Tâm điểm dư luận

Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng

Trung Nguyễn 28/11/2024 - 14:49

Trong năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương…

Năm 2024, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, có bước tiến mới, quyết liệt và hiệu quả hơn cả ở Trung ương và địa phương; nhiều chính sách, quy định mới về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được Đảng và Nhà nước ban hành, quán triệt triển khai thực hiện nghiêm túc.

Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2024 do Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày tại Quốc hội cho biết, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan có chức năng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, với quyết tâm chính trị rất cao, đạt nhiều kết quả quan trọng, để lại dấu ấn tốt, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, hưởng ứng, đánh giá cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Tuy nhiên, thực tế việc khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật còn chậm so với yêu cầu thực tiễn đặt ra. Một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa được triển khai thực hiện toàn diện; tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm, không dám làm chậm được khắc phục…

Trình bày Báo cáo thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để phòng, chống tham nhũng trong một số trường hợp còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu; một số chủ trương, chính sách của Đảng chậm được thể chế hóa đầy đủ thành pháp luật… Thực trạng này là một trong các yếu tố dẫn đến khó khăn trong thực thi pháp luật; cán bộ sợ trách nhiệm, đùn đẩy, né tránh, sợ sai không dám làm.Đồng thời, có thể dẫn đến tình trạng cán bộ lợi dụng sơ hở của pháp luật để thực hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Cũng trong năm 2024, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh; xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ việc tồn đọng, kéo dài hoặc vụ việc mới phát sinh, liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương…

Tuy nhiên, công tác phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế; công tác tự kiểm tra, tự phát hiện tham nhũng chưa chuyển biến. Chất lượng, tiến độ giải quyết một số vụ án tham nhũng chưa đạt yêu cầu; còn có vụ án phải đình chỉ do hành vi không cấu thành tội phạm; nhiều vụ án phải tạm đình chỉ do phải chờ kết quả giám định, định giá. Tài sản phải thu hồi trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế vẫn còn tồn đọng lớn; nhiều tài sản có tranh chấp quyền sở hữu nhưng chưa được làm rõ về tình trạng pháp lý, gây khó khăn cho giai đoạn thi hành án…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp. Những sai phạm về tham nhũng, tiêu cực thời gian qua cho thấy có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực. Công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức…

Do đó, đề nghị Chính phủ cần tổng kết, đánh giá, nhận diện đầy đủ các hạn chế và nguyên nhân để dự báo đúng tình hình tham nhũng; trên cơ sở đó xác định rõ nguyên nhân chủ yếu và đề ra giải pháp đột phá để phòng, chống hiệu quả.

Đặc biệt, cần đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật, bảo đảm phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, cục bộ trong công tác xây dựng pháp luật; khẩn trương khắc phục những vướng mắc, bất cập trong các quy định của pháp luật về phòng chống tham nhũng, về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn… Đồng thời phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai, xây dựng, đấu thầu, hoạt động ngân hàng…; ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, “tham nhũng vặt”, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.

Ngoài các giải pháp căn cơ đã nêu, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực tại Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực (tháng 10 vừa qua), cần xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; vừa phải tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vừa phải quan tâm đẩy mạnh phòng, chống lãng phí; phải gắn phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với phòng, chống lãng phí.

Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần thống nhất trong nhận thức và hành động, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và phòng, chống lãng phí phải được thực hiện quyết liệt, đồng bộ trong hệ thống chính trị, trong từng cơ quan, đơn vị, từng tổ chức, cá nhân khu vực công, khu vực tư; xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể có hành vi, việc làm gây thất thoát, lãng phí tài sản công…

Trung Nguyễn