Tin địa phương

Bà Rịa - Vũng Tàu: Phát triển du lịch chất lượng cao, khẳng định ngành kinh tế mũi nhọn

Lê Hương 26/11/2024 - 10:17

Với hạ tầng giao thông hàng không, cảng biển kết nối quốc tế thuận lợi, bờ biển dài, nhiều khu lưu trú, dịch vụ giải trí cao cấp, Bà Rịa - Vũng Tàu hội tụ đủ điều kiện trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao. Đặc biệt, ngành du lịch là 1 trong 4 trụ cột kinh tế, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đang tập trung thúc đẩy phát triển đã phát huy tối đa những lợi thế sẵn có, hướng đến trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế.

Hướng đến du lịch chất lượng cao

Tại Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị, với tầm nhìn dài hạn, đã thống nhất chủ trương định hướng phát triển đô thị trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế tại Bà Rịa – Vũng Tàu.

vt-5-ba-ria-vung-tau-da-hinh-thanh-duoc-cac-khu-du-lich-chat-luong-cao-tam-voc-quoc-te.jpg
Bà Rịa - Vũng Tàu đã hình thành được các khu du lịch chất lượng cao, tầm vóc quốc tế

Trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã định hướng quy hoạch phát triển du lịch theo không gian vùng, như phát triển du lịch tập trung tại khu vực ven biển phía Đông Nam và huyện Côn Đảo; phát triển khu du lịch quốc gia Côn Đảo theo mô hình du lịch chất lượng cao, chú trọng bảo vệ và bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt.

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng phát triển các khu du lịch Long Hải - Phước Hải, Hồ Tràm - Bình Châu để hình thành chuỗi sản phẩm du lịch về nghỉ dưỡng, du lịch biển đảo, du lịch thể thao - giải trí chất lượng cao, văn hóa, sinh thái, bất động sản, y tế phục hồi sức khỏe, du lịch nông nghiệp, nông thôn…; phát triển chuỗi đô thị du lịch ven biển ở Vũng Tàu, Long Hải, Phước Hải, Lộc An, Hồ Tràm, Bình Châu theo hướng đô thị xanh; chất lượng hạ tầng đô thị và môi trường sống vượt trội so với các đô thị khác trong vùng Đông Nam bộ; phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao tầm cỡ quốc tế.

Ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, cho hay dự thảo Chiến lược phát triển du lịch tỉnh đã đánh giá, xác định 2 sản phẩm du lịch cốt lõi của Bà Rịa - Vũng Tàu là gắn với vui chơi giải trí (nhất là sản phẩm du lịch golf và nghỉ dưỡng biển) và du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái, du lịch gắn với chăm sóc sức khỏe hay du lịch cộng đồng.

Chia sẻ về kế hoạch thu hút lượng khách cao cấp, giới siêu giàu đến Bà Rịa - Vũng Tàu, ông Trịnh Hàng cho biết hiện Bà Rịa - Vũng Tàu đã xây dựng 9 chương trình tour, tuyến thực hiện "Một cung đường, hai điểm đến" với mục tiêu thu hút 20-25% lượng khách quốc tế đến TPHCM sẽ đến tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

vt5-mot-khu-du-lich-nghi-duong-cao-cap-tai-ho-tram-ba-ria-vung-tau.jpg
Một khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tại Hồ Tràm, Bà Rịa - Vũng Tàu

Để phát triển du lịch chất lượng cao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã xác định triển khai đồng bộ 5 giải pháp, gồm phối hợp tổ chức triển khai hiệu quả Quy hoạch tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; triển khai công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới, khác biệt có tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao, thu hút khách chi tiêu cao và khách quốc tế; tăng cường liên kết phát triển du lịch, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao, chuyên nghiệp; tăng cường tuyên truyền, xúc tiến quảng bá du lịch, đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh, nhất là các giải pháp để thực hiện quảng bá tại các sân bay, bến cảng, bến tàu khách du lịch.

Nhiều giải pháp giúp du lịch Vũng Tàu phát triển

Bà Rịa – Vũng Tàu có bờ biển dài với bãi cát thoải, sạch, nước trong, đủ điều kiện phát triển du lịch chất lượng cao. Tỉnh còn có nhiều khu vực có cảnh quan hấp dẫn, môi trường trong lành, ngoài ra còn có các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia và nhiều lễ hội văn hóa truyền thống đặc sắc...

Cùng với đó là quần đảo Côn Đảo, vừa là di tích lịch sử cách mạng nổi tiếng, vừa là khu bảo tồn thiên nhiên rừng, biển.

Ngoài ra, Bà Rịa - Vũng Tàu còn vị trí địa lý liền kề với các trung tâm kinh tế, tập trung đông đúc dân cư của vùng Đông Nam bộ, với thị trường khoảng 20 triệu dân có thu nhập cao, tầng lớp trung lưu đang phát triển nhanh, đây là các yếu tố thuận lợi để Bà Rịa - Vũng Tàu hướng đến thành trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng chất lượng cao của vùng Đông Nam bộ và các vùng lân cận.

Đến năm 2023, Bà Rịa – Vũng Tàu có khoảng 132 dự án với tổng vốn đầu tư khoảng 9 tỷ USD hướng đến dịch vụ du lịch chất lượng cao. Các dự án đầu tư được phân bổ chủ yếu trên tuyến ven biển Vũng Tàu - Long Điền - Đất Đỏ - Xuyên Mộc và huyện Côn Đảo.

vung-tau-cap-treo-tai-tp-vung-tau-trai-tim-cua-du-lich-tinh-ba-ria-vung-tau.png
Cáp treo tại TP Vũng Tàu, trái tim của du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Hiện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã hình thành được các khu du lịch chất lượng cao, tầm vóc quốc tế, với các thương hiệu nổi tiếng cả trong và ngoài nước như: The Grand -Ho Tram strip, Six senses Côn Đảo, The Imperial, Pullman...

Theo Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh, trong năm 2024, ngành du lịch tỉnh sẽ tiếp tục tập trung thực hiện các nhiệm vụ để phát triển du lịch chất lượng cao như: đẩy mạnh tuyên truyền chiến lược phát triển du lịch gắn với kinh tế biển bền vững; xây dựng và triển khai thực hiện chính sách kích cầu về du lịch, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi.

Bên cạnh đó, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu phát triển sản phẩm du lịch chất lượng cao gắn với xây dựng và củng cố thương hiệu; rà soát, điều chỉnh các quy hoạch hiện có, tạo quỹ đất cho đầu tư phát triển du lịch; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số, đô thị thông minh gắn với cải cách hành chính trong du lịch.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phát triển du lịch chất lượng cao; đổi mới hoạt động xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh, nhất là các giải pháp để thực hiện quảng bá tại các sân bay, bến cảng, bến tàu khách du lịch…

Để thu hút lượng lớn khách du lịch tới địa phương, ngành du lịch tiếp tục, đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới có sự khác biệt, mang tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách, đặc biệt thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và du khách quốc tế.

Cần đa dạng hóa các loại hình du lịch đường sông, du lịch trải nghiệm; chú trọng kêu gọi đầu tư các cảng tàu đón khách du lịch, nhất là khách du lịch quốc tế, trong đó tập trung phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển, du lịch hội nghị, hội thảo (MICE), du lịch sinh thái chất lượng cao; cùng với đó quan tâm, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp, doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi tham gia vào chuỗi sản xuất…

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Khánh, để thực hiện hiệu quả kế hoạch phát triển du lịch chất lượng cao các thành viên trong Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh cần bám sát quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo để thực hiện. Rà soát lại các nhiệm vụ theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó đề xuất các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch chất lượng cao cũng như kịp thời tháo gỡ các nhiệm vụ còn vướng mắc, tồn đọng.

Lê Hương