Chủ tịch nước Lương Cường: Thanh Hóa cần quán triệt mục tiêu đến năm 2030 là một trung tâm lớn vùng Bắc Trung Bộ và cả nước
Làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, sáng 5/12, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tỉnh cần quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 trở thành "Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước". .
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu tại buổi làm việc. |
Buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.
Báo cáo với Chủ tịch nước và đoàn tại buổi làm việc, thay mặt Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đỗ Minh Tuấn cho biết, từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, cùng với cả nước, tỉnh Thanh Hóa gặp không ít khó khăn, thách thức; song, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân Thanh Hóa đã đoàn kết, chủ động, sáng tạo, triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Trong đó, kinh tế của tỉnh tăng trưởng khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, năng lực sản xuất và quy mô nền kinh tế ngày càng tăng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021-2024 ước đạt 9,92%; quy mô GRDP năm 2024 ước đạt 318.752 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 3.360 USD.
Dự kiến đến hết năm 2024, tỉnh Thanh Hóa có 15 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2024 ước đạt 189.588 tỷ đồng; trong đó, riêng năm 2024 ước đạt 54.341 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay. Văn hóa, xã hội chuyển biến tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được nâng lên; quốc phòng-an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm.
Chủ tịch nước làm việc với Ban thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa. |
Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; năng lực lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp được nâng lên. Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng đã tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện đầy đủ, nghiêm túc, hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương; công tác giáo dục chính trị tư tưởng được đổi mới.
Bên cạnh kết quả đạt được, còn những hạn chế, yếu kém như chất lượng tăng trưởng kinh tế còn thấp; kết cấu hạ tầng vẫn còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu; chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi còn thấp; năng lực lãnh đạo của tổ chức đảng, chỉ đạo, quản lý, điều hành của chính quyền một số đơn vị cấp huyện, cấp xã còn hạn chế.
Trên cơ sở phân tích tiềm năng, lợi thế, yêu cầu phát triển, tỉnh Thanh Hóa xác định mục tiêu tiếp tục triển khai thực hiện thắng lợi các nghị quyết Trung ương, của Đảng bộ tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 Thanh Hóa trở thành một cực tăng trưởng mới ở phía bắc của Tổ quốc, đến năm 2030 trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, người dân có mức sống cao hơn bình quân chung của cả nước.
Để đạt được các mục tiêu, kế hoạch đề ra, tỉnh Thanh Hóa cũng kiến nghị Chủ tịch nước có ý kiến với Quốc hội, Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương cho 2 tỉnh Thanh Hóa và Hòa Bình thực hiện đầu tư dự án dự án tuyến đường giao thông nối đường Hồ Chí Minh với Quốc lộ 6; giao bổ sung biên chế bảo đảm theo Quyết định số 72-QĐ/TW ngày 18/7/2022; sửa đổi Nghị định số 76/2019/NĐ-CP theo hướng bổ sung chính sách thu hút đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động công tác ở khu vực miền núi, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn; điều chỉnh nâng định mức chi thường xuyên ngân sách nhà nước cho lĩnh vực quốc phòng-an ninh..
Tham gia ý kiến tại tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Lê Thành Long và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã phân tích làm rõ những tiềm năng, thế mạnh, đồng thời chỉ ra những mặt còn tồn tại, hạn chế làm cản trở sự phát triển của tỉnh Thanh Hóa. Các ý kiến đều đánh giá cao những kết quả nổi bật mà tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong phát triển kinh tế xã hội, đồng thời về cơ bản đồng tình với những kiến nghị, đề xuất, song cũng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần chủ động đưa ra những biện pháp. Các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, theo chức năng, nhiệm vụ, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành đã có giải đáp, đưa ra ý kiến, trao đổi rõ nhằm góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Thanh Hóa.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Lương Cường khẳng định trong những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn nhận được sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ rất lớn của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ; với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách quan trọng đã được ban hành nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đến nay, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đoàn kết, quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đạt được nhiều kết quả khá toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long phát biểu tại buổi làm việc. |
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Chủ tịch nước ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những thành tựu to lớn, đáng tự hào mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong những năm qua.
Bên cạnh những kết quả đạt được là cơ bản, là chủ yếu, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ tỉnh Thanh Hóa vẫn còn những hạn chế và đề nghị trong thời gian tới, tỉnh cần có giải pháp khắc phục. Trong đó, tỉnh Thanh Hóa cần quán triệt sâu sắc mục tiêu, định hướng phấn đấu đến năm 2030 trở thành "Tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại; một trong những trung tâm lớn của vùng Bắc Trung Bộ và cả nước về công nghiệp năng lượng và chế biến, chế tạo; nông nghiệp giá trị gia tăng cao; dịch vụ logistics, du lịch, giáo dục và đào tạo, y tế chuyên sâu và văn hóa, thể thao; một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía bắc của Tổ quốc, đến năm 2045 là "tỉnh phát triển toàn diện và kiểu mẫu của cả nước".
Chủ tịch nước cũng đề nghị tỉnh thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ, chính quyền và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu vì sự nghiệp chung, có khát vọng. Tập trung cao cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo chuẩn bị và tổ chức Đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2025-2030 theo đúng tinh thần Chỉ thị số 35 ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị, có vận dụng cụ thể, sát với tình hình của Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa; trong đó chú trọng chất lượng xây dựng văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh; tham gia góp ý các dự thảo văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc; chuẩn bị tốt công tác nhân sự.
Đại diện lãnh đạo bộ, ngành tham gia ý kiến tại buổi làm việc. |
Xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách để thu hút nhân tài, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng lực hội nhập kinh tế quốc tế, tận dụng tối đa những tiềm năng khác biệt, lợi thế cạnh tranh của tỉnh, tạo động lực để phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững, phát triển hài hòa, cân đối giữa các vùng, miền, địa phương trong tỉnh. “Làm sao để nhân dân Thanh Hóa ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, người dân ấm no, hạnh phúc”, Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Chủ tịch nước cũng chỉ rõ, tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Thanh Hóa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Thanh Hóa theo Nghị quyết số 37 của Quốc hội và các cơ chế, chính sách của tỉnh đã ban hành. Chú trọng sắp xếp, phân bố không gian phát triển theo hành lang kinh tế, trục phát triển; trong đó, tập trung phát triển 4 trung tâm kinh tế động lực, 5 trụ cột tăng trưởng, 6 hành lang kinh tế. Tăng cường tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản cho phát triển; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, huy động và khơi thông mọi nguồn lực bên trong và bên ngoài cho phát triển kinh tế-xã hội.
Đối với các hoạt động văn hóa-xã hội, Chủ tịch nước đề nghị tỉnh Thanh Hóa đổi mới mạnh mẽ, toàn diện giáo dục và đào tạo, chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục khu vực miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đẩy mạnh công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, đời sống của nhân dân; thực hiện hiệu quả các chính sách dân tộc, tôn giáo. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa, xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh; xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, toàn diện và khu vực biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
Toàn cảnh buổi làm việc. |
Chủ tịch nước nhấn mạnh tỉnh cần tập trung triển khai thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy trong hệ thống chính trị tinh-gọn-mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; trọng tâm trước mắt là tập trung tổng kết Nghị quyết số 18 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Cho biết tinh thần là tập trung làm các cơ quan Trung ương trước, gương mẫu, trên cơ sở đó địa phương tập trung triển khai Chủ tịch nước lưu ý khi triển khai cần rất cụ thể, không chủ quan; kết hợp chặt chẽ công tác tổ chức, tư tưởng, công tác chính sách.
Về các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Chủ tịch nước đánh giá là rất xác đáng, thiết thực, xuất phát từ thực tiễn, khát vọng vươn lên của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân trong tỉnh. Chủ tịch nước giao Văn phòng Chủ tịch nước tổng hợp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa, cùng đồng hành, với sự năng động, sáng tạo, đột phá của chính quyền địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho tỉnh Thanh Hóa phát triển nhanh và bền vững.
Chủ tịch nước tin tưởng Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện thắng lợi, toàn diện các chỉ tiêu, nhiệm vụ mà Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng