Văn hóa - Du lịch

Quảng bá di sản văn hóa phi vật thể tại Quảng Ninh

Hoàng Hà 24/11/2024 - 16:15

Lần đầu tiên Bảo tàng Quảng Ninh phối hợp với Bảo tàng Văn hoá các dân tộc Việt Nam tổ chức triển lãm đặc sắc với chủ đề “Sắc màu di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Quảng Ninh trong văn hóa phi vật thể Việt Nam”. Triển lãm diễn ra từ nay đến hết ngày 22/12.

Triển lãm giới thiệu hai phần chính gồm: Phần 1 “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh" và phần 2 “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tỉnh Quảng Ninh”.

Thông qua 76 bức ảnh, 32 bản trích và 6 tổ hợp tượng tái hiện các diễn xướng dân gian, triển lãm giới thiệu các giá trị di sản văn hóa phi vật thể phong phú của Quảng Ninh; quảng bá văn hoá, con người Việt Nam và Quảng Ninh tới công chúng và du khách.

trienalm.jpg
Giảng viên và sinh viên Khoa Văn hóa, Trường Đại học Hạ Long, đến tìm hiểu và học tập tại triển lãm.

Trong không gian trưng bày chuyên đề tại khối hội nghị của Bảo tàng Quảng Ninh, nội dung phần 1 “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO ghi danh” được bố trí ở bên trái. Ở đây, 15 loại hình di sản văn hoá phi vật thể được giới thiệu qua hệ thống bản trích, 40 hình ảnh các nghệ nhân thực hành di sản.

Nằm đối diện với phần thứ nhất là nội dung phần 2 “Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia tỉnh Quảng Ninh” được bố trí ở bên phải không gian trưng bày với 12 cụm pa nô giới thiệu. Các bản trích dẫn được tóm lược một cách cô đọng nhất những nội dung đặc sắc của di sản, năm được công nhận.

Đi kèm với đó là 36 hình ảnh các nghệ nhân dân gian Quảng Ninh thực hành di sản, biểu diễn trên sân khấu và truyền dạy cho thế hệ trẻ.

Ở giữa không gian chính và tập trung sự quan sát của du khách là cụm tượng và màn hình trình chiếu các video clip về di sản văn hoá phi vật thể các dân tộc Việt Nam được UNSECO ghi danh. Đáng chú ý có cụm tượng về diễn xướng dân gian hát ca trù, cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, dân ca Quan họ Bắc Ninh và đờn ca tài tử Nam Bộ.

Quảng Ninh hiện có 362 di sản văn hóa phi vật thể với 7 loại hình gồm: 76 lễ hội dân gian truyền thống, 25 di sản, nghề thủ công truyền thống, 22 di sản nghệ thuật trình diễn dân gian, 14 di sản ngữ văn dân gian, 168 di sản tập quán xã hội, 7 di sản tiếng nói chữ viết, 50 di sản tri thức dân gian.

Trong đó, có 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Thực hành then của người Tày, Hát nhà tơ (hát cửa đình), Lễ hội đền Cửa Ông, Lễ hội Tiên Công, Lễ hội đình Trà Cổ, Lễ hội đình Quan Lạn, Lễ hội Bạch Đằng, hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, hát Soọng cô của người Sán Dìu, Lễ hội đình Đầm Hà, Lễ hội đình Vạn Ninh (TP Móng Cái) và Lễ hội Xuống đồng (TX Quảng Yên).

Trong thời gian qua, nhiều di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm bảo tồn và phát huy giá trị.

Hoàng Hà