Chính trị

Chủ tịch Quốc hội: Tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế

Duy Tuấn - Hữu Tuấn- Tuấn Dũng 01/12/2024 - 13:52

Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18, sáng 1/12, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã quán triệt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế", cụ thể là thông qua cách thức tổ chức và kết quả Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV.

Khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào cuộc sống

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, việc Chủ tịch Quốc hội báo cáo chuyên đề về hoạt động của Quốc hội tại Hội nghị quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII chính là thể hiện sự đổi mới, đoàn kết, thống nhất rất cao của toàn đảng, toàn dân, toàn quân và của cả hệ thống chính trị, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

qh1.jpg
Toàn cảnh Hội nghị.

Khẩn trương đưa chủ trương của Đảng vào thực tiễn cuộc sống, giải quyết những vấn đề quan trọng, cấp bách của đất nước; tập trung, tháo gỡ nhanh, khơi thông 3 điểm nghẽn lớn nhất hiện nay là thể chế, hạ tầng và nhân lực, trong đó thể chế là "điểm nghẽn" của "điểm nghẽn"; tạo tiền đề, chuẩn bị ngay về mọi mặt để đất nước ta bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Nhằm kịp thời thể chế hóa chủ trương, Nghị quyết của Đảng, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước, giải quyết những vấn đề có tính tất yếu khách quan đặt ra từ thực tiễn, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, tại Kỳ họp họp thứ 8, Quốc hội đã khẩn trương, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ nhiều giải pháp đổi mới, cải tiến để quyết tâm nâng cao chất lượng xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

Chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực

Kế thừa, phát huy những ưu điểm, bài học kinh nghiệm của các nhiệm kỳ Quốc hội trước đây; lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà quản lý, của doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là qua thực tiễn hoạt động, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có những đổi mới ngay từ khâu chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 8.

Theo đó, Đảng đoàn Quốc hội và Ban cán sự đảng Chính phủ đã tổ chức 2 cuộc họp; 1 cuộc trước khai mạc Kỳ họp hơn 1 tháng để rà soát các nội dung của Kỳ họp; 1 cuộc họp trước khai mạc Kỳ họp 1 tuần để thống nhất lần cuối về dự kiến Chương trình Kỳ họp và các nội dung báo cáo Quốc hội. Đổi mới trong công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra trong quá trình xây dựng dự thảo các luật, nghị quyết trên tinh thần đồng hành thực chất, tranh luận đến cùng, tôn trọng lắng nghe, lý lẽ dân chủ nhưng phải đi đến phương án thống nhất tối ưu.

qh2.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã quán triệt chuyên đề "Tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế".

Các dự thảo báo cáo, tờ trình, luật, nghị quyết được kịp thời gửi đến các vị đại biểu Quốc hội để nghiên cứu, chuẩn bị ý kiến. Quốc hội đã bố trí làm việc vào 5 ngày nghỉ cuối tuần và kéo dài thời gian một số phiên họp so với thời gian quy định để hoàn thành các nội dung theo chương trình.

Cùng với đó là rút ngắn thời gian trình bày tờ trình, báo cáo, dành thời gian cho Quốc hội thảo luận, các cơ quan phát biểu, giải trình; giảm thời gian thảo luận tại hội trường, tăng thời gian thảo luận tại tổ để bảo đảm nhiều vị đại biểu Quốc hội được phát biểu ý kiến, trao đổi, thảo luận.

Ngay sau ngày thảo luận tại tổ, cơ quan trình và cơ quan thẩm tra đã phối hợp báo cáo giải trình sơ bộ, một ý kiến cũng phải được nghiên cứu, giải trình tiếp thu thấu đáo.

Đặc biệt là sự đổi mới sâu sắc về tư duy và phương thức tiến hành công tác lập pháp. Cụ thể là, các luật phải ngắn gọn, rõ ràng, chỉ quy định những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội, tạo điều kiện thuận lợi, giao quyền chủ động, linh hoạt cho Chính phủ trong quá trình tổ chức thực hiện luật. Tăng cường phân cấp, phân quyền, cải cách hành chính; chuyển mạnh từ luật thiên về quản lý sang kết hợp hài hòa giữa quản lý có hiệu quả với kiến tạo phát triển, khuyến khích đổi mới sáng tạo, kiên quyết từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

"Trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý, các cơ quan đã rà soát, thống nhất cao về việc lược bỏ khỏi dự thảo Luật những quy định thuộc thẩm quyền của Chính phủ, các bộ và cơ quan khác; không luật hóa các nội dung thông tư, nghị định; đối với những vấn đề cụ thể còn đang trong quá trình vận động, chưa ổn định thì luật chỉ quy định khung và giao Chính phủ quy định chi tiết, đảm bảo linh hoạt trong điều hành, đáp ứng yêu cầu thực tiễn", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chính vì vậy, số lượng các chương, điều, khoản trong các dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý đã giảm đáng kể so với dự thảo Luật ban đầu do Chính phủ trình. Cụ thể như: dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) giảm 2 chương, 3 điều và 5 khoản; dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) giảm 49 điều; dự án Luật Việc làm (sửa đổi) giảm 36 điều; dự án Luật Nhà giáo giảm 21 điều; Luật Đầu tư công (sửa đổi) giảm 9 điều; Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn giảm 6 điều; Luật Dữ liệu giảm 5 điều.

"Việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 4 luật trong lĩnh vực đầu tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật trong lĩnh vực tài chính, ngân sách... là ví dụ điển hình cho việc xây dựng luật theo hướng chuyển tư duy quản lý sang khơi thông nguồn lực với tinh thần đột phá, cải cách, phân cấp, phân quyền theo phương châm "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm", Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ giữ vai trò kiến tạo, tăng cường hoàn thiện thể chế và kiểm tra, giám sát; bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tránh tạo cơ chế "xin-cho"; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể", Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội cũng đã xem xét, thông qua theo quy trình, thủ tục rút gọn tại một kỳ họp đối với 7 luật, 4 nghị quyết quan trọng với nhiều quy định mới được đánh giá là chính sách đột phá, nhằm kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng; đồng thời, với tầm nhìn dài hạn, khẩn trương xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề mới, xu hướng mới như quản lý và sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, phát triển điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... tạo khuôn khổ pháp lý để thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội.

Kiến tạo không gian phát triển mới

Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, tạo đột phá để hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát huy tối đa nguồn lực, kiến tạo không gian phát triển mới như: thông qua với tỷ lệ tán thành cao chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương...

Đặc biệt, chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam là minh chứng rõ ràng cho tư duy đổi mới trong phát triển hạ tầng quốc gia, không tiếp cận đơn lẻ, cục bộ mà được hoạch định trên góc nhìn tổng thể, kết hợp hài hòa giữa các mục tiêu kinh tế, quốc phòng, an ninh, xã hội và môi trường.

Cùng với đó, nhiều cơ chế, chính sách để giải quyết kịp thời các vấn đề quốc kế dân sinh, tháo gỡ nhanh nhất các khó khăn, điểm nghẽn liên quan đến cơ chế, chính sách, các dự án, đất đai, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển, giải phóng các nguồn lực, hỗ trợ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, đáp ứng yêu cầu cấp bách của thực tiễn cũng đã được Quốc hội thông qua như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế quy định từng bước liên thông, thông tuyến trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế; giảm thuế giá trị gia tăng, Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy đến năm 2030...

Quốc hội đã cho phép sử dụng nguồn cắt giảm, tiết kiệm 5% chi thường xuyên năm 2024 của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương để hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo; đồng thuận cao về chủ trương xây dựng và hoàn thiện hành lang pháp lý cho vấn đề mới, vấn đề mang tính chất thời đại như phát triển hạ tầng năng lượng quốc gia (chủ trương khởi động lại việc đầu tư dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận), trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh... tạo đột phá cho phát triển đất nước những năm tiếp theo.

Giám sát của Quốc hội đi vào thực chất

Về giám sát, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, hoạt động giám sát của Quốc hội đi vào thực chất, hiệu quả, kịp thời chấn chỉnh các sai sót, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện của các cấp, các ngành, các địa phương; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo chuyển biến thực sự trong thực tiễn.

Quốc hội tiếp tục nâng cao hiệu quả việc giám sát thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; đồng thời, tập trung nghiên cứu, xác định rõ phương pháp, lựa chọn các hình thức giám sát phù hợp với thực tiễn như giám sát từ cơ sở, giám sát đột xuất..., kết hợp giám sát của Quốc hội với HĐND địa phương; kế thừa được kết quả giám sát, kết quả thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; quán triệt quan điểm giám sát là để tăng hiệu quả thực chất thực hiện chính sách, pháp luật, tránh trùng lặp với hoạt động của các cơ quan nhà nước khác; không để ảnh hưởng, cản trở đến hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, trong thời gian diễn ra Kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thường xuyên tổ chức các phiên họp ngoài giờ để xem xét, cho ý kiến đối với các nội dung còn nhiều ý kiến khác nhau, các nội dung cấp bách được đề xuất bổ sung vào chương trình Kỳ họp và nhiều nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền.

Duy Tuấn - Hữu Tuấn- Tuấn Dũng