Từ đầu năm đến nay, cả nước xảy ra 458 trận động đất
Theo thống kê từ Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam), trên cả nước đã xảy ra 458 trận động đất từ đầu năm đến nay, trong đó có đến 430 trận xảy ra ở huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum.
Các trận động đất lớn nhỏ xảy ra trên 17 tỉnh từ đầu năm tới nay bao gồm: Kon Tum, Hòa Bình, Tuyên Quang, Phú Yên, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Yên Bái, Vĩnh Phúc, Thừa Thiên - Huế, Thanh Hóa, Điện Biên, Ninh Bình, Lai Châu, Cao Bằng, Lào Cai, Phú Thọ và Hà Nội.
Cập nhật từ Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu cũng cho thấy, chỉ riêng trong tháng 11 vừa qua, huyện Kon Plong, tỉnh Kon Tum hứng chịu 39 trận động đất, lớn nhất là 4.0 độ richter trong tổng số 44 trận trên cả nước.
Trong đó một số ngày xuất hiện nhiều trận động đất như: Ngày 30/11 đã xảy ra 6 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.5 đến 4; ngày 27/11 xảy ra 5 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.5 đến 2.9; ngày 26/11 xảy ra 12 trận động đất liên tiếp có độ lớn từ 2.6 đến 3.8; ngày 16/11 xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 3.1 đến 3.2; ngày 13/11 xảy ra 3 trận động đất có độ lớn từ 2.8 đến 3.3.
5 trận động đất còn lại xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My thuộc tỉnh Quảng Nam và huyện Thanh Thủy của tỉnh Phú Thọ, với độ lớn từ 2.6-3.3.
Đáng chú ý, trận động đất có độ lớn 3.3 xảy ra tại huyện Thanh Thủy (tỉnh Phú Thọ) vào ngày 9/11, đã gây rung lắc nhẹ tại các khu vực lân cận, thậm chí rung lắc còn lan rộng tới một ố khu vực ở Hà Nội.
Lý giải về những trận động đất xảy ra liên tiếp ở Kon Plong, Kontum, đại diện Viện Vật lý Địa cầu cho biết, các trận động đất tại Kon Plong là động đất kích thích, xảy ra do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới.
Một số yếu tố liên quan đến động đất kích thích như mực nước hồ chứa, tốc độ tích nước hồ chứa, tổng lượng nước sẽ tác động đến động đất. Tuy vậy, những ảnh hưởng này có thể diễn ra sau vài tháng, vài năm khi ngấm đủ xuống bên dưới.
Trên thực tế có 3 điều kiện để có thể xảy ra động đất kích thích. Thứ nhất là nền đất, ở Việt Nam đã xảy ra trong nền đất đá vôi, đá granite và đá biến chất. Ở Kon Tum thường xảy ra trong điều kiện nền đá biến chất. Điều kiện thứ hai để xuất hiện động đất kích thích là ứng xuất kiến tạo. Điều kiện thứ 3 là đới biến dạng kiến tạo liên thông với hồ chứa và khi hồ chứa đủ mức lớn sẽ gây ra động đất lớn.
Tại Việt Nam, động đất kích thích từng xảy ra tại thủy điện Hòa Bình, thủy điện Sông Tranh 2, thủy điện Sơn La. Trong đó, động đất kích thích xảy ra tại sông Tranh 2 kéo dài hơn 10 năm với cả nghìn trận.
TS Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, một trong những tác động trực tiếp của các trận động đất là rung cuộn mặt đất, gây ra hiện tượng nứt vỡ, làm sụp đổ các công trình xây dựng, gây sạt lở đất đá, lở tuyết. Mức độ nghiêm trọng của nó dựa trên cường độ, khoảng cách tính từ chấn tâm, và các điều kiện về địa chất, địa mạo tại nơi bị ảnh hưởng.
TS Cao Đình Triều – chuyên gia về động đất dự báo, động đất ở Kon Tum sẽ còn tiếp diễn nhưng sẽ theo từng đợt và khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter và gây ảnh hưởng đến khu vực đông dân cư và công trình trọng điểm, đặc biệt là vùng tâm chấn. Chính vì vậy, địa phương cần cập nhật thông tin thường xuyên để đưa ra phương án thiết kế kháng chấn cho các loại công trình.
Bên cạnh đó, do vị trí địa lý giáp ranh, dù động đất xảy ra tại tỉnh Kon Tum, nhưng người dân ở huyện miền núi Nam Trà My, Quảng Nam vẫn chịu ảnh hưởng mạnh từ dư chấn.
Mới đây, trong ngày 1/12, tại huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum vẫn tiếp tục xảy ra thêm 3 trận động đất có độ lớn lầm lượt là 2,7, 2,8 và 3,2. Các trận động đất có độ sâu chấn tiêu từ 8,5km đến 10km. Viện Vật lý Địa cầu đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Theo quy định về “quy chế phòng, chống động đất, sóng thần,” ủy ban nhân dân các cấp khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần phải thông báo tin trên đến nhân dân trong khu vực; tổ chức hướng dẫn sơ tán dân và huy động các phương tiện trên địa bàn để giúp dân sơ tán đến nơi an toàn đồng thời có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự trong khu vực.
Khi nhận được tin động đất, cảnh báo sóng thần, mọi công dân trong vùng bị ảnh hưởng phải chủ động sơ tán khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo an toàn.