các nhà nguyện của nhà thờ.

nha-tho-duc-ba-paris_lam-sach.png
Một công nhân sử dụng máy hút bụi làm sạch các chi tiết bên trong Nhà thờ Đức Bà Paris ngày 13/4/2022. (Ảnh: AFP)

Làm sạch Nhà thờ

Năm 2022, vài nghìn mét vuông bên trong Nhà thờ Đức Bà phủ đầy bụi đã được làm sạch bằng máy hút công suất cao được trang bị bộ lọc để hút sạch các hạt chì còn sót lại. Tường, tranh tường và các tác phẩm điêu khắc đá cũng được làm sạch hoàn toàn.

nha-tho-duc-ba-paris_khai-quat.png
Một nhà khảo cổ học kiểm tra bộ xương trong một ngôi mộ tại hầm một được phát hiện ở gian giữa Nhà thờ Đức Bà vào ngày 8/12/2023. (Ảnh: AP)

Khai quật khảo cổ

Cùng lúc đó, các nhà khảo cổ bắt đầu khai quật nền của nhà thờ. Những khám phá quan trọng trong tầng hầm đã cung cấp cho các nhà nghiên cứu những điều chưa biết về lịch sử của Nhà thờ Đức Bà, nhiều "kho báu" có niên đại từ thời cổ đại đến thế kỷ 19 được khai quật.

Ngay sau vụ hỏa hoạn, các nhà khảo cổ học địa phương tuyên bố, chính những mảnh vỡ và đống đổ nát của nhà thờ đã trở thành "di tích khảo cổ" - gỗ, đá và kim loại từ nhà thờ hiện đang được nghiên cứu tại một địa điểm không được tiết lộ.

nha-tho-duc-ba-paris_tai-thiet-khung-nha-tho.png
Công nhân ăn mừng khi khung nhà thờ được hoàn thiện vào ngày 12/1/2024. (Ảnh: AP)

Dựng lại mái nhà thờ

Khung của mái nhà thờ, đã bị phá hủy hoàn toàn trong vụ cháy, đã được phục dựng theo đúng thiết kế ban đầu của nó. Gỗ của khoảng 1.200 cây sồi đã đã được sử dụng để dựng lại mái Nhà thờ có kích thước dài 32m, rộng 14m và cao 10m.

Sử dụng các kỹ thuật như thời trung cổ, thợ mộc, thợ gỗ từ khắp nơi trên thế giới đã làm việc không mệt mỏi trong việc xây dựng lại mái Nhà thờ.

Khung của mái Nhà thờ được hoàn thành vào ngày 12/1 năm nay, tiếp theo đó là mái gian giữa vào ngày 8/3.

nha-tho-duc-ba-paris_thap-chuong.png
Giàn giáo xung quanh ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà được gỡ bỏ vào ngày 12/2/2024. (Ảnh: AP)

Đưa ngọn tháp trở lại "đường chân trời" Paris

Một trong những biểu tượng của "đường chân trời" Paris đã bị phá hủy hoàn toàn trong đám cháy - đó chính là ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà. Ngọn tháp của Nhà thờ Đức Bà được dựng lên lần đầu tiên vào năm 1859 dưới sự giám sát của kiến trúc sư người Pháp Viollet-le-Duc.

Giàn giáo xung quanh ngọn tháp cao 96m được hạ xuống dần và ngọn tháp mới bắt đầu được nhìn thấy vào tháng Hai năm nay. Kiệt tác gỗ sồi rắn chắc này có một cái mái bằng chì và đặt lên trên đó một con gà trống vàng tượng trưng cho sự tái sinh.

nha-tho-duc-ba-paris_tieng-chuong.png
Tổng giám mục Nhà thờ Đức Bà Paris Olivier Ribadeau Dumas thực hiện nghi thức rung chuông cho một trong 8 quả chuông của tháp chuông phía Bắc, ngày 12/9/2024. (Ảnh: AFP)

Những tiếng chuông đầu tiên vang lên

Ngọn lửa cũng đã lan đến tháp chuông phía Bắc của nhà thờ. Tám chiếc chuông, chiếc nặng nhất lên tới 4 tấn mang tên Gabriel và chiếc nhỏ nhất nặng 800kg mang tên Jean-Marie (được đặt theo tên Đức Hồng Y Jean-Marie Lustiger, Tổng giám mục địa phận Paris từ năm 1981 đến năm 2005) là một trong những biểu tượng của Nhà thờ Đức Bà Paris.

Để khôi phục tháp chuông phía Bắc, 8 quả chuông này đã được cẩn thận dỡ xuống, làm sạch, loại bỏ bụi chì để phục hồi. Vào tháng 11 năm nay, 8 chiếc chuông này đã vang lên lần đầu tiên kể từ vụ hỏa hoạn, trong đó một quả chuông được rung bởi các vận động viên giành chiến thắng tại Thế vận hội Paris mùa hè vừa qua.

nha-tho-duc-ba-paris_noi-that.png
Ghế nhà thờ được thiết kế bởi nghệ sĩ và nhà thiết kế người Pháp Guillaume Bardet. (Ảnh: AP)

Nội thất mới

Việc mở cửa trở lại Nhà thờ Đức Bà cũng yêu cầu tân trang lại nội thất. Sáu tấn đồng đã được sử dụng để tạo ra đồ nội thất mới được thiết kế bởi nhà thiết kế Guillaume Bardet, người đã thiết kế bàn thờ, bục giảng, ngai vàng của giám mục, đền tạm và nhà rửa tội. Khoảng 1.500 chiếc ghế gỗ sồi rắn mới được thiết kế bởi Ionna Vautrin.

nha-tho-duc-ba-paris_tong-thong-phap.png
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm nhà thờ được khôi phục vào ngày 29/11/2024. (Ảnh: AP)

Chuyến thăm cuối cùng trước ngày mở cửa trở lại

Vào ngày 29/11, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm cuối cùng tới Nhà thờ Đức Bà trước lễ mở cửa trở lại và bày tỏ sự biết ơn đối với 2.000 người đã đóng góp công sức cho nỗ lực phục dựng Nhà thờ. "Các bạn đã đạt được những gì được cho là không thể", ông nói trong chuyến thăm.

Trâm Anh