Đời sống

Niềm tin Công lý: Đưa pháp luật đến gần với cuộc sống

PV 24/11/2024 - 16:46

Trong cuộc sống hiện đại, pháp luật không chỉ là công cụ điều chỉnh hành vi mà còn là bệ đỡ quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mỗi cá nhân và tổ chức. Là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp, Tòa án không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà nước và xã hội, mà còn trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

Thẩm phán được xem là linh hồn của mỗi phiên xét xử. Với vai trò là người trực tiếp đưa ra phán quyết, các thẩm phán không chỉ áp dụng pháp luật một cách chính xác mà còn phải đảm bảo các phán quyết đó được thực hiện dựa trên nguyên tắc "phụng công, thủ pháp, chí công, vô tư". Đây không chỉ là một khẩu hiệu, mà còn là kim chỉ nam cho đạo đức nghề nghiệp của mỗi thẩm phán. Họ góp phần giữ vững sự ổn định và phát triển của xã hội để từ đó góp phần quan trọng trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

can-can-cong-ly.jpg
Tòa án không chỉ bảo vệ lợi ích của nhà nước và xã hội, mà còn trực tiếp bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân và tổ chức.

Thấu hiểu những điều này, đồng thời cũng để thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới, Kế hoạch số 38-KH/CCTP của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương về “Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về chủ trương, nhiệm vụ cải cách tư pháp và hoạt động tư pháp”, Tòa án nhân dân tối cao giao Báo Công lý làm đầu mối phối hợp, tổ chức sản xuất và phát sóng Chương trình truyền hình “Niềm tin Công lý” trên sóng Đài Truyền hình Việt Nam-VTV1.

Chương trình “Niềm tin Công lý” là sự kết hợp giữa phóng sự và trường quay, giữa người dẫn chương trình và khách mời. Bằng các thủ pháp nghệ thuật truyền hình, kỹ thuât đồ họa và thông qua nhân vật, những người trực tiếp tham gia điều tra, truy tố, xét xử, Chương trình sẽ đưa đến cho khán giả xem truyền hình những thông tin chính xác với nhiều nội dung hấp dẫn, qua đó góp phần giáo dục và nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người dân, đặc biệt là các đối tượng dễ bị “phơi nhiễm” tiêu cực xã hội, trở thành người vi phạm pháp luật. Thông qua Chương trình, người xem cũng sẽ hiểu và tuân thủ hơn các quy định pháp luật.

“Gửi trọn niềm tin vào công lý”

Trong cuộc sống hiện đại, kiến thức pháp luật không còn là đặc quyền của người lớn hay những chuyên gia pháp lý. Đối với trẻ vị thành niên – lứa tuổi đang hình thành nhân cách và khám phá thế giới xung quanh, hiểu biết về pháp luật là một hành trang vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thực tế đáng buồn là không ít các bạn trẻ ở độ tuổi này đã vô tình vi phạm pháp luật chỉ vì thiếu hiểu biết, để rồi gánh chịu hậu quả nặng nề, thậm chí ám ảnh cả đời.

anh-4-bi-cao-tai-phien-toa-tap-2.jpg
Chương trình “Niềm tin Công lý” là sự kết hợp giữa phóng sự và trường quay, giữa người dẫn chương trình và khách mời.(Hình ảnh phục dựng lại tình huống từ thực tế)

Những vi phạm của trẻ vị thành niên phần lớn bắt nguồn từ sự vô ý, thiếu kiến thức và đôi khi là do ảnh hưởng từ bạn bè hoặc mạng xã hội. Nhiều em không nhận thức được rằng hành vi tưởng như vô hại lại có thể gây tổn thương lớn, thậm chí bị xem là hành vi phạm pháp.

Trong tập phát sóng "Niềm tin Công lý" số 2, khán giả cũng sẽ được theo dõi và tìm hiểu một tình huống như vậy. Cả bị hại, bị cáo đều là những trẻ chưa đủ hay mới đủ tuổi vị thành niên. Vụ án mạng xảy ra khi bị cáo phải tìm cách tự vệ để bảo vệ mình và bạn gái. Em đã dùng dao khua khoắng khiến một người trong nhóm đối tượng gây hấn bị tử vong. Câu chuyện được dựng lại qua hình ảnh chân thực. Từ mâu thuẫn ban đầu là những lời trêu đùa cho đến lúc xảy ra xô xát rồi dẫn đến hậu quả đau lòng.

anh-3-phien-toa-xet-xu-bi-cao-duoc-phuc-dung-lai-tap-2.jpg
Bằng các thủ pháp nghệ thuật truyền hình, kỹ thuật đồ họa và thông qua nhân vật, những người trực tiếp tham gia điều tra, truy tố, xét xử, Chương trình sẽ đưa đến cho khán giả xem truyền hình những thông tin chính xác. (Hình ảnh phục dựng lại một phiên toà giả định)

Tất cả khi diễn ra chưa đầy chục phút nhưng hậu quả là vô cùng lớn. Một người tử vong và một người phải đối diện với bản án hay phải ngồi tù. Tương lai của các em từ đây có thể không còn tươi sáng, rộng mở được nữa. Quan trọng ở độ tuổi còn quá trẻ như vậy, để thi hành án xong cơ hội để làm lại cuộc đời sẽ rất khó khăn.

Đứng trước những tình huống này, quyết định của Thẩm phán ra sao? Những quy định, điều khoản nào của pháp luật được áp dụng? Đứng giữa sự nghiêm minh của pháp luật và một bên là tuổi trẻ, ước mơ của một con người cần cứu giúp, Thẩm phán sẽ xử lý như thế nào? Việc bị cáo chỉ bị tuyên phạt mức án tù bằng đúng thời hạn đã tạm giam về tội “giết ngưòi do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng”; được trả tự do ngay tại phiên tòa được cả bị cáo, gia đình bị cáo lẫn gia đình bị hại đồng tình đã chứng tỏ được “niềm tin công lý” trong phán quyết của HĐXX. Một khi người dân đã có niềm tin công lý thì chắc chắc, họ sẽ có ý thức hơn trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật trong cuộc sống.

anh-1-khach-moi-cua-tap-2.jpg
Các khách mời sẽ mang đến cho khán giả cái nhìn đầy đủ nhất về những vụ án, vấn đề xét xử tại Toà.

Từ những tình huống dựng lại hoạt cảnh, phiên toà giả định hay những ý kiến, phân tích từ những chuyên gia trong chương trình “Niềm tin Công lý” sẽ đưa tới khán giả cái nhìn tổng thể nhất về vụ việc.

Đứng trước Hội đồng xét xử, có phải mỗi bị cáo có tội? Đằng sau những bản án thì điều còn lại và những giá trị nào được nhắc tới? Câu trả lời sẽ có trong chương trình truyền hình “Niềm tin Công lý” được phát sóng lúc 22 giờ 30 phút, thứ 3 ngày 26/11, trên Kênh VTV1 – Đài Truyền hình Việt Nam.

Niềm tin Công lý: Đưa pháp luật đến gần với cuộc sống

PV