Quốc hội thông qua Luật Công chứng (sửa đổi)
Với 450/453 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 93,95% tổng số đại biểu Quốc hội), chiều 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Công chứng sửa đổi.
Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 8 Chương, 76 Điều, quy định về công chứng viên (CCV), tổ chức hành nghề công chứng, việc hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng. Luật nêu rõ, giao dịch phải công chứng là giao dịch quan trọng, đòi hỏi mức độ an toàn pháp lý cao và được luật quy định phải công chứng.
Đáng chú ý, Điều 39 Luật Công chứng 2024 quy định bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV là loại hình bảo hiểm bắt buộc. Tổ chức hành nghề công chứng có nghĩa vụ mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV hành nghề tại tổ chức mình. Việc mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho CCV phải được duy trì trong suốt thời gian hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
Chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày mua bảo hiểm hoặc kể từ ngày thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm, tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm thông báo và gửi bản sao hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng thay đổi, gia hạn hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV cho Sở Tư pháp.
Luật giao Chính phủ quy định chi tiết điều kiện, quy tắc bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu đối với bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp của CCV.
Liên quan đến thẩm quyền công chứng giao dịch về bất động sản, Điều 44 Luật Công chứng (sửa đổi) quy định: “Công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng chỉ được công chứng giao dịch về bất động sản trong phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở”.
Quy định này loại trừ trường hợp công chứng di chúc, văn bản từ chối nhận di sản, văn bản ủy quyền liên quan đến việc thực hiện các quyền đối với bất động sản, thỏa thuận xác lập chế độ tài sản của vợ chồng về bất động sản và công chứng việc sửa đổi, bổ sung, chấm dứt, hủy bỏ các giao dịch này theo quy định của pháp luật.
Trước đó, báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, có ý kiến đề nghị không quy định công chứng giao dịch về bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nước ta theo mô hình công chứng La tinh, là công chứng nội dung, Theo đó, công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực, hợp pháp của giao dịch, bao gồm cả đối tượng của giao dịch.
Trường hợp đối tượng giao dịch là bất động sản, ngoài việc kiểm tra các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quyền sử dụng về bất động sản, trong trường hợp cần thiết, công chứng viên cần tiến hành kiểm tra, xác minh thực tế tại nơi có bất động sản để bảo đảm an toàn pháp lý cho giao dịch.
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hiện nay chưa có cơ sở dữ liệu công chứng áp dụng chung toàn quốc; vẫn còn một số địa phương chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu công chứng.
Việc thực hiện công chứng bất động sản theo địa hạt cấp tỉnh sẽ hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro về công chứng, chứng thực nhiều lần đối với một bất động sản tại một thời điểm, đồng thời bảo đảm thực hiện thống nhất, tránh việc áp dụng pháp luật tùy nghi phụ thuộc vào ý chí của từng công chứng viên, có thể gây ra sơ hở, lạm dụng.
Do vậy, trên cơ sở ý kiến thống nhất của Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ quy định của dự thảo Luật về nội dung này trên cơ sở tổng kết thực tiễn và phù hợp với kinh nghiệm quốc tế.