Cấm quyết định chủ trương đầu tư khi không có khả năng cân đối vốn
Luật Đầu tư công (sửa đổi) nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn...
Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp 8, chiều 29/11, với 441/448 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,07% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025. Luật Đầu tư công (sửa đổi) gồm 7 chương, 103 Điều, quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.
Theo Luật, ngành, lĩnh vực sử dụng vốn đầu tư công bao gồm: quốc phòng; an ninh và trật tự, an toàn xã hội; giáo dục, đào tạo và giáo dục nghề nghiệp; khoa học, công nghệ; y tế, dân số và gia đình; văn hóa, thông tin; phát thanh, truyền hình, thông tấn; thể dục, thể thao; bảo vệ môi trường; các hoạt động kinh tế; hoạt động của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị và tổ chức chính trị - xã hội; bảo đảm xã hội; ngành, lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
Luật nghiêm cấm quyết định chủ trương đầu tư hoặc quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không xác định được nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; không đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, nghiêm cấm lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; đưa, nhận, môi giới hối lộ; làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, nhiệm vụ, dự án; sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.