Tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay, bồi thường gần 700 triệu đồng
Đời sống - Ngày đăng : 10:14, 08/09/2017
Ngày 30/8/2017, TAND thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội đã ra Quyết định số 10/2017QĐST-DS công nhận hoà giải thành giữa hành khách đi máy bay là ông Nguyễn Thanh Ch. và hãng hàng không VietJet. Vụ việc này đã kéo dài hơn 2 năm, do các bên không có tiếng nói chung.
Theo thông tin có được từ TAND thị xã Sơn Tây: Vào 16h30 ngày 17/4/2015, trên chuyến bay VJ175 của VietJet, hành trình Hà Nội – thành phố Hồ Chí Minh khi đang làm thủ tục đón khách lên máy bay (boarding), bất ngờ hành khách Nguyễn Thanh C, ghế ngồi số 3D mở cửa thoát hiểm.
Để xử lý sự cố này, VietJet đã phải đưa toàn bộ hành khách quay lại phòng chờ để nhân viên kỹ thuật xử lý tình trạng máy bay.
Chuyến bay VJ175 có tổng cộng 202 hành khách nhưng theo quy định về an toàn bay, VietJet đã phải cắt lại 51 khách, tương ứng với cửa thoát hiểm vừa bị mở để đảm bảo các quy định về an toàn bay. Ngoài ra, VietJet phải hỗ trợ bồi thường cho mỗi hành khách bị cắt lại và bố trí bay trên các chuyến khác trong ngày.
Luật sư Dương Lê Ước An – Luật sư bảo vệ cho Hãng hàng không VietJet
Đến thời điểm 19 giờ 36 phút cùng ngày, chuyến bay VJ175 mới có thể tiếp tục hành trình, gần 150 hành khách đã phải khởi hành chậm 3 tiếng so với dự kiến do sự cố mở cửa thoát hiểm.
Đồng thời, máy bay sau khi chở khách về tới thành phố Hồ Chí Minh phải dừng bay để xử lý sự cố cửa thoát hiểm, gây xáo trộn lịch bay và chậm một số chuyến. VietJet phải điều máy bay khác phục vụ các chuyến kế tiếp.
Căn cứ vào Bản tường trình ngày 17/04/2015 của ông Ch, khách hàng này thừa nhận hành vi mở cửa thoát hiểm và cam kết hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật cho những thiệt hại do mình gây ra.
Với hành vi nêu trên của hành khách, VietJet hiện đã và đang là bên phải gánh chịu thiệt hại đối với hành vi mở cửa thoát hiểm tàu bay A321 của hành khách Nguyễn Thanh Ch. vào ngày 17/4/2015.
Hành vi của ông Ch là mở cửa thoát hiểm của tàu bay khi chưa có yêu cầu của tiếp viên đã gây thiệt hại về vật chất khi VietJet phải bồi thường cho khách hàng vì cắt khách, chậm chuyến, trễ chuyến – căn cứ vào bảng kê thanh toán bồi thường thiện chí cho khách hàng tại sân bay kèm theo các giấy tờ như vé, chứng minh nhân dân của hành khách được bồi thường; chi phí sửa chữa phao cứu sinh, bình khí, chi phí thuê phao cứu sinh, chi phí vận chuyển theo các hóa đơn đính kèm và còn ảnh hưởng đến lịch bay của VietJet, ảnh hưởng đến uy tín thương hiệu của VietJet .
Luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hãng hàng không VietJet với tư cách là người đại diện theo uỷ quyền là ông Dương Lê Ước An – Luật sư thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.
Theo ông An thiệt hại trong vụ án này do hành khách tự ý mở cửa thoát hiểm đã gây thiệt hại về mặt thực tế cho Hãng hàng không VietJet lên đến con số là 1 tỷ 344 triệu 720 đồng. Tuy nhiên sau khi xem xét, và trên cơ sở thương lượng đàm phán thì VietJet yêu cầu khách hàng phải bồi thường số tiền gần 700.000.000 đồng.
Trao đổi báo chí, Luật sư Dương Lê Ước An cũng khuyến cáo mọi người khi đi bất cứ hãng hàng không nào cũng phải thận trọng, không được tự ý làm gì trên chuyến bay khi chưa có sự hướng dẫn hoặc đồng ý của nhân viên.