Phóng sự - Ghi chép

Người Gié - Triêng giữ gìn, phát huy văn hóa truyền thống dân tộc

Văn Hà 02/12/2024 - 12:21

Cộng đồng dân tộc Gié – Triêng sinh sống chủ yếu ở hai huyện Đăk Glei và Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) với dân số trên 39.000 người. Bên cạnh tích cực lao động sản xuất, đoàn kết, chăm lo đời sống mới, họ còn tích giữ gìn vốn văn hóa truyền thống quý báu của cha ông để lại.

Đầu tháng 12, chúng tôi có dịp về làng Đăk Wâk (xã Đăk Kroong, huyện Đăk Glei) và được chứng kiến căn nhà Rông mới được sửa sang khang trang, đẹp và hoành tráng của bà con dân làng. Điểm nhấn của nhà Rông là phần mái với thiết kế tựa như chiếc rìu, vươn mình đẩy kiêu hãnh; bên trong là các cột, kèo được ghép nối, sắp xếp trật tự với nhau bằng những vật liệu của núi rừng…

Khi nói đến người Gié – Triêng, không thể không nhắc đến văn hóa nhà Rông, nhà sàn độc đáo.

nha-rong-truyen-thong-cua-nguoi-gie-trieng-mang-net-kien-truc-doc-dao-thu-hut-du-khach.jpg
Nhà rông truyền thống của người Gié - Triêng là nơi tụ họp, sinh hoạt cộng đồng.

Từ xa xưa, đây là nơi sinh hoạt chung của cộng đồng, là nơi những thanh niên trai tráng đan lát, đánh cồng chiêng, làm nhạc cụ. Những người phụ nữ quay tơ, dệt vải, đàn ca. Đây cũng là nơi giao duyên, chứng kiến bao mối tình đẹp nảy nở của các chàng trai, cô gái Gié - Triêng.

Trải qua thời gian, dù có sự giao thoa với nhiều cộng đồng dân tộc khác, người Gié – Triêng trên địa bàn tỉnh vẫn giữ nhiều nét riêng, độc đáo trong văn hóa truyền thống của mình. Nhiều nét đặc sắc trong kiến trúc nhà Rông, nghệ thuật dệt thổ cẩm, đan lát, cồng chiêng, múa xoang, dân ca, nhạc cụ truyền thống được bảo tồn và phát huy.

Đứng bên căn nhà Rông mới khang trang, nghệ nhân A Nam (làng Đăk Wâk) phấn khởi chia sẻ, chứng kiến căn nhà Rông lâu ngày xuống cấp, với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, bà con trong làng đã bàn bạc để phục dựng theo đúng nguyên bản của ngày xưa, phần lớn các công đoạn đều làm bằng mây, tre, gỗ. Dù làm bằng nguyên liệu tự nhiên sẽ tốn công sức và vất vả hơn, nhưng bà con vẫn cố gắng làm với ước muốn giữ được bản sắc truyền thống, nhất là trong thế hệ con cháu.

Mỗi khi căn nhà Rông được sửa sang, phục dựng mới, bà con người Gié – Triêng tại các thôn làng ai nấy đều mừng rỡ, reo vui như những ngày xuân về. Các hoạt động, lễ hội diễn ra dưới mái nhà Rông lại sôi nổi, rộn ràng hơn ngày thường.

nghe-nhan-gie-trieng-dang-che-tac-nhac-cu-bang-tre-nua.jpg
Các nghệ nhân người Gié - Triêng say xưa chế tác nhạc cụ truyền thống dân tộc.

Ngoài huyện Đăk Glei, cộng đồng người Gié - Triêng trên địa bàn tỉnh còn sinh sống nhiều ở xã Đăk Dục và xã Đăk Nông (huyện Ngọc Hồi). Đặc biệt, cộng đồng người Gié – Triêng tại đây nổi tiếng với nhạc cụ bằng tre nứa rất độc đáo, đa dạng về âm điệu và chức năng.

Nghệ nhân Brol Vẻ (ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục) được xem là “cây đại thụ” của làng về cồng chiêng, các loại nhạc cụ dân tộc, gắn bó với ông từ khi trẻ. Nhiều năm qua, dù đã cao tuổi nhưng ông đã truyền dạy cho không biết bao nhiêu người cách chơi, chế tác và truyền lửa đam mê đối với các loại nhạc cụ truyền thống.

Nghệ nhân Brol Vẻ cho biết, các nhạc cụ của người Gié – Triêng tại đây được làm bằng đa dạng chất liệu như tre, nứa, lồ ô, gỗ, vỏ bầu, sừng, kim loại, phục vụ hiệu quả đời sống tinh thần của bà con. Dù bằng một ống nứa, thanh tre, quả bầu thì các loại nhạc cụ dân gian đều rất độc đáo.

Các nghệ nhân đã cảm nhận, chế tác, truyền thụ âm nhạc dân tộc truyền thống theo một cách riêng của mình. Họ dựa vào đôi tai để xác định độ trầm, bổng từng loại nhạc cụ như: Trống, chiêng, Đinh tút, sáo, đàn… Mỗi nhạc cụ được sử dụng trong một hoàn cảnh khác nhau, có loại dùng trong lễ hội, có loại chỉ đánh trên nương rẫy, có loại là phương tiện để bày tỏ tình yêu đôi lứa, có loại vừa để giải trí vừa để xua đuổi chim, thú…

doi-nghe-nhan-gie-trieng-dang-hang-say-bieu-dien-tai-le-hoi.jpg
Người Gié - Triêng sinh sống tại huyện Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) luôn đoàn kết, gìn giữ văn hóa truyền thống.

Bên cạnh các loại nhạc cụ, đời sống văn hóa, tinh thần phong phú của người Gié – Triêng còn thể hiện qua các làn điệu dân ca gần gũi, dung dị, thấm đượm tình cảm, tình yêu đối với con người, thiên nhiên và cộng đồng. Đặc biệt, nhiều lễ hội lớn nhỏ gắn với các nghi lễ về nông nghiệp, tín ngưỡng đa thần được bà con giữ gìn và phát huy.

Với sự tâm huyết trong gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng người Gié – Triêng trên địa bàn không chỉ góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng các DTTS khác, mà còn là nguồn lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Văn Hà