Phú Quốc (Kiên Giang): Cần xem xét, cho phép người dân sử dụng đất kết hợp đa mục đích
Người sử dụng đất đang cố gắng thực hiện việc sử dụng đất có hiệu quả theo cơ chế sử dụng đất kết hợp đa mục đích được quy định trong Luật Đất đai năm 2024 nên mong muốn chính quyền địa phương cho phép sử dụng đất kết hợp đa mục đích để góp phần phát triển kinh tế, xã hội và tạo công ăn việc làm cho người dân.
Sử dụng đất kết hợp đa mục đích góp phần phát triển dịch vụ du lịch
Do đã khai khẩn và canh tác từ những năm 1970 nên gia đình ông Mai Văn Sơn được UBND TP Phú Quốc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại khu vực núi Điện Tiên, phường Dương Đông với diện tích 30.000 m2, sau đã chuyển nhượng khu đất trên cho ông Lê Trọng Đại. Ông Đại đã xin chuyển mục đích sử dụng đất và được cho phép chuyển đổi sang đất ở với hạn mức là 300m2 đất ở, còn lại là đất trồng cây lâu năm.
Đầu năm 2024, ông Đại cho xây dựng nhà ở riêng lẻ tại khu vực chưa được chuyển đổi mục đích sử dụng đất nên đã bị UBND phường Dương Đông lập biên bản vi phạm, UBND TP Phú Quốc đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Trọng Đại và buộc tháo dỡ công trình vi phạm.
Chấp hành quyết định xử phạt, ông Đại đã tháo dỡ phần trên công trình xây dựng, còn lại một sàn bê tông chưa tháo dỡ, được giữ lại để sử dụng. Ông Đại cho lắp đặt khung tre nứa và lợp mái bằng lá cây để sử dụng trên phần sàn bê tông nhằm phục vụ cho việc quản lý, sử dụng khu đất của gia đình ông.
Tháng 8/2024, ông Đại đã cho ông Trần Văn Lương thuê khu đất trên để sử dụng. Hiện nay trên khu đất có phát sinh việc cải tạo khu vực nhà tre mái lá của ông Đại và lắp đặt thêm một số hạng mục mở rộng sàn nhà để sử dụng. Ngoài ra, ông Lương sử dụng đá, vật liệu tại chỗ để làm đường và bờ kè trên khu đất với mục đích sử dụng đất kết hợp đa mục đích theo quy định của Luật Đất đai mới được ban hành năm 2024.
Về lý do thuê đất, ông Lương cho biết, ông thấy khu đất rộng và rất phù hợp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích, vừa trồng cây lâu năm, cây hàng năm – chủ yếu là cây sinh vật cảnh, vừa làm cảnh quan vườn sinh thái để khai thác lưỡng dụng các sản phẩm nông nghiệp (cây cảnh, cây trồng, cây ăn trái) và khai thác dịch vụ cảnh quan phục vụ khách du lịch. Do vậy, ông đã thuê đất và phối hợp với một số nhà đầu tư khác cùng đầu tư, xây dựng vườn tại khu đất của ông Đại.
Ông Lương cho biết, qua tìm hiểu quy định tại của Luật Đất đai năm 2024 và Điều 99, Nghị định số 102/2024/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai quy định về sử dụng đất kết hợp đa mục đích, ông đã xây dựng “Phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích” và gửi hồ sơ xin phép sử dụng đất đến UBND TP Phú Quốc để được sử dụng đất, đầu tư và kinh doanh. Ông cũng thường xuyên gửi báo cáo sử dụng đất đến UBND TP Phú Quốc.
Đảm bảo “mục tiêu kép” trong quản lý, sử dụng đất
Theo phương án mà ông Lương trình cho UBND TP Phú Quốc, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích góp phần phát triển ngành dịch vụ du lịch của TP Phú Quốc thông qua đầu tư vốn xây dựng và phát triển vườn sinh thái theo chủ đề mỹ thuật, nghệ thuật và văn học nhằm tạo ra không gian cảnh quan cổ tích giữa thiên nhiên, đảm bảo sử dụng đất đúng pháp luật và làm phát huy giá trị đất đai, tài nguyên. Đồng thời, việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích cũng để phát triển hạ tầng du lịch và các sản phẩm du lịch độc đáo, qua đó tạo công ăn, việc làm cho người lao động và tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước thông qua các loại thuế thu được từ hoạt động kinh doanh kết hợp đa mục đích.
Trong “Phương án sử dụng đất kết hợp đa mục đích” mà ông Lương xây dựng, báo cáo UBND TP Phú Quốc thì tại khu đất này, ông thực hiện xây dựng, phát triển vườn sinh thái với các loại cây trồng là sinh vật cảnh để tạo cảnh quan nghệ thuật và mỹ thuật theo chủ đề; trồng các loại cây sinh vật cảnh có giá trị kinh tế cao như cây bonsai; các loại cây có nhu cầu cao về trưng bày tại các công trình kiến trúc, biệt thự lớn như cây vạn tuế Nhật Bản; các loại cây hoa thân gỗ như hoa giấy. Việc trồng và bố trí các loại cây theo thiết kế không gian cảnh quan được quy hoạch đầy đủ sẽ tạo nên một khu vườn có giá tri kinh tế cao và đảm bảo sử dụng đất đúng mục đích.
Ông Lương cho biết thêm, việc xây dựng, phát triển khu vườn theo đúng mục đích sử dụng đất còn có thể tạo cảnh quan tự nhiên bằng việc kết hợp các vật liệu tự nhiên như gốc cây khô, các loại đá tự nhiên tại chỗ để tạo thành các kiến trúc tự nhiên độc đáo, giúp khu vườn có sức sống nghệ thuật và có thể kết hợp các nội dung chủ đề theo các câu chuyện cổ tích, các câu chuyện giả tưởng được mô phỏng theo các tác phẩm văn học nổi tiếng hoặc các bộ phim kinh điển. Công viên chủ đề vừa phát huy được giá trị của đất đai, vừa tận dụng khai khác không gian cảnh quan để tái tạo không gian văn hóa phục vụ du lịch.
Việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật lưỡng dụng, vừa phục vụ khu vườn kết hợp phục vụ khách du lịch cũng được chủ vườn mô tả trong phương án đề xuất gửi chính quyền địa phương. Hiện tại, khu vườn hiện nay đã gần được hoàn thành với nhiều vật kiến trúc được xắp xếp bằng các vật liệu tại chỗ như đất, đá được chủ vườn bố trí sắp đặt và tạo hình độc đáo.
Trong đơn đề nghị sử dụng đất kết hợp đa mục đích, ông Trần Văn Lương cam kết: Không xây dựng công trình mà theo quy định phải xin phép xây dựng; Tài sản của ông sẽ được di dời và không yêu cầu bồi thường nếu Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế xã hội và an ninh quốc gia; Chấp hành quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh và pháp luật về thuế trong quá trình sử dụng đất làm vườn và kết hợp vườn sinh thái phục vụ du lịch.
Về quy định của pháp luật liên quan đến sử dụng đất đa mục đích, Luật sư Phạm Thu Thủy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, Luật Đất đai năm 2023, sửa đổi bổ sung năm 2024 và Nghị định 102/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đất đai đã có quy định về vấn đề này. Tại Khoản 1, Điều 218, Luật Đất đai năm 2024 quy định, đất nông nghiệp được sử dụng kết hợp với mục đích thương mại, dịch vụ, chăn nuôi, trồng cây dược liệu.
Việc sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải đáp ứng các yêu cầu: Không làm thay đổi loại đất theo phân loại đất quy định; Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trở lại sử dụng đất vào mục đích chính; Không ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh; Hạn chế ảnh hưởng đến bảo tồn hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, cảnh quan môi trường; Không làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của các thửa đất liền kề; Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính theo quy định; Tuân thủ pháp luật có liên quan.
Điều 99, Nghị định 102 quy định, diện tích đất sử dụng vào mục đích kết hợp không quá 50% diện tích đất sử dụng vào mục đích chính, trừ diện tích đất ở sử dụng kết hợp đa mục đích. Công trình xây dựng trên đất nông nghiệp để sử dụng đất kết hợp đa mục đích phải có quy mô, tính chất phù hợp, dễ dàng tháo dỡ. Nghị định 102 cũng quy định nội dung phương án sử dụng đất kết hợp vào mục đích thương mại, dịch vụ. Đối chiếu các quy định của pháp luật, có cơ sở để xem xét, cho phép ông Trần Văn Lương được sử dụng đất kết hợp đa mục đích như đã nêu.
Quản lý chặt chẽ đối với việc sử dụng đất của người dân để tránh các vi phạm về đất đai là yêu cầu đối với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc tạo điều kiện về các thủ tục để người dân được thực hiện sử dụng đất kết hợp đa mục đích, từ đó sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quan trọng của đất nước và tạo công ăn việc làm cho người dân cũng hết sức quan trọng và cần thiết.