Bão số 10 giật cấp 15, các tỉnh Trung Bộ mưa rất to
Đời sống - Ngày đăng : 06:22, 14/09/2017
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, hồi 4 giờ ngày 14/9, vị trí tâm bão cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 140km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10, giật cấp 13.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 15-20km và tiếp tục mạnh lên. Đến 4 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão cách bờ biển các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị khoảng 190km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão, khu vực Bắc Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Hoàng Sa) có gió mạnh cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15. Biển động dữ dội.
Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km. Đến 16 giờ ngày 15/9, vị trí tâm bão nằm trên vùng bờ biển các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 15.
Trong 36 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20km, đi vào đất liền các tỉnh Nghệ An đến Quảng Trị, sau đó đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên khu vực Thượng Lào. Đến 4 giờ ngày 16/9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 18,6 độ Vĩ Bắc; 104,5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Bão số 10 giật cấp 15 tiến thẳng các tỉnh Nghệ An-Quảng Trị. Ảnh: NCHMF
Dự báo, từ trưa và chiều nay (14/9) vùng biển từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi (bao gồm đảo Cồn Cỏ, Cù Lao Chàm, Lý Sơn) gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm gió mạnh cấp 8-9, gần sáng và ngày mai (15/9) tăng lên cấp 10, cấp 11, vùng gần bão đi qua cấp 12-13, giật cấp 15; biển động dữ dội.
Vùng biển từ Thanh Hóa đến Quảng Bình (bao gồm đảo Hòn Ngư), khu vực phía Nam vịnh Bắc Bộ từ đêm nay có gió mạnh dần lên cấp 6-7, gần sáng và ngày mai tăng lên cấp 10-11, giật cấp 14; biển động rất mạnh. Khu vực phía Bắc Vịnh Bắc Bộ từ gần sáng và ngày mai có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, biển động mạnh.
Sóng vùng tâm bão lên tới 10m, vùng ven bờ 5-6m. Ven biển từ Hải Phòng tới Quảng Bình nước dâng do bão có khả năng cao 1,0m, riêng khu vực ven biển Thanh Hóa đến Hà Tĩnh khoảng 2,0m. Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ khu vực Nghệ An đến Quảng Trị cấp 4. Cấp độ rủi ro thiên tai bão vùng biển ven bờ các khu vực khác cấp 3.
Từ trưa và chiều ngày 15/9, trên đất liền ven biển các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có gió mạnh dần lên cấp 10-12, giật cấp 15, các khu vực sâu hơn trong đất liền có gió mạnh cấp 8-9, giật cấp 12, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 4. Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9; ven biển các tỉnh Thái Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thanh Hóa có gió mạnh cấp 8, giật cấp 11, cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3.
Từ hôm nay (14/9) đến hết ngày 16/9 ở các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to (100-300mm/đợt), riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Chủ động ứng phó với bão, Bộ đội Biên phòng tỉnh Thanh Hóa cho biết, đến 14 giờ 30 phút ngày 13/9, Thanh Hóa có 5.713 phương tiện với 17.219 lao động nghề cá đã cập bờ, vào các nơi tránh trú bão tại tỉnh. Hiện có 1.693 phương tiện, 9.938 lao động đang hoạt động trên các ngư trường từ tỉnh Quảng Ninh đến tỉnh Quảng Bình đã nắm được thông tin về cơn bão số 10, chủ động phòng tránh, thoát ra khu vực nguy hiểm hoặc cơ động về đất liền. Đáng chú ý có ba phương tiện, 33 lao động của xã Hoằng Trường, huyện Hoằng Hóa đang hoạt động trên Vịnh Bắc Bộ chưa liên lạc được.
Các đơn vị, địa phương trong tỉnh Nghệ An từ chiều 13/9, bắt đầu tổ chức lực lượng theo dõi, kiểm đếm, quản lý chặt việc ra khơi của tàu, thuyền để kịp thời xử lý các tình huống xấu có thể xảy ra và sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu. Tỉnh cũng yêu cầu ngành nông nghiệp và các địa phương khẩn trương thu hoạch nhanh lúa hè thu và các sản phẩm hoa màu khác; các hộ nuôi trồng thủy sản chủ động thu hoạch trước mưa bão, đồng thời có biện pháp bảo vệ các lồng, bè và các diện tích nuôi trồng thủy sản chưa đến kỳ thu hoạch.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Công điện về việc triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10 năm 2017. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Ban Chỉ đạo T.Ư về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các địa phương có liên quan hoãn các cuộc họp chưa thật sự cần thiết để tập trung chỉ đạo, triển khai các biện pháp ứng phó với bão theo phương châm “bốn tại chỗ”.