Tháo gỡ mọi khó khăn, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ ngành logistics Việt Nam
Sáng 2/12, tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Phiên toàn thể Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 với chủ đề Khu Thương mại tự do-Giải pháp đột phá thúc đẩy tăng trưởng logistics do Bộ Công Thương phối hợp Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương, các chuyên gia, tổ chức quốc tế, cộng đồng doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024.(Ảnh: Thanh Giang) |
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm 2024, cả nước có gần 6,5 nghìn doanh nghiệp trong lĩnh vực logistics đăng ký thành lập mới (chiếm 5,33% tổng số doanh nghiệp thành lập mới của cả nước) với tổng số vốn đăng ký là 36,55 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký gần 28,9 nghìn lao động, tăng 13,5% về số doanh nghiệp, tăng 18,3% về số lao động, nhưng lại giảm 11,3% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, số doanh nghiệp lĩnh vực vận tải, kho bãi thành lập mới có 6.503 doanh nghiệp, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu ý kiến khai mạc Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. |
Cũng trong 9 tháng năm 2024, hơn 86,9 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, 4.519 doanh nghiệp vận tải kho bãi phải tạm ngừng hoạt động, tăng 10,2%. Gần 13 nghìn doanh nghiệp hoàn tất làm thủ tục giải thể, trong đó, doanh nghiệp vận tải kho bãi có 490 doanh nghiệp, chiếm 3,79% tổng số doanh nghiệp giải thể cả nước. Nhìn chung, bên cạnh một số công ty logistics có sự tăng trưởng ổn định và ấn tượng thì các doanh nghiệp logistics nhỏ và vừa ghi nhận sự sụt giảm trong kết quả kinh doanh, thua lỗ và thậm chí, rút khỏi thị trường.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024 được tổ chức tại tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. |
Về năng lực cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp: năm 2023, theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB), Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) của Việt Nam ở vị trí 43/139 nền kinh tế được xếp hạng, cải thiện đáng kể so với vị trí 53 vào năm 2010. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam thuộc top 5 khi cùng thứ hạng với Philippines và đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan. Nếu xét trong các thị trường mới nổi thì Việt Nam thuộc nhóm 10/50 thị trường logistics mới nổi trên thế giới, theo bảng xếp hạng về chỉ số thị trường mới nổi của Nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần kho vận Agility. Trong số đó, chỉ tiêu về cơ hội logistics quốc tế, Việt Nam xếp hạng 4 thế giới và được đánh giá là quốc gia có tiềm năng phát triển logistics hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, ngành logistics trên phạm vi cả nước vẫn còn nhiều hạn chế, chưa thực sự tương xứng với điều kiện và tiềm năng phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh phát biểu ý kiến tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. |
Với mục tiêu trở thành một điểm đến cung cấp nhiều dịch vụ cho đối tác và khách hàng (one-stop-service), tăng cường tính cạnh tranh, các doanh nghiệp trong ngành đang không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường vận tải đa phương thức, tăng cường liên minh, liên kết giữa các hãng vận tải, cung cấp dịch vụ logistics tích hợp.
Hoạt động vận tải biển trong nước chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tình hình vận tải biển trên thế giới làm cho giá cước tăng cao và thay đổi hàng tuần, khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn. Chỉ trong vòng hai tháng, từ tháng 4 đến tháng 6/2024, cước vận tải biển từ các cảng ở Thành phố Hồ Chí Minh đi Mỹ, châu Âu đã tăng tới 300%, từ 2.950 USD lên 7.350 USD đối với mỗi container loại 40 feet. Việc biến động giá cước nhanh chóng như trên do tác động của các yếu tố như xung đột Nga-Ukraine, tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ, hay tình trạng khô hạn kéo dài tại kênh đào Panama. Từ những khó khăn trên, các doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp logistics đã phải hướng đến mục tiêu tối ưu hóa vận tải đa phương thức, thay vì một phương thức như trước đây.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương thuyết trình tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. |
Phát biểu ý kiến tại Diễn đàn, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên nêu rõ, thời gian qua, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách và chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành dịch vụ logistics.
Với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc tích cực, hiệu quả của các ban, bộ, ngành và các địa phương; đặc biệt là nỗ lực vượt bậc của cộng đồng doanh nghiệp, ngành dịch vụ logistics nước ta đã có những bước phát triển khá mạnh (tăng bình quân 14-16%/năm), từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế của Ngành trong khu vực và thế giới. Năm 2024, Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá, xếp hạng thuộc Top 10 thị trường logistics mới nổi; Top 4 thế giới về Chỉ số cơ hội logistics và Top 43 về Chỉ số Hiệu quả Logistics.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, ngành dịch vụ logistics Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của đất nước; chi phí logistics còn cao, năng lực cạnh tranh thấp; sự thiếu hụt về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao và thiếu tính kết nối về hạ tầng là những “điểm nghẽn” lớn, kìm hãm sự phát triển của dịch vụ logistics thời gian qua.
Bên cạnh đó, những biến đổi về địa chính trị và các xu hướng kinh doanh mới (như dịch chuyển chuỗi cung ứng, thương mại điện tử xuyên biên giới, tiêu chuẩn phát triển xanh và bền vững) cùng với sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt cũng đặt ra nhiều thách thức mới đối với sự phát triển của nền kinh tế nói chung và dịch vụ logistics nói riêng.
GS.TS John Kent, Trường Đại học Arkansas (Hoa Kỳ), trình bày tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2024. |
Diễn đàn Logistics Việt Nam là sự kiện thường niên được tổ chức từ năm 2013 đến nay với mục tiêu đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics, tạo mối liên hệ gắn kết giữa logistics với các ngành sản xuất, thương mại trong nước và xuất nhập khẩu.
Qua 11 lần tổ chức, Diễn đàn đã trở thành thương hiệu uy tín, có tính thời sự và ý nghĩa thực tiễn sâu sắc; thu hút được sự quan tâm và đánh giá cao của Lãnh đạo Chính phủ, các ban, bộ, ngành, địa phương, các Tổ chức quốc tế và các Hiệp hội ngành hàng, cộng đồng doanh nghiệp; là dịp để các bên liên quan cùng trao đổi, đối thoại về những vấn đề thời sự của Ngành và đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền về những giải pháp nhằm hoàn thiện môi trường kinh doanh đối với ngành dịch vụ quan trọng này.
Nhân dịp này đã diễn ra lễ ra mắt Hiệp hội Logistics và cảng biển Bà Rịa-Vũng Tàu. |