Văn hóa - Du lịch

Mạng lưới tương tác thông minh cho du lịch văn hóa tại Đại Nội Huế

Ngọc Minh 06/12/2024 - 11:56

Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đang tiên phong trong việc kết hợp giữa công nghệ hiện đại và bảo tồn di sản văn hóa. Trong nỗ lực đưa Đại Nội Huế trở thành điểm đến du lịch thông minh, mạng lưới các Trạm tương tác thông minh - Tap Quest đã được triển khai, tạo ra một bước tiến mới cho ngành văn hóa du lịch.

Mạng lưới Tap Quest bao gồm các bảng vật lý được gắn chip kết nối không dây tầm ngắn (NFC), cho phép du khách chỉ cần chạm điện thoại vào để khám phá thông tin về địa điểm. Không chỉ dừng lại ở văn bản, mỗi trạm còn cung cấp thông tin qua nhiều hình thức phong phú như hình ảnh, video, mô hình 3D, và thậm chí cả hướng dẫn viên ảo sử dụng trí tuệ nhân tạo.

z6099996713837_aca41ee0354c7d25ee4e444783fa9998.jpg
Đại Nội Huế

Công nghệ này không chỉ giúp nâng cao trải nghiệm du lịch mà còn góp phần bảo vệ cảnh quan di sản. Thay vì các biển thông tin cồng kềnh hay phải thuê hướng dẫn viên, du khách có thể tự mình khám phá câu chuyện văn hóa lịch sử của từng địa danh qua chiếc điện thoại thông minh.

Tap Quest lần đầu được thí điểm vào tháng 9/2024 tại Hải Vân Quan – nơi được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Ngay từ khi mở cửa sau quá trình trùng tu, Hải Vân Quan đã trở thành điểm đến hấp dẫn với lượng khách du lịch tăng nhanh. Dù chưa được truyền thông rộng rãi, công nghệ này đã ghi nhận hơn 5.000 lượt tương tác chỉ sau 2 tháng và thu hút hàng ngàn lượt check-in trên mạng xã hội. Thành công ban đầu này chính là tiền đề để triển khai Tap Quest tại các điểm di sản khác.

z6099996730855_5ca776b37b194747e086a912aa5be2b2.jpg
z6099996771890_da532f80b744fb912817214337f73d59.jpg
Du khách được hướng dẫn để trải nghiệm trạm tương tác thông minh tại Đại nội Huế

Tháng 11/2024, Tap Quest chính thức được đưa vào hoạt động tại Đại Nội Huế, như một phần quan trọng trong sự kiện mở cửa Điện Thái Hòa sau 3 năm trùng tu. Đây là cột mốc quan trọng, đánh dấu bước chuyển mình trong việc kết hợp công nghệ vào bảo tồn di sản tại Huế.

Tại mỗi vị trí, du khách cũng được cung cấp lộ trình du lịch và được dẫn đường đến điểm tham quan tiếp theo. Khách tham quan có thể chụp hình check-in và đăng tải hình ảnh của chính mình lên “bảng vàng” của từng địa điểm. Tính năng này cho phép du khách ghi lại dấu ấn cá nhân bằng cách đăng tải hình ảnh và tên lên hệ thống tại từng điểm tham quan, tạo sự tương tác thú vị mà không làm ảnh hưởng đến mỹ quan di tích.

z6099996844348_d1cdca2950c340736f8916424112f238.jpg
Du khách tương tác tại Hải Vân Quan

Ngoài ra, du khách cũng có thể tham gia vào các nhiệm vụ thú vị để nhận được những phần thưởng hấp dẫn…

Trong bối cảnh du lịch toàn cầu đang chuyển mình với xu hướng số hóa, những bước đi tiên phong như Tap Quest không chỉ mang lại lợi ích trực tiếp cho Huế mà còn mở ra hướng đi mới để nhân rộng mô hình trên cả nước. Không chỉ giúp nâng tầm trải nghiệm cho du khách, mô hình này còn thúc đẩy quảng bá hình ảnh di sản Huế một cách bền vững.

Tap Quest do start-up công nghệ make-in-Việt Nam Phygital Labs phát triển. Công nghệ mới này được Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Phygital Labs phối hợp phát triển riêng cho văn hoá và di sản Huế, với kỳ vọng sẽ triển khai mô hình hoàn thiện trên toàn bộ các địa điểm văn hoá và di sản tại TP Huế trực thuộc Trung ương trước thềm sự kiện đăng cai tổ chức Năm du lịch quốc gia và Festival Huế vào tháng 3/2025. Tap Quest hiện cũng đang trên đường “xuất khẩu” với các dự án đang chuẩn bị triển khai tại Mỹ.

Ngọc Minh