An toàn thông tin trong kỷ nguyên số, lợi thế cùng những thách thức
Sáng 27/11, tại TP.HCM, Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức Tọa đàm “An toàn thông tin trong kỷ nguyên số”, nêu lên những lợi thế của nền kinh tế số cùng những thách thức.
Phát biểu khai mạc, ông Hà Ánh Bình, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam chia sẻ, kỷ nguyên số đã và đang tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ trong đời sống xã hội, kinh tế và văn hóa của Việt Nam cũng như toàn cầu. Đặc biệt, nền kinh tế số đang được kỳ vọng là động lực tăng trưởng cốt lõi, giúp Việt Nam đẩy mạnh hội nhập và khẳng định vị thế trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội là những thách thức không nhỏ, trong đó có vấn đề an toàn thông tin - yếu tố then chốt trong sự bền vững của chuyển đổi số.
Theo ông Bình, những sự cố an ninh mạng, từ các cuộc tấn công có tổ chức đến những lỗ hổng trong việc quản lý thông tin, đang đặt ra nguy cơ nghiêm trọng không chỉ đối với doanh nghiệp hay cá nhân, mà còn với các cơ quan nhà nước, thậm chí là an ninh quốc gia.
Chính vì vậy, việc xây dựng những giải pháp hiệu quả để bảo vệ thông tin và dữ liệu không chỉ là nhiệm vụ cấp thiết mà còn là trách nhiệm chung của cả xã hội.
Ông Trương Đức Lượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần An ninh mạng Việt Nam cho biết, tấn công mạng luôn hiện hữu và ngày càng gia tăng cùng với sự phát triển của ứng dụng công nghệ thông tin và xu thế trực tuyến. Quý 3 năm 2024, hơn 5 triệu mối đe dọa được phát hiện (Kaspersky), 18,7% người dùng Internet Việt Nam là đối tượng của tấn công mạng (Kaspersky).
Tại Toạ đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Xuân Vinh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh Đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, trong tương lai, an ninh mạng toàn cầu sẽ tiếp tục đối mặt với các thách thức ngày càng lớn, đặc biệt khi công nghệ 5G và IoT được triển khai rộng rãi, mở ra các lỗ hổng bảo mật mới.
Thạc sĩ Nguyễn Tấn Hoàng Hải, Giảng viên, khoa Luật Dân sự, Trường đại học Luật TP.HCM cũng đề xuất giải pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin người tiêu dùng trong giao dịch điện tử. Việc tăng mức chế tài hành chính là cần thiết để tăng cường sức ngăn chặn và đặt ra một mức độ trách nhiệm lớn hơn cho những hành vi này.
Chẳng hạn, Luật Bảo vệ dữ liệu châu Âu (General Data Protection Regulation-GDPR), mức xử phạt tiền tối đa đối với trường hợp vi phạm lớn về dữ liệu cá nhân là 4% tổng doanh thu năm hoặc 20 triệu Euro.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng, Trưởng bộ môn Luật Hình sự, Trường đại học Luật TP.HCM chia sẻ, quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân được nêu tại Nghị định 13/2023/NĐ-CP ngày 17/4/2023 của Chính phủ về bảo vệ dữ liệu cá nhân và một số văn bản pháp luật khác, nhưng còn thiếu quy định về quyền được khôi phục dữ liệu cá nhân, quyền và nghĩa vụ của bên thứ ba...
“Do vậy, cần cấp thiết xây dựng, ban hành “Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân” nhằm tạo khung pháp lý để bảo đảm việc bảo vệ thông tin cá nhân, xử lý triệt để các vi phạm”, Tiến sĩ Nguyễn Thị Ánh Hồng cho biết.